Trồng rừng gỗ lớn, rừng nguyên liệu bằng bằng giống keo lai nuôi cấy mô đang có nhiều ưu điểm nổi trội so với các phương pháp truyền thống như giâm hom, gieo hạt. Vì vậy, nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng tiến bộ khoa học trong chọn lọc, lai tạo giống cây keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng.
Cán bộ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đồng Luật (xã Thành Mỹ, Thạch Thành) phối hợp với hộ trồng rừng phát dọn, tỉa cành diện tích keo lai nuôi cấy mô.
Nuôi cấy mô tế bào thực vật là tổng hợp những kỹ thuật được sử dụng để duy trì và nuôi cấy các tế bào, mô hoặc cơ quan thực vật trong điều kiện vô trùng trên môi trường nuôi cấy giàu dinh dưỡng với những thành phần đã xác định. Với công nghệ này sẽ tạo ra những giống cây trồng được trẻ hóa, khỏe, sạch bệnh. Giống cây nuôi cấy mô được tạo ra với số lượng lớn, có độ đồng đều cao và giữ nguyên vẹn đặc tính sinh học của cây bố mẹ. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, được hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật của dự án VFBC, Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Thạch Thành đã xây dựng được nhiều mô hình nuôi cấy mô để nuôi dưỡng thành rừng gỗ lớn, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng, góp phần tăng năng suất, chất lượng rừng trồng.
Kết quả, từ năm 2023 đến nay BQLRPH Thạch Thành đã hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng cây giống, tổ chức cho các hộ nhận khoán đất sản xuất lâm nghiệp trồng mới, trồng lại rừng đã khai thác theo quy định được hơn 150ha rừng sản xuất, trong đó có 40ha rừng gỗ lớn; trồng bổ sung rừng phòng hộ sau khai thác tỉa thưa, khai thác theo băng hơn 200ha với các loài cây trồng như lát hoa, sao đen, keo tai tượng… Đặc biệt, BQL đã đưa vào trồng được hơn 45,5ha cây keo nuôi cấy mô, trồng bạch đàn giống mới như: GLGU9, GLSE9, GLU4 và cự vĩ DH32-29 tại các xã Thành Mỹ, Ngọc Trạo, thị trấn Vân Du… Ngoài ra, BQL cũng đã xây dựng thử nghiệm một số cây trồng như dổi lấy hạt ghép (diện tích 10ha), mắc ca (hơn 90ha) và một số diện tích trồng cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như giáng hương, sưa, long não… bước đầu đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế.
Để có những cây giống đồng đều, đảm bảo chất lượng, Phòng Phân tích và Thí nghiệm thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã tổ chức nghiên cứu, triển khai và ứng dụng quy trình nuôi cấy mô cây keo lai. Bà Hồ Thị Quyên, kỹ thuật viên Phòng Phân tích và Thí nghiệm, cho biết: “Đối với phương pháp nuôi cấy mô thì khâu chọn cây mẹ để làm nguyên liệu nhân giống đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, đội ngũ kỹ thuật viên tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã chọn những chồi keo khỏe mạnh và không có sâu bệnh để làm giống nuôi cấy. Vật liệu nuôi cấy mô cây keo lai ban đầu là các chồi dài 10 – 15cm, được lấy từ cây mẹ 6 tháng đến 1 năm tuổi vào buổi sáng các ngày nắng, sau đó được rửa sạch bằng nước cất vô trùng và cồn 70% trong 30 giây. Mẫu nuôi cấy mô được nuôi trong điều kiện nhiệt độ phòng thí nghiệm từ 10 – 25 độ C, ánh sáng được duy trì từ 10 – 12h, đảm bảo độ thoáng khí cho mẫu phát triển. Giống cây keo lai nuôi cấy mô được nuôi dưỡng và tăng trưởng trong ống nghiệm cho đến lúc đủ tiêu chuẩn về chiều cao, rễ lá phát triển hoàn chỉnh sẽ được đưa ra ngoài vườn ươm tiến hành giâm hom ngoài thực địa. Do được áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật nên khi đưa ra trồng rừng, cây keo lai ít bị sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển nhanh, tỷ lệ sống đạt 100%”.
Hiện Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã xây dựng 8 mô hình trồng rừng gỗ lớn gồm các giống keo lai mô AH1, AH7, TB1 và keo lá tràm mô. Tổng diện tích các mô hình lên đến 110ha với 50 hộ tham gia trồng rừng keo lai tại các huyện Như Thanh và Như Xuân. Trên thực tế, keo lai cấy mô cho sản lượng gỗ đạt từ 200 – 250m3 gỗ/ha, trong khi năng suất của keo lai giâm hom chỉ đạt từ 130 – 150m3/ha. Với chi phí đầu tư trồng là tương đương nhưng về hiệu quả kinh tế thì trồng rừng keo lai cấy mô đạt từ 160 – 200 triệu đồng/ha, cao hơn 100 triệu đồng so với rừng keo lai giâm hom.
Mỗi năm, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu trồng mới 10 nghìn ha rừng và trên 7 triệu cây phân tán. Các địa phương và BQL rừng trên địa bàn tỉnh cần khoảng 22 triệu cây giống để thực hiện trồng rừng theo kế hoạch. Hiện, toàn tỉnh đang duy trì ổn định 56.000ha rừng kinh doanh gỗ lớn, trong đó cây keo chiếm 70%. Ngoài cho sinh khối gỗ tăng cao trong cùng một chu kỳ sinh trưởng, việc sử dụng keo nuôi cấy mô giúp người dân thực hiện có hiệu quả mô hình chuyển hóa rừng keo kinh doanh gỗ lớn khi kéo dài chu kỳ thâm canh. Thay vì thu hoạch sau 4 đến 5 năm trồng, nếu kéo dài đến 7 – 8 năm, keo nuôi cấy mô sẽ có tổng trữ lượng rừng bình quân dự kiến đạt từ 250 đến 330m3/ha, doanh thu bình quân đạt 300 – 350 triệu đồng/ha, gấp đôi so với chu kỳ rừng gỗ nhỏ…
Có thể nói, việc xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, mang lại lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình, các cấp, ngành cần phối hợp để thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của người trồng rừng; có mức hỗ trợ hợp lý để người dân phát triển trồng rừng giống mới thay thế giống cũ, giúp người dân nâng mức thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: Trần Hằng