Khẳng định công lao của Đức Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi – người khai sáng triều đại Hậu Lê, sách sử đã chép: Vua hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh, 10 năm mà thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, định luật lệnh, chế lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, dựng quan chức, lập phủ huyện, thu sách vở, mở học hiệu. Có thể gọi là có mưu lớn sáng nghiệp!
Mộ vua Lê Thái tổ ở Lam Kinh.
Đại Việt cuối thế kỷ XIV lâm vào khủng hoảng trầm trọng, khiến cuộc “chuyển giao quyền lực” từ nhà Trần sang nhà Hồ diễn ra như một tất yếu. Song, vương triều Hồ tồn tại chưa đầy 7 năm, thì Đại Việt đã nằm dưới gót giày quân xâm lược (năm 1407). “Họ Hồ cướp ngôi tự rước bại vong; giặc Minh gian ngược muốn đổi đất phong, giả nhân diệt nước, giết hại làm càn, Nhân dân nước Việt gan óc dậy đất, con thơ cháu bé mắc phải thảm họa giáo mác ngang thây, người mạnh khỏe thì phía Nam chạy sang Chiêm Thành, phía Tây trốn sang Đại Lý, làng mạc bỏ hoang, xã tắc thành gò, hoặc để thỏ chui hoặc cho hươu ở, làm bãi cho chim đỗ, làm rừng cho báo nấp. Rồi giặc chia châu đặt huyện, đắp thành đào hào, đóng quân trấn giữ, hơn hai chục năm, biến phong tục thành tóc dài răng trắng, hóa làm người Ngô cả. Than ôi! Họa loạn tột mực đến như thế ư?” (sách “Đại Việt sử ký toàn thư”).
Trước câu hỏi về sự sống còn của dân tộc, vào năm Bính Thân (1416) tại Lũng Nhai (nay là xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân) đã diễn ra hội thề lịch sử giữa Phụ Đạo lộ Khả Lam Lê Lợi, cùng 18 người bạn thân tín, “nguyện chung sức đồng lòng giữ gìn địa phương”. Hội thề đã đặt cơ sở cho việc hình thành những hạt nhân đầu tiên của “bộ tham mưu” cuộc khởi nghĩa Lam Sơn sau này, mà Lê Lợi là vị thống soái tối cao. Từ đây, Lam Sơn trở thành nơi quy tụ các anh hùng, hào kiệt và những người yêu nước từ khắp nơi tìm về, cùng mưu đồ sự nghiệp diệt giặc, cứu nước.
Trải qua một thời gian tích cực chuẩn bị, tháng Giêng năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi quyết định dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Lê Lợi tự xưng là Bình Định vương, truyền hịch kêu gọi Nhân dân đứng lên giết giặc, cứu nước. Nghĩa quân Lam Sơn bước vào cuộc chiến đấu với quân thù trong một tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch. Theo sách “Lam Sơn thực lục”, nghĩa quân buổi đầu khởi sự chỉ có 35 quan võ, một số quan văn, 200 quân thiết đột, 200 nghĩa sĩ, 200 dũng sĩ, 14 con voi và không quá 2.000 người tham gia. Còn lực lượng quân Minh có tới hơn 4,5 vạn, voi ngựa hàng trăm con.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: Vua ở vào khoảng ấy, có tư chất thánh thần văn võ, gặp lúc trời đoái miền Tây, không nỡ thấy dân ta lầm than, quân giặc đè hiếp, tự nghĩ đến trách nhiệm thay trời đánh giặc chẳng ở ta thì còn ở ai! Nhưng còn lo vận trời đương bế tắc chưa thông, việc lớn rất gian nan khó nổi. Bấy giờ mới đem những người đồng chí, tôi gươm cho sắc, giấu tiếng núi Lam, xem thế đợi thời, gặp việc lo sợ, không dám vội vàng. Giữ chỗ hiểm, đặt quân phục, thường lấy quân ít mà chống giặc đông; tính thì cơ, nắm phần hơn, thường lấy sức yếu mà chống kẻ mạnh. Khí giới lương ăn, phần nhiều của giặc. Kính dinh hơn mười năm, khốn lo bao nhiêu độ. Chỉ vì mưu đã sâu mà kế lại kỹ, cho nên đánh thì thắng mà phá tất được. Một lần đánh mà dẹp châu Hoan châu Hóa, hai lần đánh mà yên châu Diễn châu Ái. Rồi cờ chính chinh phất lên, thế đường đường thẳng tới. Vượt biển để chờ quân, mà giặc ở Cổ Lộng, Chí Lính mất mật; trèo non để tiến đánh, mà giặc ở Tam Giang, Đông Quan kinh hồn.
