Trước thực trạng biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến sức khỏe, người tiêu dùng hiện nay đã dần thay đổi sang thói quen sử dụng những sản phẩm xanh, an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm. Hiện nay, tiêu dùng xanh không chỉ là xu hướng, mà dần trở thành nhu cầu tất yếu.
Khách hàng tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa ưu tiên sử dụng các loại túi sinh học.
Xu hướng “tiêu dùng xanh” đang được nhiều người dân lựa chọn, từ việc ưu tiên sử dụng các thực phẩm sạch, ít hoặc không có chất bảo quản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, hạn chế dùng thực phẩm đóng gói; nói không hoặc giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm làm từ nilon, nhựa… Trên địa bàn tỉnh, không khó để bắt gặp hình ảnh các cửa hàng thực phẩm, hữu cơ, nông sản, hoa quả sạch, tuy so với chợ truyền thống, sản phẩm có giá bán cao hơn nhưng vẫn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn vì có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan chức năng kiểm định và giám sát chất lượng. Chị Trịnh Thị Vân, chủ cửa hàng thực phẩm sạch Trịnh Vân (TP Thanh Hóa), cho biết: “Tất cả các loại thực phẩm bày bán trong cửa hàng được tôi lựa chọn đều có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm, ưu tiên nhập các loại nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tại các HTX trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình kinh doanh từ năm 2017 đến nay, tôi nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng ngày càng tăng cao, nhất là các loại rau xanh, các loại đậu… Vì vậy, tôi cũng chú trọng tìm kiếm thêm nguồn hàng rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ, thịt gia súc được chăn nuôi bằng thảo dược”…
Cùng với xu hướng tiêu dùng xanh, tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh đã sử dụng túi sinh học phân hủy thay thế cho núi nilon khó phân hủy; hạn chế bày bán những sản phẩm nhựa dùng một lần; các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường, đồ điện tiết kiệm năng lượng, sản phẩm may mặc làm từ nguyên liệu tự nhiên; khuyến khích nhà cung cấp nguồn hàng sử dụng bao bì, đóng gói thành phẩm bằng nguyên vật liệu thân thiện, như gói rau bằng lá chuối, đựng trứng vào giỏ tre… Chị Nguyễn Thu Huyền, khách hàng tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, cho biết: “Hiểu được tác hại từ việc sử dụng túi nilon nên tôi đã chuyển sang sử dụng túi sinh học tự hủy, khi đi siêu thị tôi cũng mang túi vải để đựng đồ, tái sử dụng nhiều lần. Bên cạnh đó, tôi cũng ưu tiên mua các loại ống hút tre, hộp bã mía, bình thủy tinh… để dùng trong sinh hoạt của gia đình”.
Khi việc bảo vệ môi trường là ưu tiên thì nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm, đồ uống trên địa bàn tỉnh cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của “làn sóng” đó. Hầu hết các chủ cửa hàng đã mạnh dạn thay thế túi nilon, ống hút nhựa, cốc nhựa… bằng túi giấy, ống hút giấy, ống hút tinh bột, ống hút tre… Anh Bùi Duy Cường, quản lý quán cà phê The Uncle (TP Thanh Hóa), cho biết: “Ban đầu, khi sử dụng ống hút và cốc giấy, khuyến khích khách mang túi vải đi đựng đồ, nhiều khách hàng đã khó chịu bởi dễ hỏng, bất tiện. Tuy nhiên, khi được giải thích và kiên trì sử dụng, hiện nay, khách hàng cũng quen dần và ngày càng có nhiều người mang bình thủy tinh đến quán để mua đồ uống”.
Hiện nay, trước xu hướng tiêu dùng xanh, các địa phương, doanh nghiệp, hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đã thay đổi tư duy, chú trọng sản xuất các sản phẩm như: Ống hút tre của Công ty TNHH Vibabo; các sản phẩm tẩy rửa tự nhiên từ vỏ dứa của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa3e Biotech… Các sản phẩm túi, mũ được làm từ cói, bèo tây, ngô, các món quà lưu niệm, đồ trang trí, đồ dùng làm từ tre, nứa, gỗ… cũng được người tiêu dùng ưa chuộng, được bày bán tại các địa điểm du lịch.
Có thể khẳng định, tiêu dùng xanh mang lại nhiều lợi ích và sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0. Tuy nhiên, quá trình thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường, gây ô nhiễm môi trường bằng “sản phẩm xanh” còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với người dân tại các địa phương hạn chế về phát triển kinh tế. Vì vậy, để lan tỏa ý thức “sống xanh”, các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền về chiến dịch tăng trưởng xanh bằng nhiều hành động cụ thể; khuyến khích chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường… Bên cạnh đó, cần tạo thêm điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của “tiêu dùng xanh” đối với môi trường sống và sức khỏe con người.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/xu-huong-tieu-dung-xanh-220223.htm