Để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Thượng Ninh (Như Xuân) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, từng bước tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, xã đã đạt được nhiều thành quả.
Mô hình trồng keo của gia đình ông Quách Văn Tiệp ở thôn Tiến Thành cho hiệu quả kinh tế khá.
Nhận thấy việc phát triển kinh tế từ việc trồng rừng và chăn nuôi gia súc đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, ông Quách Văn Tiệp ở thôn Tiến Thành đã đầu tư chuồng trại nuôi 5 con bò vỗ béo và trồng 1 ha keo. Theo kinh nghiệm của ông Tiệp, để nuôi bò vỗ béo hiệu quả, việc chọn con giống và cách chăm sóc là yếu tố quyết định. Nguồn thức ăn cho bò khá phong phú, ngoài cỏ tự nhiên, rơm rạ sẵn có, với diện tích đất rộng trồng thêm cỏ voi kết hợp pha trộn thức ăn hỗn hợp như bột gạo, bột ngô, cám. Mỗi năm thu nhập từ mô hình kinh tế trang trại của gia đình ông Tiệp đạt khoảng 150 triệu đồng.
Thực hiện chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chủ trương nghị quyết của tỉnh và huyện, trong những năm qua, Đảng ủy xã Thượng Ninh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo UBND xã, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật và đưa những cây, con giống mới, năng suất cao vào sản xuất; đầu tư mở rộng diện tích các mô hình trang trại, gia trại; phát triển đàn gia súc, gia cầm, tạo sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường và tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay phát triển kinh tế.
Cùng với đó, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay để phát triển các mô hình trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế. Trong chăn nuôi, các tổ chức đoàn thể thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, triển khai tiêm phòng theo đúng kế hoạch đề ra. Cùng với đó, xã cũng triển khai thực hiện các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư xây dựng mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường. Đến nay, toàn xã đã hình thành và nhân rộng được hàng chục mô hình trang trại, gia trại với các loại con nuôi chủ yếu, như: trâu, bò, dê, lợn, gia cầm các loại… Nhờ đó, đàn gia súc, gia cầm của xã luôn ổn định với gần 45.000 con. Các mô hình chăn nuôi trâu, bò, gia cầm, thủy sản… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 60,4 ha, sản lượng khai thác đạt 125 tấn/năm. Công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng hàng năm được thực hiện tốt, bình quân mỗi năm trồng mới khoảng 20 ha rừng. Nhận thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế được nâng lên.
Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, UBND xã Thượng Ninh đã tạo mọi điều kiện về mặt bằng sản xuất, mở rộng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, bảo đảm vệ sinh môi trường để các hộ tham gia phát triển kinh tế. Cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm, chợ… được nâng cấp, sửa chữa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn được quan tâm, tăng cường khai thác nguồn vốn từ các chương trình, dự án để tạo điều kiện cho hộ gia đình vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện, trên địa bàn xã có gần 40 cơ sở sản xuất, trên 100 hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ… tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương. 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng đạt 64,5 tỷ đồng, doanh thu nghề thương mại, dịch vụ, vận tải đạt gần 100 tỷ đồng. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, phấn đấu hết năm 2023 đạt 45 triệu đồng/người/năm.
Thời gian tới, UBND xã Thượng Ninh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như: đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện các chương trình trọng điểm trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp; nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; phát triển gia trại, trang trại cả về số lượng, chất lượng. Cùng với đó, xã cũng đang khuyến khích phát triển các ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ – thương mại.
Bài và ảnh: Lương Khánh