Tập thơ “Mắt bà ở phía khơi xa” (2023, NXB Quân đội Nhân dân) có 54 “đứa con tinh thần” được Thy Lan viết về những người thân yêu và nơi thân thuộc, gắn bó như ông bà, chồng con, quê hương và những miền đất chị đã đi qua, những con người đã gặp, đã gieo thi cảm cho chị, trong đó phần lớn là con người và các địa danh của xứ Thanh.
Thy Lan ít khi trừu tượng hóa đối tượng, đối tượng vẫn là chính nó – đơn giản, thuần khiết và mang hơi thở nồng nàn của người đang yêu, người luôn hy vọng. Trong dòng chảy của thi ca đương đại, đã có nhiều lời bàn về thơ.
Cũng ở xứ Thanh, Phạm Tiến Triều từng tuyên ngôn về điểm tựa của thơ, rằng: Thơ phải chắt ra từ máu thịt/ Thơ phải đi từ nỗi đau cất lên/ Thơ phải chảy từ trái tim yêu thương con người mà có (Tìm mình – Phạm Tiến Triều). Còn Thy Lan lại rất nhẹ nhàng, quan tâm đến những gì gần gũi, rất đời của người đàn bà một cách giản dị, khiêm nhường: Những câu thơ mang dấu tích/ Của những bước chân quen lạ vô hình/ Như lá vẫn mong điều có ích! (Diệp lục những chiếc lá).
Lời thơ nhẹ nhàng, giản dị mà hàm ý sâu xa gánh nặng trách nhiệm của người cầm bút. Thy Lan cho rằng, viết thơ hay sáng tạo nói chung phải đem đến điều có ích, thơ phải mang hơi ấm con người, hơi ấm cho cuộc đời. Thy Lan đã ngầm nhắc bản thân về trọng trách của người cầm bút sẽ viết những gì, viết như thế nào.
Yêu quê hương xứ mình, thơ Thy Lan trải hồn trong khung cảnh xứ Thanh, bày tỏ tình yêu với người lính, ngư dân nơi biển cả, nông dân ở nhiều miền đất, thợ thủ công ở các huyện đồng bằng ven biển. Đó là những con người nhiệt thành, cống hiến mình cho cuộc đời sôi nổi, cho sự đổi mới và bình yên của quê hương Thanh Hóa hôm nay. Thay vì ồn ào, thơ Thy Lan luôn dành một sự lắng lại, tri âm với người, với đời.
Trong thời đại công nghệ người ta đua nhau số hóa niềm vui, nỗi buồn, tạo thành lớp trào lưu đua trend, câu view. Ngay với nỗi nhớ, thứ thường trực có trong chúng ta, số hóa làm người ta chỉ thấy nỗi nhớ lang thang dạo trên muôn mặt tài khoản số, nó ầm ào, nó lặng lẽ. Nó biến tấu thành những câu thơ gập ghềnh, nhưng nó không có hình hài, vô định. Nỗi nhớ của Thy Lan thì khác, đó là nỗi nhớ có hình hài, có mùi và thêm cái lý trí của người đàn bà truyền thống. Thy Lan đã khắc họa nỗi nhớ gắn với nỗi đau đớn của người đàn bà miền biển mất chồng: Rồi một ngày biển thôi không dào dạt/ Bà âm thầm đắp mộ gió thờ ông (Mắt bà ở phía khơi xa).
Bao năm sống xa cha mẹ, tuổi học trò của Thy Lan gắn bó với ông bà nội. Thy Lan có một tuổi thơ gắn với bãi ngô, luống rau, vườn ổi làng Sến, xã Nga Thắng, huyện Nga Sơn, chứng kiến và có lúc là trụ cột trong cuộc sống cùng nội. Sự hồn nhiên của cô bé Lan dần bớt đi, nhường chỗ cho những đối sánh, suy tư: Con phổng phao bên má người tóp lại/ Ổi dùng dằng lay lắt đỏ vườn bên (Bà ơi).
Cũng chính cuộc sống ấy đã làm Thy Lan vừa đủ rắn rỏi trong vẻ mềm mại nữ tính vừa hiểu và yêu hơn người lao động. Cầm trái dứa thơm mà lòng chị rưng rưng về bao mồ hôi, sinh tử của con người trước thách thức của tự nhiên: Cầm trái dứa vắt ra từ ruột đất/ Ai nào hay nắng thắt mưa chìm.
Nơi nào những bước chân của nàng thơ qua cũng gắn với những kỷ niệm, ảnh hình yêu thương, từ vùng núi cao, trung du đến miền biển đều luôn có một người đàn bà chăm chút cho tình yêu và đầy khao khát yêu thương: Anh xoay mình về phía biển khơi/ Gặp đại dương xanh Sầm Sơn vời vợi/ Tay ôm sóng thu trải lòng mong đợi/ Em như là biển cả mặn bờ môi. (Thu Sầm Sơn mặn ngọt phía không lời).
Bên cạnh những trìu mến với gia đình, quê hương, người lao động, thơ Thy Lan đã dấn vào góc nhìn lịch sử, nhiều câu thơ có tính phát hiện và có khí chất riêng, nhất là so với thơ của nhiều nữ sĩ. Bởi viết thơ về đề tài lịch sử, chính trị không hề dễ, đặc biệt là đối với mỹ cảm của giới nữ. Thy Lan đã cho ta thêm yêu một xứ Thanh kiêu hùng lại thắm thiết, thân thương như thế này: Tôi qua cầu Tống Giang giữa màu hoa súng nở/ Gặp chớp gươm mở cõi rực bên thuyền…/ …Hoa súng ơi, súng tím của chiều quê/ Nghe tiếng cuốc vọng về khi thiếu mẹ/ Đất quý hương rộn ràng như mắt trẻ/ Mùi ốc quê theo gió ngọt cồn cào. (Đất quý hương).
Tin yêu và trân trọng thế hệ cha ông đã được Thy Lan gắn kết với sự yêu quý, thương mến những gì gần gũi, thân thương của hiện tại. Trong nhiều bài thơ viết về đề tài người lính, về biển đảo, Thy Lan đã bày tỏ những tình cảm thiêng liêng thật sự gây xúc động: Tổ quốc ơi! Xin chào đất Mẹ/ Nâng lên tay là biết ruột gan mình/ Đảo xa cách, đảo thành phên giậu/ Đảo thành cung nỏ cuộc trường sinh. (Đảo Mê nơi ấy gọi về).
Thơ Thy Lan có một sự đam mê, trăn trở, có tính phát hiện và có độ “đằm” riêng, song còn cần thêm sự lắng lại, có thời gian để đầu tư hơn về cấu tứ, diễn ngôn, sẽ làm những ghi chép về lịch sử bằng thơ tỏa sáng hơn.
Hạnh Lê