30 năm nay, đường dây 500kV Bắc – Nam đã khẳng định vai trò “tuyến đường huyết mạch”. Vậy nhưng, tuyến “cao tốc” truyền tải điện này đã trở nên quá tải từ năm 2020 tới nay, khi nhu cầu kết nối lưới điện liên miền hiện tăng gấp đôi. Do đó, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, huy động tổng lực hệ thống chính trị nhằm “khơi” những dòng điện dồi dào phục vụ công cuộc kiến thiết đất nước.
Kỹ sư, công nhân kỹ thuật ngày đêm gấp rút triển khai các hạng mục đường dây 500kV mạch 3 qua địa bàn Thanh Hóa.
Bức thiết “cơn khát” điện miền Bắc
Ở giai đoạn 2016-2020 và cả trước đó, tuyến đường dây 500kV Bắc – Nam vốn làm “sứ mệnh” đưa nguồn điện từ miền Bắc vào miền Trung và đi tiếp vào miền Nam. Vậy nhưng, từ sau năm 2020 đến nay, đường dây siêu cao áp này lại thường xuyên trong tình trạng quá tải, khi phải làm nhiệm vụ “chi viện” mỗi ngày khoảng 49 triệu kWh điện từ miền Trung và miền Nam cho miền Bắc.
Theo Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia – đơn vị vận hành đường dây 500kV Bắc – Nam, nhiều năm gần đây, khi miền Bắc bước vào cao điểm mùa khô từ tháng 4 đến tháng 7, lưới điện thường xuyên phải mang tải ở mức 2.500 – 2.600MW, thậm chí có thời điểm chạm mức tới hạn của hệ thống là 2.800MW để đáp ứng khoảng 12,5% tổng nguồn điện cho miền Bắc. Trong đó, một số cung đoạn như: Đà Nẵng – Vũng Áng, Vũng Áng – Hà Tĩnh – Nho Quan và Ninh Bình – Bỉm Sơn, nhiều thời điểm được đặt trong tình trạng báo động khi công suất mang tải vượt giới hạn an toàn.
Theo Viện Năng lượng thuộc Bộ Công Thương, dòng điện đã và sẽ tiếp tục phải “chở ngược” trong thời gian tới, khi miền Bắc không phát triển được nhiều nguồn điện mới. Trong khi đó, phụ tải điện lại liên tục tăng cao do sự phát triển của các khu kinh tế, khu công nghiệp mới và diễn biến thời tiết được dự báo tiếp tục cực đoan.
Theo phân tích, đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nguồn điện của miền Bắc chủ yếu phụ thuộc vào thủy điện và nhiệt điện. Trong hoàn cảnh thuận lợi, cơ cấu điện của miền Bắc sẽ có khoảng 43% đến từ nguồn thủy điện, 48% từ nhiệt điện than, 9% từ nhập khẩu; còn ở giai đoạn gặp khó khăn do biến đổi khí hậu, nguồn điện từ thủy điện không ổn định và liên tục giảm mạnh. Điển hình như năm 2023, thủy điện chỉ đáp ứng được 27,5% khi đồng loạt 12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng, tần suất nước về mức thấp nhất trong 1 thế kỷ qua.
Những tháng đầu năm 2024, diễn biến thủy văn tiếp tục diễn biến xấu. Để tiết kiệm tối đa nước hồ thủy điện, nguồn nhiệt điện đã được huy động cao tối đa lên tới 50%. Tuy nhiên, huy động nhiệt điện cũng đang đối diện với khó khăn do nguồn nhiên liệu than ngày càng khan hiếm và liên tục tăng giá. Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời phân bố không đều và tập trung tới 99% ở miền Nam và miền Trung.
