Công nghiệp chế biến, chế tạo hiện chiếm khoảng 97% giá trị sản xuất ngành công nghiệp và 90% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của tỉnh. Nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo chiều sâu, năm 2022 UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030. Tuy nhiên, hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cho ngành công nghiệp này vẫn chưa được phê duyệt, khiến lộ trình thực hiện các mục tiêu khó đạt kết quả như mong muốn.
Sản phẩm cơ khí được chú trọng ưu tiên phát triển tại Đề án Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.
Theo đề án, tỉnh Thanh Hóa sẽ phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng mở rộng và đầu tư mới, bổ sung các ngành công nghiệp nặng đi đôi với mở rộng, hiện đại hóa, tăng hiệu quả các ngành công nghiệp nhẹ; từ đó, từng bước tăng tỷ trọng các ngành sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu và xuất khẩu. Các ngành công nghiệp được chú trọng ưu tiên phát triển theo các nhóm như: Nhóm ngành cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại; nhóm ngành hóa chất, cao su, nhựa; nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng; nhóm ngành thực phẩm, đồ uống; nhóm ngành dệt may, da giày; nhóm ngành chế biến lâm sản…
Trong đó, với nhóm ngành cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại, sẽ tập trung phát triển sản phẩm cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại gắn với ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô, phục vụ ngành cơ khí chế tạo; thu hút đầu tư cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp. Nhóm ngành hóa chất, cao su, nhựa sẽ thu hút các dự án mới, mở rộng các dự án hiện có như: Đầu tư mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; nâng công suất Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn lên khoảng 20 triệu tấn dầu thô/năm; tiếp tục thu hút các dự án chế biến sản phẩm từ lọc hóa dầu như sản xuất Propylyne, sợi tổng hợp PET, phân bón DAP, Polyethylen, Paraxilene; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án số 1 – Tổ hợp hóa chất Đức Giang tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, công suất 136.000 tấn sản phẩm/năm; đầu tư mở rộng, đầu tư dự án số 2 và dự án số 3, đưa tổng công suất của cả 3 dự án đạt 386.000 tấn sản phẩm/năm…
Với nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sẽ hoàn thành đầu tư, đưa vào hoạt động ổn định 5 nhà máy xi măng; tiếp tục đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ khai thác, chế biến đá xuất khẩu, duy trì sản lượng đạt khoảng 25 triệu m2/năm và khuyến khích các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao công suất. Nhóm ngành dệt may, da giày sẽ thu hút đầu tư các dự án may mặc, da giày ở khu vực trung du, miền núi; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp may mặc, da giày đổi mới công nghệ, để nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm; thu hút đầu tư dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày có công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường để cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho ngành may mặc, da giày của tỉnh.
Với các định hướng cụ thể, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu, tỷ lệ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong giai đoạn 2021-2025 đạt 16,1%; giai đoạn 2026-2030 đạt 11,4%; tổng giai đoạn 2021-2030 đạt 13,7%. Đến năm 2025, giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 70.000 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 120.000 tỷ đồng.
Để thực hiện thành công đề án, ngoài các giải pháp liên quan đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, huy động nguồn lực và phát triển nguồn nhân lực, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và đề xuất các chính sách phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Công nghiệp lọc hóa dầu được định hướng tiếp tục mở rộng và phát triển các sản phẩm hóa dầu mới, giá trị gia tăng cao.
Theo đó, ngoài dự ước nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 315.000 tỷ đồng, đề án cũng định hướng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước trong 9 năm (2022-2030) khoảng 1.760 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.665 tỷ đồng và ngân sách tỉnh hỗ trợ 95 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh theo Nghị quyết số 121/2021/NQ-HĐND ngày 11/10/2021 của HĐND tỉnh ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026 dự kiến khoảng 200 tỷ đồng với nội dung hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và đầu tư các dự án lĩnh vực chế biến, chế tạo tại khu vực miền núi.
Ngay sau khi Đề án Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 được ban hành, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh trình đề xuất cơ chế, chính sách thu hút mở rộng các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh, trọng tâm là công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo, tuy nhiên hiện chính sách vẫn chưa được phê duyệt. Cùng với đó, chính sách từ Nghị quyết số 121/2021/NQ-HĐND ngày 11/10/2021 của HĐND tỉnh đã ban hành từ năm 2021 nhưng hiện cũng chưa có doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận do khó đáp ứng các tiêu chí đề ra.
Với mục tiêu lớn tạo chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành công nghiệp, hình thành các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ và chuyên môn hóa cao, đưa Thanh Hóa sớm trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước, việc quan tâm, xây dựng các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay là thực sự cần thiết. Không chỉ tạo nguồn vốn hỗ trợ, chia sẻ cùng doanh nghiệp, chính sách được ban hành còn mang tính cổ động, tuyên truyền, lan tỏa sự đồng hành của Nhà nước đối với nhà đầu tư trên lộ trình phát triển. Cùng với đó, chính sách được nghiên cứu, ban hành cũng cần khả thi trong thực hiện, thuận lợi cho mục tiêu tiếp cận và đáp ứng của nhà đầu tư khi đưa vào thực tiễn.
Bài và ảnh: Tùng Lâm