Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, xã Thăng Long (Nông Cống) đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, trong đó chú trọng phát triển các ngành nghề nông thôn; đồng thời xây dựng các mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sản xuất miến gạo Thăng Long tại thôn Tân Giao, xã Thăng Long (Nông Cống).
Theo đó, xã đã tập trung thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn, tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5 – 8 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Thăng Long đã trở thành xã phát triển nhiều nghề, như: làm miến, mộc dân dụng, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, sản xuất giống cây lâm nghiệp…
Trước đây, xã Thăng Long phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Thời điểm nông nhàn hàng trăm lao động của xã phải đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Trước tình hình đó, đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế, nhất là phát triển đa dạng ngành nghề sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Hiện toàn xã có 2 HTX; 24 doanh nghiệp và 1.009 hộ đang hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn. Giá trị sản xuất ngành tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ của xã 9 tháng năm 2023 đạt 358,6 tỷ đồng.
Được biết, nghề làm miến gạo ở xã Thăng Long đã có từ những năm 90 của thế kỷ trước. Trước kia, người dân làm miến hoàn toàn thủ công nên năng suất thấp, hiệu quả không cao. Cả làng có 54 hộ tham gia sản xuất miến gạo; trong đó tập trung đông nhất ở thôn Tân Giao. Những năm gần đây, người làm miến đã chủ động đầu tư máy móc vào một số công đoạn sản xuất nên năng suất cao hơn nhiều, thu nhập từ nghề làm miến gạo vì thế cũng được cải thiện đáng kể. Làng miến gạo Thăng Long đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là làng nghề, sản phẩm miến gạo Thăng Long cũng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nghề làm miến đã giải quyết việc làm cho gần 200 lao động với thu nhập khoảng 6 – 7 triệu đồng/tháng.
Nắm bắt nhu cầu cây giống lâm nghiệp trong và ngoài tỉnh, những năm gần đây, nhiều hộ dân trong xã đã phát triển sản xuất giống cây lâm nghiệp. Đến nay, xã có hơn 50 hộ và 1 HTX chuyên sản xuất giống cây lâm nghiệp, mang lại doanh thu hơn 10 tỷ đồng mỗi năm. Việc sản xuất giống cây lâm nghiệp được người dân triển khai từ năm 2009, đến nay, các hộ dân đã làm chủ được quy trình sản xuất cây giống lâm nghiệp với chất lượng tốt. Sản lượng cây giống hằng năm đạt hơn 4 triệu cây. Các nghề khác, như: mộc, cơ khí cũng phát triển mạnh ở các thôn trong xã. Toàn xã hiện có gần 10 xưởng mộc quy mô từ 3 – 5 lao động/cơ sở với các loại sản phẩm chính là giường, tủ, bàn, ghế… Bên cạnh đó, hàng năm xã phối hợp với Phòng Kinh tế – hạ tầng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện tổ chức từ 4 – 5 lớp đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn với các nghề như: may công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan, mộc mỹ nghệ… Nhờ đó các ngành nghề tạo việc làm cho nhiều lao động với thu nhập khá. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt 62 triệu đồng/người/năm.
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập để làm động lực hoàn thành chương trình XDNTM nâng cao, xã Thăng Long căn cứ vào điều kiện thực tiễn của từng thôn, xóm để xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các thôn thực hiện chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đa dạng vật nuôi, cải tạo vườn tạp, đồng thời đẩy mạnh phát triển đa dạng các ngành nghề phi nông nghiệp… Bên cạnh đó, thời gian qua, thực hiện kế hoạch xây dựng xã NTM nâng cao, các thôn trong xã đã chủ động trong việc xây dựng, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa tại các thôn Mỹ Quang, Ngọc Chẩm; xây dựng các tiêu chí thôn kiểu mẫu tại các thôn Tân Giao, Ân Phú; đổ bê tông, mở rộng đường làng, ngõ xóm, khuôn viên vườn hộ, tường rào, cây xanh ở các thôn Tân Đại, Thập Lý, Ốc Thôn, Ngọc Chẩm…
Thời gian tới, để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, xã Thăng Long tiếp tục hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt chú trọng phương thức sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đưa các loại cây trồng mới có chất lượng cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt vào trồng. Hỗ trợ người dân phát triển mô hình trồng giống cây lâm nghiệp, trồng rau màu và thành lập tổ nhóm liên kết sản xuất hoặc HTX chuyên canh để dễ dàng tiếp cận công nghệ, mở rộng thị trường một cách bài bản, bền vững hơn; tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai, vốn vay phát triển sản xuất và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn để thu hút đầu tư và giúp người dân tổ chức các khâu dịch vụ cung ứng hàng hóa, nâng cao thu nhập của người dân.
Minh Hà