Cùng với việc thực hiện hiệu quả tích tụ, tập trung đất đai gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng hình thành các vùng nguyên liệu gắn với thu hút các doanh nghiệp chế biến. Từ đó, không những góp phần hình thành và phát triển vùng nguyên liệu bền vững cho doanh nghiệp sản xuất, mà còn nâng cao thu nhập cho người dân.
Diện tích sản xuất dưa chuột tập trung gắn với liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm ở xã Trường Xuân (Thọ Xuân).
Sau thời gian “bén rễ” trên những vùng đồi, cây chanh leo không còn xa lạ với người dân các huyện Lang Chánh, Như Xuân, Ngọc Lặc, Nông Cống… Theo dõi quá trình sinh trưởng thực tế của cây trồng du nhập này, người dân đánh giá đây là loại cây phù hợp với vùng đất đồi, nhất là khu vực có độ dốc vừa phải, cây phát triển tốt. Sau thời gian trồng thử nghiệm, 1ha chanh leo đang đạt doanh thu 240 triệu đồng/ha/năm. Nhất là, hầu hết diện tích trồng chanh leo tại các địa phương được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản T9 ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Theo đó, các hộ dân đầu tư 30% chi phí vốn ban đầu, 70% chi phí còn lại sẽ được công ty hỗ trợ trả dần theo từng năm, sau mỗi vụ thu hoạch công ty sẽ cung ứng vật tư đầu vào và hỗ trợ, giám sát kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân.
Bà Lê Thị Hậu, một trong những hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng chanh leo tại xã Trí Nang (Lang Chánh), cho biết: “Khi được xã vận động, hỗ trợ, gia đình tôi đã thực hiện liên kết với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản T9 trồng 300 gốc chanh leo. Toàn bộ sản phẩm được công ty thu mua theo giá thị trường. Trong trường hợp đã thực hiện trồng, chăm sóc theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của công ty mà chanh leo không cho thu hoạch, công ty sẽ bồi thường toàn bộ chi phí đầu tư trồng cho người dân. Vì vậy, chúng tôi rất tin tưởng, yên tâm sản xuất”.
Được biết, vùng nguyên liệu trồng chanh leo của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản T9 đã bắt đầu cho thu hoạch; nhiều địa phương có tiềm năng cũng đã và đang trồng thử nghiệm như Thạch Thành, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân…, hứa hẹn sẽ hình thành vùng nguyên liệu rộng lớn đáp ứng nhu cầu chế biến của doanh nghiệp.
Cây chanh leo trên vùng đồi xã Trí Nang (Lang Chánh).
Để phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động chế biến, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hình thành, mở rộng các vùng sản xuất như: Vùng lúa chất lượng cao, ngô ngọt, chè, xoài keo, chanh leo, dược liệu, gai xanh… tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến tinh, sâu; xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín. Hiện nay, đã có nhiều mô hình liên kết chuỗi giá trị thành công như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản T9 liên kết xây dựng vùng nguyên liệu xoài keo, chanh leo; các nhà máy chế biến dứa liên kết thu mua sản phẩm cho các vùng dứa nguyên liệu; các nhà máy chế biến lâm sản và cơ sở chế biến rau, quả, thực phẩm… Bên cạnh đó, phải kể đến các chuỗi liên kết sản xuất nguyên liệu sắn tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như ở Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân, Bá Thước, Nông Cống… với diện tích từ 13 – 15 nghìn ha mỗi năm. Ngoài ra, một số nhà máy chế biến tinh bột sắn chủ động đầu tư phát triển vùng nguyên liệu như Công ty TNHH Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Như Xuân, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh…
Không chỉ đạt hiệu quả cao về kinh tế, tháo gỡ được nút thắt về tình trạng “được mùa mất giá”, trước yêu cầu của doanh nghiệp, diện tích trồng cây phục vụ chế biến hầu hết được gieo trồng tập trung, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp gắn với chế biến của tỉnh. Vì vậy, thời gian tới các địa phương tiếp tục nghiên cứu, rà soát, lựa chọn các loại cây trồng chủ lực phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện canh tác để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, chú trọng gieo trồng các giống mới để nâng cao năng suất, chất lượng nhằm kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào… từ đó thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, nâng cao giá thu nhập cho người dân. Đồng thời, tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích, năng suất các vùng nguyên liệu đã trồng; khuyến khích, hỗ trợ người dân thành lập các tổ hợp tác, HTX làm cầu nối trong việc liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân với doanh nghiệp.
Bài và ảnh: Lê Ngọc