Linh hoạt trong cơ chế, chính sách và sự đãi ngộ, tạo điều kiện để các nghệ sĩ, diễn viên trẻ được tham gia các cuộc thi, liên hoan sân khấu, là những giải pháp để các đơn vị nghệ thuật của tỉnh Thanh Hóa xây dựng nhân lực trẻ kế cận chất lượng cho tương lai.
Vở diễn “Đất liền và biển cả” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa với sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên trẻ đã giành giải “Vở diễn xuất sắc” và 2 cá nhân đoạt giải thành phần sáng tạo xuất sắc tại Liên hoan Chèo toàn quốc.
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa là một trong những đơn vị có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, nhất là trong công tác biểu diễn chuyên nghiệp, hoạt động nghệ thuật tại các sự kiện chính trị quy mô lớn cấp tỉnh, quốc gia, cũng như bảo tồn những giá trị về nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Hiện nay, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa hiện có 68 cán bộ, diễn viên, nhạc công, trong đó số lượng nghệ sĩ trẻ chiếm 25%. Những năm qua, mặc dù còn gặp không ít khó khăn, nhà hát đã quan tâm tới công tác tuyển chọn và đào tạo đội ngũ nghệ sĩ trẻ kế cận. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình hoạt động của nhà hát hàng năm, cũng như các giai đoạn.
Giám đốc Nhà hát Hàn Văn Hải cho biết: So với các nhà hát ca múa kịch và loại hình khác, công tác tuyển chọn, đào tạo nghệ sĩ, diễn viên trẻ hiện nay của nhà hát nghệ thuật truyền thống khó khăn hơn rất nhiều. Nguyên nhân là các loại hình sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương đã chịu tác động khá nhiều từ sự thay đổi của xã hội, nhu cầu giải trí của người dân, nhất là từ các loại hình giải trí trên các nền tảng số. Ngay cả giới trẻ hiện nay cũng hầu như ít quan tâm đến sân khấu chèo, tuồng, cải lương, hay thậm chí là hát dân ca, dân vũ truyền thống. Đây chính là những thử thách đối với các nhà hát nghệ thuật truyền thống trên cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Hơn nữa, các đơn vị nghệ thuật truyền thống không có cơ chế đãi ngộ hợp lý sẽ rất khó để sinh viên sân khấu được đào tạo chính quy, có tài năng chọn để “đầu quân” và gắn bó lâu dài. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc “già hóa” nghệ sĩ ở các đoàn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương hiện nay.
Hiện tại, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa đang nỗ lực tìm kiếm và linh hoạt trong việc thực hiện các cơ chế để tuyển dụng, xây dựng đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên kế cận chất lượng. Mặc dù vậy, số lượng nghệ sĩ, diễn viên trẻ được tuyển chọn chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, do vẫn còn không ít những bất cập về cơ chế. Hơn nữa, các nghệ sĩ, diễn viên trẻ cũng còn nhiều băn khoăn và chịu tác động của chuyện “cơm áo, gạo tiền” nên việc gắn bó lâu dài sẽ khó hơn nếu không có sự đãi ngộ thỏa đáng.
Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa luôn được Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đánh giá là đơn vị đã làm tốt công tác xây dựng và đào tạo nghệ sĩ, diễn viên trẻ. Minh chứng là từ năm 2019 đến 2024, nhà hát đều tham gia các cuộc thi, liên hoan sân khấu toàn quốc, nhất là dành cho nghệ sĩ trẻ. Đây là nhiệm vụ nhằm “giữ lửa” đam mê nghệ thuật sân khấu truyền thống cho lực lượng trẻ, xây dựng đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ, nhạc công trẻ cho tương lai. Các nghệ sĩ trẻ của nhà hát dần trở thành những hạt nhân quan trọng trong các vở diễn, chương trình nghệ thuật và tại các liên hoan, hội diễn sân khấu khu vực và toàn quốc. Hầu như năm nào, nhà hát cũng có các nghệ sĩ, diễn viên giành được HCV, HCB, HCĐ và nhiều danh hiệu dành cho nghệ sĩ, diễn viên trẻ tài năng xuất sắc, bao gồm các giải cá nhân diễn viên, nghệ sĩ và nhạc công… Đây được xem là cơ sở quan trọng để nhà hát hoàn thành tốt nhiệm vụ, công tác hàng năm tỉnh giao.
Cùng là đơn vị nghệ thuật của tỉnh nhưng Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn có nhiều thuận lợi hơn trong công tác tuyển chọn và đào tạo nghệ sĩ, diễn viên nhờ những yếu tố đặc thù. Hàng năm, nhà hát phải đảm nhiệm một khối lượng công việc khá lớn từ việc xây dựng các chương trình nghệ thuật, vở diễn như kịch, ca múa kịch, nhạc kịch, sân khấu thiếu nhi, đến đảm nhiệm các sự kiện chính trị lớn của tỉnh, các lễ hội truyền thống cấp tỉnh và tại các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Bên cạnh đó là hoạt động lưu diễn phục vụ Nhân dân và xây dựng các chương trình, vở diễn tham gia các liên hoan, hội diễn, cuộc thi sân khấu toàn quốc…
Để hoàn thành nhiệm vụ, nhà hát không ngừng củng cố và nâng cao chuyên môn cho đội ngũ diễn viên, nhạc công, đồng thời luôn quan tâm tới công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ trẻ. Giám đốc Nhà hát Vũ Trọng Huỳnh cho biết: Trong gần 70 cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của nhà hát hiện nay thì lực lượng trẻ (35 tuổi trở xuống) chiếm hơn 50%. Là đơn vị đặc thù với các thể loại nghệ thuật đương đại như kịch, ca kịch, múa, sân khấu thiếu nhi, hát múa, dân ca, sân khấu, việc xây dựng và trẻ hóa đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên là nhiệm vụ thường xuyên. Được sự quan tâm của tỉnh, và ngành VH,TT&DL, bên cạnh các nghệ sĩ, diễn viên đã được vào biên chế, nhà hát tự bỏ kinh phí từ các nguồn thu để hợp đồng 15 người cho 3 đoàn nghệ là ca múa, dân ca và kịch nói, trong đó đều là các nghệ sĩ trẻ nhằm đáp ứng nhiệm vụ, công tác thường niên và những sự kiện, hoạt động đột xuất, phát sinh khi cần thiết.
Qua trao đổi, lãnh đạo 3 đơn vị nghệ thuật của tỉnh gồm Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn đều mong muốn tỉnh và ngành VH,TT&DL có cơ chế hỗ trợ trong tuyển chọn, xây dựng lực lượng nghệ sĩ, diễn viên trẻ kế cận, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công tác chuyên môn. Đây cũng là xu hướng tất yếu mà nhiều địa phương đã và đang thực hiện.
Bài và ảnh: Mạnh Cường
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/xay-dung-luc-luong-nghe-si-nbsp-dien-vien-san-khau-tre-ke-can-229203.htm