“Những thử thách mà tướng Giáp phải vượt qua đã khiến ông trở thành bậc thầy chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự… Tướng Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh Nhân dân” (Cecil B.Currey, tác giả của cuốn “Chiến thắng bằng mọi giá – Thiên tài quân sự Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp”).
17h30 phút ngày 13/3/1954, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN
Theo nhiều học giả, không thể nghi ngờ một điều rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những thắng lợi vĩ đại, đã thể hiện cao nhất tài năng quân sự xuất chúng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chiến dịch Điện Biên Phủ – trận chiến phải chắc thắng để phá tan Kế hoạch Na-va, giáng một đòn chí tử vào âm mưu mở rộng chiến tranh của đế quốc Pháp – Mỹ; đồng thời, tạo sức ảnh hưởng và cống hiến xứng đáng vào phong trào hòa bình thế giới. Đây là thách thức rất lớn đối với Đại tướng. Để rồi vị Đại tướng, Tổng Tư lệnh quân đội Nhân dân Việt Nam đã quăng mình vào mặt trận, đã “tập trung phân tích toàn cục, nhưng cũng xoáy vào phân tích những yếu tố quan trọng, để tìm ra giải pháp tốt nhất, cách đánh tốt nhất, từng bước chuyển hóa lực lượng, thế trận, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi quyết định”.
Lẽ đương nhiên, với vai trò của cuộc đọ sức tầm chiến lược, mặt trận Điện Biên Phủ khó khăn, gian khổ và ác liệt hơn bất kỳ chiến trường nào. Trong tác phẩm “Điện Biên Phủ – Một góc địa ngục”, tác giả Bernard B.Fall đã viết: “Quân của họ (phía ta – PV), điều này họ biết rõ lắm, chẳng biết gì cả về những phương pháp tiêu diệt những trung tâm đề kháng được phòng ngự vững chắc, yểm hộ được lẫn cho nhau. Một loạt những cuộc húc đầu xung phong vào tập đoàn cứ điểm ấy, có thể dẫn đến những thiệt hại hết sức nặng nề, thậm chí có thể gây ra sự sa sút tinh thần không thể cứu vãn được của quân lính. Một thất bại có thể làm chậm lại một năm việc thực hiện kế hoạch tổng phản công của Việt Minh. Vậy mà, từ nay tới đó, viện trợ ồ ạt của Mỹ có thể cho phép người Pháp tăng cường quân đội Đông Dương một cách đáng kể. Điện Biên Phủ trở thành một ván bài đau đầu đối với cả Việt Minh nữa. Tướng Giáp hạ quyết tâm cũng chẳng dễ dàng gì”.
Nhưng rồi cũng chính tác giả này, ở phần cuối tác phẩm của mình, đã dẫn ra một báo cáo cho thấy lý do thất bại của quân Pháp trên mặt trận Điện Biên Phủ: “Trong văn kiện về chương trình hành động trong chỉ đạo chiến tranh ở Việt Nam đề ngày 19/3/1953, tướng Sman đã viết như sau trong chương “Chương trình hành động quân sự trong những năm 1953 – 1954”: Chiến thắng duy nhất có thể đưa tới sự lập lại một nền hòa bình lâu dài ở Đông Dương là chiến thắng tiêu diệt đoàn quân chủ lực của Việt Minh, chủ yếu gồm 5 đại đoàn chính quy tác chiến ở Bắc Việt Nam. Trong cái trò đánh đố đầy nguy hiểm được gọi là chiến lược, vị giáo sư sử học nhỏ bé với vốn quân sự tự học sẽ đánh cho các tướng tá tốt nghiệp Trường Chiến tranh thua đến không còn mảnh giáp. Khi các đại đoàn của ông tiến hành bao vây Điện Biên Phủ mà quân Pháp không có động tĩnh gì rút, Giáp hiểu ra rằng mình đã nắm chiến thắng trong tay. Vài tháng sau trận đánh, ông đã tóm tắt quan điểm của ông như sau: “Đội quân viễn chinh vậy là đã bị một bất ngờ chiến lược: nó tưởng ta không đánh nhưng ta đã đánh; và một bất ngờ chiến thuật: chúng ta đã giải quyết được các vấn đề tiếp cận, pháo binh và tiếp tế”. Chính là trong khoảng thời gian nửa tháng, từ 25/11 đến ngày 7 tháng Chạp, đã được quyết định trận đánh cũng như thất bại của trận đánh Điện Biên Phủ. Và thất bại đó không phải là diễn ra tại cái thung lũng nhỏ bé trên miền núi mà là trong những phòng làm việc có điều hòa nhiệt độ của Bộ tổng tham mưu Pháp ở Sài Gòn. Một khi ông Giáp đã quyết định chấp nhận thách thức và giao chiến, thì 12.000 quân Liên hiệp Pháp và 50.000 người của quân đội Nhân dân chỉ còn có việc đóng cho trọn vai trò của họ trong tấn bi kịch”.
