Hiện nay “bảo vệ môi trường” đang là chủ đề nổi bật trên nhiều diễn đàn. Chính nhờ sự quan tâm đó, nên những năm qua trên địa bàn Thanh Hóa đã có rất nhiều nhà hàng, quán cafe áp dụng các hình thức “kinh doanh xanh”. Từ đó, giúp các cơ sở kinh doanh vừa có cơ hội hưởng ứng làn sóng bảo vệ môi trường, vừa xây dựng được hình ảnh thương hiệu tích cực hơn trong mắt người tiêu dùng.
Ngoài sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, quán cafe Kobe còn tận dụng bã cafe để bón cho cây trồng.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, người dân đã dần ưu tiên sử dụng các sản phẩm đảm bảo sức khỏe hơn từ thực phẩm đến các đồ dùng cá nhân. Nhiều mô hình tiêu dùng xanh đã được cộng đồng hưởng ứng như ống hút bằng giấy, tre, gạo; sử dụng ly giấy thay ly nhựa; túi vải thay túi ni lông hay gói rau, củ, quả bằng lá chuối… Trên thực tế, các mô hình này đã xuất hiện từ lâu ở các nước phát triển và tại các nước đang phát triển cũng có nhiều tín hiệu tích cực khi thu nhập cá nhân và ý thức tiêu dùng ngày càng tăng lên. Đây được xem như biện pháp giúp cho trái đất khỏi những biến đổi xấu của môi trường. Nhận thức rõ được điều này, các cơ sở kinh doanh đồ ăn uống đã bắt tay vào thực hiện “xanh hóa” sản phẩm cho cơ sở của mình.
Tuy mới xuất hiện trên thị trường không lâu, nhưng ngay từ khi thành lập, quán cafe Kobe trên đường Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) của anh Trần Đình Tiến đã có chủ trương “Kinh doanh phải đi đôi với bảo vệ môi trường”. Ngay từ khâu nhập nguyên liệu, cửa hàng chỉ lựa chọn những nông trại đạt 100% tiêu chuẩn organic về phân bón và canh tác. Về nguyên liệu cafe cũng phải đạt theo tiêu chuẩn SCA. Bước chân vào cửa hàng, khách hàng không chỉ cảm nhận rõ nguồn năng lượng xanh từ cây cối, mà còn nhờ những sản phẩm thân thiện với môi trường như các loại ly, chai đựng nước ép bằng chất liệu thủy tinh, gốm, sứ hay ống hút bằng giấy tiện lợi cho người sử dụng. Với các loại đồ uống mang về như cafe, cửa hàng sẽ đựng vào các chai thủy tinh có thể tái sử dụng được kèm ống hút giấy, sau khi khách hàng dùng xong có thể rửa sạch và mang tới cửa hàng mua cho lần tiếp theo. Ngoài ra, để khuyến khích “tiêu dùng xanh”, Kobe đã chạy chương trình đổi 1 chai thủy tinh giảm 6.000 đồng cho hóa đơn mua hàng kế tiếp, đổi 10 chai nhận 1 voucher Kobe trị giá 60.000 đồng, hay đổi 19 chai nhận ngay 1 chai giữ nhiệt phiên bản giới hạn cùng nhiều mã giảm giá đi kèm khác.
Ngoài sử dụng nguyên liệu và sản phẩm xanh, Kobe còn sử dụng thêm bã cafe để làm phân bón cho cây trồng. Việc tận dụng nguyên liệu sẵn có đã góp phần không nhỏ trong việc trồng, chăm sóc cây xanh cũng như giảm thiểu lượng chất thải lớn ra môi trường. Đồng thời, đối với các loại rác thải hằng ngày, Kobe đã phân chia ra làm 3 loại: Rác dễ phân hủy, rác khó phân hủy và rác tái chế, góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải ra môi trường.
Ngoài các cửa hàng cafe, đồ uống, nhiều nhà hàng hiện đại trên địa bàn Thanh Hóa hiện nay cũng đang rất nỗ lực để “xanh hóa” hoạt động kinh doanh của mình. Theo khảo sát của phóng viên, một số nhà hàng lớn trong tỉnh đã đầu tư quy trình xử lý khói và nước thải để đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, bảo vệ sức khỏe của nhân viên và khách hàng. Bởi trong quá trình chế biến món ăn, khói thải vẫn luôn hình thành nếu không sử dụng hệ thống lọc, khói thải chưa qua xử lý sẽ tuồn ra môi trường gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí của khu vực lân cận.
Tương tự, nguồn nước thải từ khu vực chế biến, khu vệ sinh nếu không được xử lý sẽ luôn đọng lại nhiều dầu mỡ và tạp chất bẩn gây ảnh hưởng tới môi trường. Đơn cử như nhà hàng Thái KaffirLime tại đường Lê Hữu Lập (TP Thanh Hóa), ngoài việc sử dụng ống hút bằng gạo bảo vệ môi trường, nhà hàng còn đầu tư toàn bộ hệ thống lọc khói với số kinh phí khoảng 2 tỷ đồng.
Có thể nói, việc “xanh hóa” các hoạt động kinh doanh chưa bao giờ là điều dễ dàng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và chung tay hành động của các chủ cơ sở kinh doanh cùng sự ủng hộ của người tiêu dùng thì phong trào “kinh doanh xanh” sẽ ngày càng phát triển và được nhân rộng.
Bài và ảnh: Chi Phạm