Việc xây dựng giá trị thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Bởi thương hiệu chính là sự minh chứng cho uy tín của DN nói chung và chính sản phẩm của DN ấy nói riêng, giúp thu hút khách hàng, nhà đầu tư và các đối tác, từ đó trở thành tài sản giá trị nhất của DN. Tại Thanh Hóa, thời gian qua, đã có nhiều DN chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, xem đây là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của DN. Qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của DN trên thị trường.
Quy trình đóng gói sản phẩm nghiêm ngặt tại Nhà máy dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông 3, xã Hoằng Quý (Hoằng Hóa). Ảnh: Chi Phạm
Là DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp và chuyển giao các mặt hàng công nghệ như thang máy, điều hòa, điện thông minh,… Công ty CP Thiết bị và Tự động An Phát, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) luôn mong muốn đem đến cho khách hàng các sản phẩm chất lượng cùng giải pháp, dịch vụ một cách tổng thể, toàn diện. Vì vậy, trong suốt 18 năm hoạt động đến nay, công ty luôn xác định việc xây dựng thương hiệu là yếu tố phải đặt lên hàng đầu.
Anh Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng Phòng Kinh doanh công ty, chia sẻ: “Đối với DN, việc khó khăn nhất luôn là xây dựng thương hiệu. Thương hiệu được xem như “bộ mặt” của DN, nếu nhắc tới một DN mà khách hàng không biết lĩnh vực kinh doanh chính của DN ấy là gì thì sẽ rất khó để nâng tầm được vị thế cho DN. Bởi thời đại ngày nay, người tiêu dùng rất quan tâm đến hình ảnh cũng như thương hiệu mình lựa chọn sử dụng. Thương hiệu DN càng tạo được dấu ấn trong lòng khách hàng thì hiệu quả sản xuất, kinh doanh càng cao. Hiểu được điều ấy, ban lãnh đạo công ty đã định hướng xây dựng thương hiệu dựa trên 3 yếu tố chính đó là: chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sự hài lòng của khách hàng và trọng dụng, giữ chân nguồn nhân lực tài năng”.
Nhờ đó, năm 2022, sản phẩm thang máy điện của Công ty CP Thiết bị và Tự động An Phát đã vinh dự lọt top 10 sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa. Đây là dòng thang máy được sản xuất liên doanh, với các linh kiện máy móc đồng bộ của các hãng nổi tiếng nước ngoài, được quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Sản phẩm đã có mặt trên thị trường từ năm 2006, chiếm lĩnh 60% thị trường Thanh Hóa và vươn ra nhiều tỉnh, thành cả nước. Trung bình một năm cung cấp ra thị trường hơn 150 thang.
Có hơn 40 năm kinh nghiệm trong ngành nông nghiệp, đến nay Công ty CP Thương mại Sao Khuê (Đông Sơn) đã và đang phát triển mạnh mẽ trên cả 3 lĩnh vực như sản xuất, chế biến các sản phẩm gạo an toàn; sản xuất thực phẩm an toàn và cung ứng giải pháp dinh dưỡng cây trồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thương hiệu và uy tín của DN ngày càng được khẳng định và có vị trí nhất định trong lòng người tiêu dùng cả nước. Ông Nguyễn Công Dương, Phó giám đốc công ty, chia sẻ: “Ở Sao Khuê, chúng tôi luôn tâm niệm uy tín khẳng định nên thương hiệu, từng sản phẩm của Sao Khuê đều gắn liền với cụm từ “Uy tín” để phụng sự nông dân và người tiêu dùng Việt Nam. Nhờ đó, công ty hiện đã thành công với việc sản xuất, kinh doanh 13 dòng sản phẩm phục vụ đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm gạo đã được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh và các danh hiệu khác như: gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương, gạo Hương Thanh đoạt danh hiệu Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2020; gạo Hương Thanh 2 được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh 2022; gạo Ngọc Phố được vinh danh là 1 trong 10 sản phẩm hàng hóa tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa năm 2022”.
Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc sản xuất, kinh doanh và phân phối phân bón, sau gần 30 năm thành lập Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông đã khẳng định được thương hiệu cũng như vị thế của DN trên thị trường cả trong và ngoài nước. Hiện, Tiến Nông luôn giữ vững vị trí hàng đầu trên thị trường phân bón tại Việt Nam và là một trong 10 đơn vị sản xuất phân bón NPK lớn nhất cả nước. Với số lượng 3 nhà máy sản xuất, công suất mỗi năm đạt trên 650.000 tấn sản phẩm/năm, sản phẩm của công ty đã có mặt khắp 54 tỉnh, thành trong cả nước và được xuất khẩu đến một số quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia… doanh thu hằng năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Để có được kết quả ấy, tập thể công ty đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách đổi mới máy móc, công nghệ hiện đại xuất để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất. Đồng thời, chú trọng xây dựng các mẫu mã bao bì đặc trưng để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện. Bên cạnh đó, công ty cũng có những chính sách bán hàng riêng, giúp thu hút người tiêu dùng và các đại lý phân phối sản phẩm.
Có thể nói, việc định vị và xây dựng thương hiệu là vấn đề cốt lõi của mỗi doanh nghiệp, đây là một hành trình được tính theo năm chứ không đến từ ngày một, ngày hai. Do đó, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu bền vững. Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu đòi hỏi sự bền bỉ, liên tục và luôn đổi mới. Doanh nghiệp cần phải có chiến lược, không ngừng nỗ lực, phải thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ… Cùng với đó, các ngành chức năng, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu.
Chi Phạm