Tại Thanh Hóa, theo Sở Công Thương, nguồn điện cung ứng lên lưới quốc gia đến từ 19 nhà máy điện đang vận hành, với tổng công suất hơn 2.488MW. Trong đó có 13 dự án thủy điện với tổng công suất 610,66MW; 2 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 1.800MW; 1 nhà máy điện mặt trời công suất 30MW; 3 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất 47,7MW. Trong khi nguồn cung từ 2 nhà máy nhiệt điện tuy lớn, nhưng giá nhiên liệu đầu vào tăng cao gây khó cho các doanh nghiệp thì nguồn cung từ thủy điện vẫn bấp bênh do phụ thuộc vào thủy văn.
Điển hình như năm 2023 đến nay, Nhà máy Thủy điện Trung Sơn liên tục gặp khó khăn khi bảo đảm yêu cầu huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) về thời gian và công suất. Nguyên nhân do hồ thủy điện đối diện với mực nước chết. Tình trạng thiếu nước, khô hạn tiếp tục kéo dài sang đầu năm 2024. Ông Lê Tấn Duy, Trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn, Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn, cho biết: “6 tháng đầu năm, nhà máy mới phát lên lưới 257,69 triệu kWh điện. Tuy con số này có tăng 42% so với cùng kỳ nhưng mới đạt 27,5% kế hoạch được Tổng Công ty Điện lực miền Bắc giao trong năm”.
Trong khi nguồn cung gặp khó, thì nhu cầu tiêu thụ điện ở miền Bắc đang tiếp tục tăng cao. Ở phạm vi toàn miền, mức tăng trưởng về công suất điện hiện thấp hơn khoảng 10% so với nhu cầu dùng điện của khu vực. Theo Bộ Công Thương, hiện công suất khả dụng của tất cả nguồn ở miền Bắc là 17.500 – 17.900MW. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng khoảng 20.000MW và có thể lên tới 23.500 – 24.000MW vào thời điểm nắng nóng. Như vậy, ước tính, mỗi ngày, miền Bắc sẽ thiếu 30,9 triệu kWh và ngày cao nhất có thể tới 50,8 triệu kWh khi thời tiết cực đoan.
Đặc biệt, nhu cầu điện tăng cao đỉnh điểm trong mùa hè năm nay và công suất phụ tải đỉnh đã thiết lập một kỷ lục mới. Điển hình như ngày 19/6, công suất đỉnh của hệ thống điện toàn quốc đã lên tới 49.533MW; sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc ngày 14/6 cũng lập đỉnh lên tới 1,025 tỷ kWh. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã phải lập phương thức và điều hành hệ thống điện, xây dựng các kịch bản cung ứng điện, hàng tuần cập nhật các yếu tố về sản xuất điện, nhu cầu phụ tải, diễn biến thủy văn để chủ động lập, điều chỉnh kế hoạch vận hành hệ thống điện với mục tiêu bảo đảm cung cấp đủ điện trong mọi tình huống.
Ông Hoàng Hải, Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa, cho biết: “Thanh Hóa là một trong những tỉnh có mức tiêu thụ điện lớn nhất ở miền Bắc. Với sự phát triển mạnh của Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, theo tính toán của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, nhu cầu phụ tải điện của Thanh Hóa dự báo tăng 10%/năm trở lên. Điển hình như những tháng đầu năm 2024, khi tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, một số khách hàng công nghiệp, xây dựng có dấu hiệu phục hồi tốt, các thành phần kinh tế có mức tăng trưởng tương đối cao khiến tổng sản lượng điện thương phẩm 6 tháng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3,77 tỷ kWh, tăng trưởng 12,15% so với cùng kỳ. 7 tháng năm 2024, công suất ngày khu vực Thanh Hóa tăng 14,8% so với cùng kỳ, sản lượng ngày (Amax) 7 tháng cũng tăng so với cùng kỳ 15,8%.
Cũng trong mùa hè năm nay, nắng nóng xảy ra gay gắt và trên diện rộng cũng đã khiến công suất cực đại (Pmax) tại Thanh Hóa cao nhất từ trước tới nay. Ghi nhận đo đếm thực tế từ trung tâm điều khiển xa, Công ty Điện lực Thanh Hóa cho thấy, trong tháng 6/2024, Pmax toàn tỉnh đạt 1.468,3MW. Đặc biệt, trong các ngày 21 – 22/6, công suất lập đỉnh cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, ngày 21/6 Pmax toàn tỉnh đạt 1,468,3MW, ngày 22/6 Pmax toàn tỉnh đạt 1.406,3MW.
