Ngoài các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) truyền thống, Việt Nam hiện đã là thành viên của 3 Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) là CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Với các FTAs thế hệ mới, bên cạnh lợi thế khi hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ theo lộ trình, thì hàng rào phi thuế quan lại đang là những thách thức mà doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Thanh Hóa phải thích ứng để giành thế chủ động trên thương trường.
Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương phổ biến các nội dung về thực tiễn xử lý, ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Công ty TNHH Xuất khẩu thủy sản FXPT (TP Sầm Sơn) chuyên xuất khẩu sản phẩm mực sushi vào thị trường Nhật Bản. Đây là 1 trong 12 nước thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có Việt Nam. Theo đại diện DN, để vào được thị trường tiềm năng nhưng khó tính này, DN đã phải vượt qua nhiều vòng kiểm soát gắt gao, đặc biệt là vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Cùng với chú trọng các yếu tố nguyên liệu đầu vào, DN cũng đã phối hợp với nhà đầu tư Nhật Bản để xây dựng quy trình sản xuất đáp ứng được tiêu chí từ chất lượng đến an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, lao động…
Hiện nay, ngoài thủy sản, Thanh Hóa đã xuất khẩu thành công nhiều sản phẩm khác sang các thị trường khó tính; đồng thời là thành viên trong các FTAs. Điển hình như xuất khẩu thép, bóng đá, hàng may mặc, nông sản sang Nhật Bản, EU; xuất khẩu xi măng sang Singapore, Brunei; xuất khẩu đá ốp lát sang Anh… Theo các DN, ngoài các tiêu chí khắt khe về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, các thị trường này cũng đặt ra những tiêu chuẩn cao và toàn diện hơn về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, cơ chế giải quyết tranh chấp và đặc biệt là tiêu chí sản xuất xanh, sạch, tuần hoàn.
Theo Bộ Công Thương, cùng với mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0% theo lộ trình); các FTAs có cơ chế thực thi chặt chẽ và hơn thế, nó bao hàm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như: lao động, môi trường, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư… mà DN xuất khẩu cần đáp ứng mới có thể chinh phục được.
Điển hình như với Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99% số dòng thuế trong khoảng thời gian 7 năm đối với EU và 10 năm đối với Việt Nam. Tuy nhiên, về hàng rào phi thuế quan, các DN phải tuân thủ và đáp ứng chặt chẽ về các thủ tục đầu tư, hải quan, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững…
Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 106 DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu sang thị trường CTTPP với kim ngạch năm 2023 gần 3 tỷ USD; 101 DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu sang thị trường các nước EVFTA với kim ngạch gần 2,2 tỷ USD và 20 DN tham gia vào thị trường UKVFTA. Tuy nhiên, những con số này vẫn chưa ổn định và chủ yếu nằm ở nhóm các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về nhận biết các biện pháp phi thuế quan đối với DN xuất khẩu Thanh Hóa, thì số lượng DN nhận biết về các biện pháp phi thuế quan chưa cao (nhỏ hơn 50%). Trong đó, một số biện pháp phi thuế quan qua khảo sát nhận biết đang còn rất thấp như: Nhận biết về quy tắc xuất xứ, các biện pháp kiểm soát khối lượng, giá…
Nghiên cứu khảo sát của nhóm cũng cho thấy khó khăn dẫn tới các biện pháp phi thuế quan đối với DN Thanh Hóa là: DN chưa hiểu rõ về các loại hình biện pháp, quy định, tiêu chuẩn mà thị trường đối tác áp đặt; chịu sức ép về chi phí và thời gian trong việc đáp ứng các biện pháp phi thuế quan; chưa chủ động trong việc cập nhật thay đổi các điều chỉnh về quy định, quy trình liên quan của nước đối tác. Do đó chưa tận dụng được ưu đãi từ FTAs do vấn đề xuất xứ, chất lượng và giá nguyên liệu đầu vào hoặc các yêu cầu về kỹ thuật trong quy trình sản xuất sản phẩm.
Những năm gần đây, giá trị xuất khẩu hàng hóa của các DN Thanh Hóa đạt từ 5 – 6 tỷ USD. Theo kế hoạch, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 8 tỷ USD. Theo Sở Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu theo các FTAs đã vượt các FTA truyền thống cho thấy hướng đi đúng trong việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đang có những vấn đề mới nổi lên với các tiêu chuẩn, quy định mới về bảo vệ môi trường, kỹ thuật số, năng lượng sạch… vẫn đang là yếu điểm của DN Thanh Hóa. Nguyên nhân chủ yếu là do, tuy số lượng nhiều, nhưng DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tính chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao; chất lượng nông sản, thủy sản chưa bảo đảm nên năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế thấp; công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp chưa được triển khai trên diện rộng.
Cũng theo Sở Công Thương, để mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, “hấp thụ” tốt các chính sách ưu đãi từ FTAs, cùng với tìm hiểu khó khăn, vướng mắc để vượt qua rào cản phi thuế quan, DN Thanh Hóa cần đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường cụ thể trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các FTAs đã ký kết để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường truyền thống và các thị trường mục tiêu, hướng đến cán cân thương mại song phương lành mạnh, hợp lý. Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình dạy nghề, đào tạo nghề gắn với việc đánh giá nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của các DN trên địa bàn tỉnh, nhất là các DN sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu; thường xuyên đánh giá việc sử dụng lao động trong các DN để tránh việc vi phạm tiêu chuẩn, điều kiện về lao động đặt ra từ các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/vuot-rao-can-phi-thue-quan-khi-tham-gia-ftas-220402.htm