Vương Thông, Phương Chính kế đã cùng, giữ thành bền lũy để đợi viện. Lửa không nhóm tự cháy, quả nhiên Liễu Thăng từ Bắc tiến sang, giúp Hạ Kiệt làm càn. Lại thêm Mộc Thạnh phía Tây cũng tới. Đáng cười viện binh hai lộ, giơ càng bọ ngựa chống xe, há chẳng ngu sao? Huống lấy chí nhân đánh bất nhân, tất phải khiêng thây mà chịu trói. Thú cùng trong cũi, vẫy đuôi kêu thương. Thì rủ lòng nhân mà mở lưới Thang; cho múa mộc để phô đức Thuấn. Cuối cùng, tha cho mười vạn quân hàng, được toàn tính mạng về Bắc. Mừng vui khắp bốn biển, mong sống lại đã được thỏa lòng; mến sợ đến phương xa, việc cống hiến chăm lo hết phận. Than ôi! Thịnh thay! Thế mới biết loạn tột thì trị to, nhân dầy thì nhớ mãi. Trời xoay vần, thì thông suốt, vừa vận hội bắt đầu vậy.
Mậu Thân, Thuận Thiên năm thứ 1 (1428), mùa xuân, tháng giêng, người Minh đã về nước, vua Lê Thái tổ bèn thống nhất thiên hạ, lấy năm ấy là năm dẹp yên. Vua ở ngôi 6 năm, thọ 51 tuổi, chôn ở Vĩnh Lăng. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã bàn về công lao của nhà vua: “Trời đất đã định, Nam Bắc chia trị, phương Bắc tuy lớn mạnh mà không thể đè nén được phương Nam, xem ngay như thời Lê, Lý, Trần thì biết. Thế cho nên cuối thời Tam Quốc, phương Nam tuy đã suy yếu, nhưng chỉ có nội loạn mà thôi. Đến như nhà nhuận Hồ thì bạo ngược đã quá, đến nỗi mất nước, thân nhục, giặc Bắc hung tàn, dân Nam khốn khổ. May lòng trời nghĩ đến, sinh ra thánh chúa, lấy nghĩa mà đánh, lấy nhân mà dẹp, non sông mới được đổi mới, nhật nguyệt mới lại được tươi, Nhân dân được yên, Nhà nước được trị. Là bởi vua tôi cùng dạ, trên dưới một lòng vậy. Ôi! loạn tột tất phải trị, như nay đủ thấy”.
Khi viết tựa cho sách “Lam Sơn thực lục”, từ trên tầm cao của chiến công và sự nghiệp, dưới cái nhìn khách quan và biện chứng, vua Lê Thái tổ khẳng định: “Trẫm gặp buổi lắm hoạn nạn, dựng nghiệp càng khó khăn. May mà trời cho, người theo, nên công nghiệp được thành, thật là do tổ tiên tu nhân tích đức cho nên mới được như thế”. Còn nhà cách mạng nổi tiếng Phan Bội Châu đầu thế kỷ XX đã tôn vua Lê Thái tổ là vị Tổ trung hưng thứ hai, tiếp nối Tổ trung hưng thứ nhất là Ngô Quyền và sau Thủy tổ dựng nước là Hùng Vương. Đó là cách đánh giá khách quan, trung thực và công minh về đóng góp của ông trong khởi nghĩa Lam Sơn, cũng như trong toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam.
Bài và ảnh: Trường Giang
(Bài viết có sử dụng các tư liệu trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Kỷ yếu Hội thảo khoa học Anh hùng dân tộc Lê Lợi và Nhân dân Thanh Hóa với Khởi nghĩa Lam Sơn”).