Nỗ lực không mệt mỏi
Nhiều chuyên gia năng lượng nhận định, “miếng bánh” truyền tải vốn không hấp dẫn giới đầu tư, bởi thời gian triển khai một đường dây truyền tải bình quân lâu gấp nhiều lần một dự án nguồn điện do vấn đề chi phí và thời gian thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Cùng với đó, đơn giá truyền tải hiện đang ở ngưỡng khá thấp, là khó khăn có yếu tố quyết định đối với dự án bằng nguồn vốn Nhà nước lẫn tư nhân.
Vậy nhưng, “khẩn cấp” cung cấp nguồn điện cho thị trường miền Bắc, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài, các dự án truyền tải trọng điểm đã gấp rút được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai. Đặc biệt, công trình trọng điểm quốc gia Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) đang được mệnh danh là kỳ tích với thời gian triển khai ngắn nhất trong lịch sử ngành điện Việt Nam. Đây cũng là công trình minh chứng cho những hoạch định táo bạo “đi trước, mở đường”, cũng như tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc!
Đối với Dự án Đường dây 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 – Thanh Hóa: Đến ngày 19/2, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành vận động bàn giao toàn bộ mặt bằng 133/133 vị trí móng cột; đến ngày 18/5, đã vận động bàn giao toàn bộ mặt bằng 55/55 khoảng néo cho chủ đầu tư. Đối với Dự án Đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa: Đến ngày 4/3, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành vận động bàn giao toàn bộ mặt bằng 166/166 vị trí móng cột; đến ngày 29/5, đã vận động bàn giao toàn bộ mặt bằng 82/82 khoảng néo cho chủ đầu tư. |
Để triển khai thành công dự án này, có thể nói, cả hệ thống chính trị đất nước đã đồng lòng vào cuộc, từ tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách đến công tác GPMB, huy động nguồn lực con người, trang thiết bị tổ chức thi công. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên lịch sử, tinh thần quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cùng khí thế thi đua lao động sáng tạo, sự dũng cảm và hy sinh của hàng chục nghìn “chiến binh” đang tái hiện những hình ảnh đẹp của 30 năm trước.
Trên đại công trường với chiều dài 519km, đi qua địa bàn 211 xã, phường, của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh, khí thế thi công thần tốc, tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “thi công 3 ca, 4 kíp”, “làm việc xuyên lễ, xuyên tết” dường như đã trở thành “mệnh lệnh” của trái tim, thôi thúc tinh thần quả cảm, hy sinh của hàng nghìn “chiến sĩ” truyền tải, cán bộ, công nhân kỹ thuật trên khắp công trường khắc nghiệt của miền Trung.
Và hôm nay, kỳ tích của niềm tin và sự đoàn kết sắp mang về “trái ngọt”. Chỉ sau hơn 6 tháng, 4 dự án thành phần của đường dây 500kV mạch 3 và các công trình phụ trợ đã cơ bản hoàn thành. Đặc biệt, vào ngày 30/6, cung đoạn đường dây từ Nhà máy Nhiệt điện Nam Định – Thanh Hóa đã hoàn thành đóng điện. Ngày 28/6, Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa cũng đã hoàn thành. Trước đó, một số tuyến đường dây kết nối khác trên tuyến cũng đã hoàn thành, kịp thời giảm tải cho lưới điện 500kV từ miền Trung ra miền Bắc.
