Đa Ngọc là tên gọi của vùng đất thuộc xã Yên Giang cũ (nay là xã Yên Phú, huyện Yên Định). Nơi đây còn mang đậm dấu ấn lịch sử, với Chiến khu du kích Đa Ngọc và cuộc chiến đấu đầu tiên sáng ngời ý chí sục sôi của lực lượng vũ trang cách mạng Thanh Hóa. Trải qua 78 năm kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, vùng đất chiến khu năm xưa – thôn Đa Ngọc hôm nay đã có nhiều đổi thay trong hành trình phát triển.
Một góc thôn Đa Ngọc hôm nay.
Đa Ngọc nằm ở phía Đông Nam tổng Khoái Lạc, có diện tích khoảng 4 km2 và được bao bọc bởi sông Cầu Chày, sông Bèo, sông Sên, sông Hép. Các dòng sông này tạo nên hệ thống chiến hào tự nhiên lợi hại xung quanh. Nếu phá cầu phao Đa Nẫm thì toàn bộ phía Đông, phía Nam sẽ không có đường vào Đa Ngọc. Hoặc có thể vượt sông Cầu Chày sang Thọ Xuân, Vĩnh Lộc một cách nhanh chóng. Trong khu vực Đa Ngọc còn có hệ thống những đồi thấp kế tiếp nhau là những cao điểm thuận lợi cho việc bố trí lực lượng chiến đấu. Dưới chân đồi, những khung ruộng bậc thang thoai thoải là lớp vành đai chiến thuật tự nhiên liên kết với nhau tạo nên thế chiến lược xung yếu của vùng đất này. Đặc biệt hơn, Nhân dân các làng nơi đây giàu lòng yêu quê hương, đất nước, một lòng theo cách mạng. Với vị trí chiến lược quan trọng tiện cho thế tiến thoái cơ động, Đa Ngọc làm vị trí tập trung lực lượng cách mạng, huấn luyện quân của 3 phủ huyện Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa và là tuyến đường liên lạc với Chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành).
Quá khứ đã lùi xa, những chiến sĩ cách mạng và lớp người dân năm xưa tham gia chiến đấu ở Đa Ngọc giờ chỉ còn trong lớp trầm tích lịch sử địa phương. Và rồi, chúng tôi cùng Chủ tịch UBND xã Yên Phú Nguyễn Văn Đạt lật giở từng trang lịch sử về phong trào cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân địa phương. Anh Đạt vừa đọc, vừa thuật lại: Trước sự truy lùng của địch, ngày 21-9-1941, các lãnh đạo phong trào cách mạng khu vực Thọ Xuân – Thiệu Hóa – Yên Định cùng với 17 chiến sĩ cách mạng rời vị trí Cồn Quyết chuyển về Đa Ngọc. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng vũ trang cách mạng từ hình thức hoạt động nhỏ lẻ trong phạm vi làng xã, tiến tới hoạt động tập trung trên địa bàn rộng lớn. Kẻ Nẻ – một vị trí nằm trong khu vực Đa Ngọc, được chọn làm địa điểm tập luyện của các chiến sĩ cách mạng và lực lượng tự vệ hăng hái học tập để đợi ngày lên Chiến khu Ngọc Trạo. Sau một thời gian ngắn, lực lượng được tập trung về đây ngày một đông. Tại Chiến khu du kích Đa Ngọc thời điểm ấy đã có mặt 86 chiến sĩ cách mạng và tự vệ đến từ nhiều làng thuộc 3 phủ huyện Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, do các đồng chí Trịnh Ngọc Phớt, Hồ Sỹ Nhân, Lê Xuân Tại trực tiếp lãnh đạo. Riêng 70 chiến sĩ tự vệ gồm cả nam và nữ được biên chế thành trung đội và tiểu đội, đồng chí Nguyễn Đức Tẻo làm Trung đội trưởng.
Để có lương thực dự trữ cho cuộc hành quân về Chiến khu Ngọc Trạo, các chiến sĩ cách mạng lên kế hoạch đánh đồn Bát Soạn lấy thóc gạo và vũ khí. Dự định chưa thành, thì đêm ngày 7-10-1941, với sự chỉ điểm của một tên phản động, thực dân Pháp đã huy động 200 lính khố xanh, bí mật đánh thọc sâu vào căn cứ Đa Ngọc trên đồi Cây Áng. Bị địch tấn công bất ngờ, nhưng các chiến sĩ cách mạng đã bình tĩnh và cương quyết, chia làm hai mũi sẵn sàng mở “đường máu” vượt ra khỏi vòng vây của địch. Trước tinh thần chiến đấu của lực lượng cách mạng, địch buộc phải rút lui về tuyến sau. Nhân cơ hội đó, các chiến sĩ cách mạng và lực lượng tự vệ nhanh chóng phân tán vào rừng rậm để tiếp tục chiến đấu. Địch thắt chặt vòng vây, bắt Nhân dân trong làng và quanh vùng Đa Ngọc phải chặt cây để lùng tìm các chiến sĩ cách mạng. Nhân dân nhanh chóng vừa cố tình chặt cây, vừa che giấu các chiến sĩ. Đồng chí Nguyễn Đức Tẻo bị thương nặng và hy sinh tại đồi Cây Áng. Đến đêm ngày 8-10-1941, được sự giúp đỡ của Nhân dân, các chiến sĩ cách mạng đã chia thành từng nhóm nhỏ tìm đường lên Chiến khu Ngọc Trạo. Mặc dù là căn cứ tạm thời, tồn tại chỉ trong thời gian ngắn, song tiếng súng ở Chiến khu du kích Đa Ngọc lại là cuộc chiến đấu đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Thanh Hóa. Cuộc chiến đấu sáng ngời tinh thần và ý chí quyết tâm cách mạng ấy được ví như là thượng nguồn của một dòng sông. Thượng nguồn bao giờ cũng nhỏ hẹp và nhiều thác ghềnh. Nhưng không có thượng nguồn ắt không có dòng sông mênh mông chảy vào biển cả.
Phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua bao khó khăn, thử thách, cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương, diện mạo thôn Đa Ngọc đã có nhiều thay đổi. Từ năm 2015 đến nay, nhiều công trình kết cấu hạ tầng tại thôn được đầu tư xây dựng. Trong đó phải kể đến tuyến đường nhựa từ Đường tỉnh 516B đi thôn Đa Ngọc với tổng vốn đầu tư trên 7,2 tỷ đồng; công trình kè các điểm xung yếu sông cầu Chày đoạn qua thôn Đa Ngọc, có tổng vốn đầu tư 9,2 tỷ đồng; trạm bơm tiêu úng phục vụ sản xuất của Nhân dân 2 thôn Đa Nẫm, Đa Ngọc với tổng vốn đầu tư khoảng 12 tỷ đồng… Đặc biệt, thực hiện XDNTM, Nhân dân thôn Đa Ngọc đã phát huy vai trò chủ thể của người dân, bà con đồng thuận chung sức, chung lòng để bê tông hóa toàn bộ hệ thống đường làng, ngõ xóm và cứng hóa giao thông nội đồng; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng khu dân cư. Hướng về “nơi chôn rau cắt rốn”, những người con Đa Ngọc xa quê đã hỗ trợ xây dựng cho quê hương công trình cổng làng với giá trị trên 500 triệu đồng. Những công trình cơ sở hạ tầng ấy không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế – xã hội, mà còn giúp mang đến cho thôn Đa Ngọc sắc diện mới, khang trang hơn.
Tháng 8-2023, chi bộ và ban phát triển thôn Đa Ngọc đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến Nhân dân vào Đề án “Xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu”. Qua hội nghị, 100% số hộ dân thống nhất với các nội dung của đề án. Đáng mừng hơn, Nhân dân đồng thuận với mức đóng góp là 350 nghìn đồng/khẩu, thu trong 5 vụ. Theo khái toán của thôn Đa Ngọc, tổng kinh phí để thực hiện các nội dung NTM kiểu mẫu hơn 3,869 tỷ đồng. Trong đó, Nhân dân đóng góp 1,322 tỷ đồng, tương đương 34,16% tổng kinh phí; còn lại là nguồn vốn ngân sách huyện Yên Định và xã Yên Phú hỗ trợ. Những ngày này, cán bộ và Nhân dân thôn đang dồn sức để xây dựng mới và nâng cấp các công trình, như: nhà văn hóa – khu thể thao thôn; hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước khu dân cư; đổ bê tông 10 tuyến đường làng, ngõ xóm kết hợp lắp đặt biển chỉ dẫn; thực hiện mô hình xử lý rác thải tại nguồn. Với lòng dân – sức dân, tin tưởng rằng vào cuối năm 2023, thôn Đa Ngọc sẽ “cán đích” NTM kiểu mẫu.
Thấp thoáng ven tuyến đê bao, trong màu xanh của ngô và mía, vẫn còn tấm bia đơn sơ mang dòng chữ Di tích lịch sử Chiến khu du kích Đa Ngọc. “Mới đây, huyện Yên Định đã đầu tư xây dựng mới tuyến đường vào Chiến khu du kích Đa Ngọc, với kinh phí 2,9 tỷ đồng. Tháng 10-2023 này, xã Yên Phú sẽ khởi công Dự án xây dựng các công trình di tích lịch sử Chiến khu du kích Đa Ngọc. Dự án bao gồm các hạng mục làm bia di tích, xây dựng nhà bia, nhà điều hành, nhà truyền thống, khuôn viên, cổng, tường rào, với tổng kinh phí là 3,5 tỷ đồng. Nơi đây sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau” – Chủ tịch UBND xã Yên Phú Nguyễn Văn Đạt cho biết thêm.
Như mạch nguồn trong tâm trí của mỗi người dân thôn Đa Ngọc hôm nay, những ngày sục sôi cách mạng trên quê hương mãi mãi là tia nắng ấm áp chiếu rọi, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng vùng đất chiến khu xưa tiếp tục khởi sắc.
Bài và ảnh: Trần Thanh