Dù chưa có doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, song sản phẩm gạo của Thanh Hóa không còn “vô danh” trên thị trường. Những thương hiệu “made in Thanh Hóa”, như: Tâm Phú Hưng, Ngọc Phố, nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang Hà Long, nếp hạt cau Tiên Sơn Hà Lĩnh,… đã được người tiêu dùng ưa chuộng và có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Lúa thu hoạch về được tập kết, chế biến tại Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ cao Tâm Phú Hưng, thị trấn Thiệu Hóa.
Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ cao Tâm Phú Hưng, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) tiền thân là nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo với quy mô nhỏ. Đến nay, công ty đã đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ, mở rộng liên kết với bà con nông dân và các HTX để hình thành chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo hiệu quả kinh tế cao. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo công suất cho nhà máy hoạt động, ngoài thuê lại đất của thị trấn Thiệu Hóa để xây dựng vùng lúa nguyên liệu, diện tích hơn 100 ha, công ty còn liên kết với 20 địa phương khác, như Yên Định, Triệu Sơn, Nông Cống, Thọ Xuân… và một số tỉnh, thành phố khác với diện tích lên đến 1.500 ha. Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Toàn bộ diện tích lúa được sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ hiện đại, theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP. Hiện công ty có 3 sản phẩm: gạo Tâm An, gạo Tâm Bình và gạo Japonica và đã xây dựng được thương hiệu, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao năm 2021.
Việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm gạo đã giúp doanh nghiệp tăng thị phần tiêu thụ. Ngoài xây dựng được 200 cửa hàng phân phối sản phẩm gạo ở trong và ngoài tỉnh, gạo Japonica còn được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (thông qua doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở các tỉnh phía Bắc) với số lượng từ 10 – 15 tấn/năm. Với kết quả này, công ty đang nỗ lực, cố gắng sớm trở thành doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu gạo Japonica sang thị trường Nhật Bản. Hiện tại, doanh nghiệp đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Công Thương, nếu được Bộ phê duyệt, sẽ mở ra cơ hội để gạo xứ Thanh vươn ra thị trường thế giới.
Ngoài Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ cao Tâm Phú Hưng, trên địa bàn tỉnh còn có 6 doanh nghiệp khác cũng tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu, chế biến gạo và đã có nhiều doanh nghiệp xây dựng thành công thương hiệu cho sản phẩm gạo của mình, như Công ty CP Thương mại Sao Khuê có sản phẩm gạo Hương Thanh, Ngọc Phố…, Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng có nếp hạt cau Tiên Sơn Hà Lĩnh,… Việc liên kết sản xuất, giúp cho doanh nghiệp kiểm soát được các khâu từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nhằm tạo sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, hiện Thanh Hóa có diện tích gieo trồng khoảng 230 nghìn ha lúa, với sản lượng luôn duy trì 1,5 triệu tấn/năm. |
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, hiện Thanh Hóa có diện tích gieo trồng khoảng 230 nghìn ha lúa, với sản lượng luôn duy trì 1,5 triệu tấn/năm. Để “nâng tầm” giá trị, hiệu quả kinh tế cho sản phẩm lúa gạo, hướng đến thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương và doanh nghiệp đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao giá trị cho sản phẩm gạo, trong đó chú trọng đến giải pháp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến khích, hướng dẫn các địa phương lựa chọn, đưa những giống lúa mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, được nhiều thị trường quốc tế lựa chọn nhập khẩu, như: ST 24, ST 25, J02 cho thị trường Nhật Bản; một số giống Q5, BC, TBR1 cho thị trường Trung Quốc… Đồng thời, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tập trung thâm canh, chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng VietGAP cho các vùng sản xuất lúa và xây dựng mã số vùng trồng quốc tế cho vùng sản xuất lúa để hướng tới xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh có tờ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương bổ sung tỉnh Thanh Hóa vào quy hoạch vùng sản xuất lúa gạo phục vụ xuất khẩu. Tỉnh cũng khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, HTX vận dụng, lồng ghép các chương trình, dự án để có chiến lược quảng bá, giới thiệu các sản phẩm lúa gạo của Thanh Hóa trên website, phương tiện truyền thông và tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại trong, ngoài tỉnh và quốc tế.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tính đến tháng 10/2023, toàn tỉnh đã có 19 sản phẩm gạo được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên như gạo Ngọc Phố, gạo Tâm Bình, nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang, nếp hạt cau Tiên Sơn,… tập trung ở 10 địa phương: Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Nông Cống, Thạch Thành, Yên Định, Thiệu Hóa, Ngọc Lặc, Mường Lát, Quan Sơn và 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ cao Tâm Phú Hưng, Công ty CP Thương mại Sao Khuê và Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng. |
Bài và ảnh: Minh Lý