Thanh Hóa chung sức viết tiếp “bản anh hùng ca lịch sử”
Thực hiện công trình trọng điểm 500kV mạch 3, với Thanh Hóa, vừa vinh dự, tự hào, nhưng cũng đặt lên vai cấp ủy, chính quyền các cấp những trọng trách lớn lao, bởi với một khối lượng công việc khổng lồ nhưng yêu cầu lại vô cùng gấp gáp. Thanh Hóa chính là địa phương có số lượng móng cột nhiều nhất (299/1.177); đồng thời cũng là 1 trong 2 tỉnh có quy mô đường dây dài nhất (131km/519 km). Khó khăn đầu tiên, đó chính là khối lượng công việc vô cùng lớn cần phải GPMB, đi qua 11 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Kiểm tra và bảo dưỡng van thiết bị Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2.
Có thể nói, chưa có một dự án nào, sự vào cuộc, chỉ đạo về công tác GPMB của cấp ủy lại trở nên “nóng bỏng”, quyết liệt như dự án này. Áp dụng đúng, đủ, linh hoạt cơ chế chính sách của Nhà nước, bảo đảm quyền lợi của Nhân dân cùng với công tác dân vận khéo léo, mềm dẻo, Thanh Hóa đã trở thành 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên toàn tuyến hoàn thành công tác GPMB, sớm hơn với thời hạn mà tỉnh cam kết với Thủ tướng Chính phủ.
GPMB sớm, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thi công. Mặc dù khối lượng móng cột, khoảng néo nhiều hơn nhiều lần so với các địa phương trên toàn tuyến, nhưng tỷ lệ hạng mục công việc thi công trên địa phận Thanh Hóa luôn “đi trước một bước”. Đặc biệt, trên cung đoạn đường dây đi qua Thanh Hóa, có gói thầu đầu tiên – gói thầu số 39 đi qua địa bàn huyện Nga Sơn về đích sớm nhất trên toàn tuyến. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 – Thanh Hóa có tới 133/180 vị trí móng cột trên địa bàn tỉnh, đã về đích đúng hẹn ngày 30/6.
Theo Phó Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia Lưu Việt Tiến, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 – Thanh Hóa, Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa, đặc biệt là các gói thầu đi qua địa bàn tỉnh đã được tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng. Có những nơi như huyện Nga Sơn, Thiệu Hóa… công tác GPMB đã đạt được kết quả kỷ lục. Đây chính là những điều kiện tiên quyết đưa tới thành công của dự án.
Không chỉ hết mình trong công tác GPMB, cộng đồng các doanh nghiệp, nhà thầu tại Thanh Hóa cũng đã góp sức, ghi danh “công trạng” lớn cho thành công của dự án đặc biệt này. Vinh dự, tự hào khi nhà thầu đầu tiên có gói thầu về đích trên toàn tuyến là nhà thầu địa phương – Công ty TNHH Phương Hạnh. Công ty TNHH Cơ điện miền Bắc tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, Đông Thọ, TP Thanh Hóa cũng là một trong số các doanh nghiệp trong nước hiếm hoi tham gia sản xuất, cung ứng cột thép và đã bàn giao vượt tiến độ cho nhà thầu xây lắp.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quyết tâm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia và các nhà thầu, dự kiến ngày 2/9 tới đây, toàn bộ tuyến đường dây 500kV mạch 3 sẽ hoàn thành đóng điện và tổ chức khánh thành, nhân đôi niềm vui trong khúc khải hoàn ca toàn dân tộc nhân dịp 79 năm Quốc khánh đất nước!
Ngày 21/12/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện thân mật với cán bộ, công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ – nơi sản xuất những “dòng điện bất tử” trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và những năm Mỹ đánh phá miền Bắc. Tại đây, Người căn dặn: “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, “Chúng ta tiết kiệm điện chính là giữ gìn “mạch máu” cho mỗi gia đình cũng như cả nền kinh tế”. Gần 70 năm đã đi qua, lời dạy của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị, thậm chí càng “nóng hổi” hơn bao giờ hết, khi nhu cầu nguồn năng lượng phục vụ CNH, HĐH đất nước ngày càng cấp bách. |
Bài và ảnh: Minh Hằng
Bài 2: Chương trình DSM/DR: Ích lợi đôi bên.
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/to-quoc-can-dien-nhu-co-the-can-mau-bai-1-vuot-rao-can-khoi-dong-dien-221600.htm