Quả thật, đánh Điện Biên Phủ là một thử thách chưa từng có. Song khó khăn không thể ngăn được khí thế cả nước xung trận, không thể cản được bước tiến của các đại đoàn chủ lực lên tiền tuyến. Nguyên do nào vậy? Chính Đại tướng đã chỉ ra: “Nhìn lại âm mưu của địch, thấy nổi lên một điểm là chúng luôn luôn chủ quan, luôn luôn phạm sai lầm… Đương nhiên, đó hoàn toàn không phải là bọn tướng tá Pháp – Mỹ kém trình độ văn hóa hoặc thiếu tri thức quân sự, cũng không phải là chúng thiếu hiểu biết về những tính năng và tác dụng của các binh chủng, quân chủng, của các vũ khí và phương tiện chiến tranh mà chúng tung ra chiến trường. Chúng luôn luôn chủ quan chính là vì chúng không nắm được quy luật của chiến tranh, do đó không thể đánh giá đúng ngay bản thân lực lượng của chúng, càng không thể lường hết được sức mạnh to lớn của cả một dân tộc đang đứng lên đấu tranh vì độc lập, tự do. Chúng không nắm được và cũng không thể nào nắm được quy luật của chiến tranh. Bởi vì, cuộc chiến tranh do chúng gây ra là chiến tranh xâm lược, chiến tranh phi nghĩa. Bởi vì, các quy luật của chiến tranh nói riêng và các quy luật của lịch sử nói chung đều đi ngược lại mục tiêu chính trị, kinh tế và quân sự của chúng, đi ngược lại cả lý do tồn tại của chúng, phủ định không thương tiếc sự tồn tại ấy”.
“Sức mạnh to lớn của cả một dân tộc đang đứng lên đấu tranh vì độc lập, tự do” là nguyên do cội rễ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy. Đó là cuộc chiến tranh Nhân dân đã được “thực hành” một cách trọn vẹn nhất và mang lại hiệu quả cao nhất. Và ở đó, “Tướng Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh Nhân dân”, như khẳng định của Cecil B.Currey. Hay theo nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh người Mỹ Lady Borton thì “Vị Đại tướng của Việt Nam là một con người từ Nhân dân mà ra. Ông luôn suy nghĩ vì Nhân dân với chân lý: Có dân là có tất cả. Những chiến công lịch sử gắn liền với tên tuổi của ông không thể có được nếu không có Nhân dân, những đồng bào, đồng đội của ông”. Còn đối với Giáo sư William Duiker, học giả nghiên cứu về khu vực Đông Á tại Đại học Penn State, Mỹ, đã khẳng định: “Di sản lớn nhất tướng Giáp để lại chính là vai trò của ông trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến lược chiến tranh Nhân dân. Đó là biểu tượng cho lực lượng yếu chống lại lực lượng mạnh bằng chính trị và quân sự”…
Quả thật, qua kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, Đại tướng đã phát huy chiến tranh Nhân dân Việt Nam lên tầm cao mới, trở thành nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. “Đó là phẩm chất tuyệt vời, tạo nên tầm vóc của một nhà quân sự tài năng chân chính. Mưu lược, bản lĩnh, trí tuệ, cách ứng xử và những chiến công vang dội, đã đưa ông bước lên bậc cao của hàng tướng lĩnh tài ba, đức độ mẫu mực, trở thành vĩ nhân, huyền thoại của dân tộc, để lại những dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử thế giới thế kỷ XX” (Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên).
Suốt cuộc đời Đại tướng luôn đề cao những phẩm giá làm người cao đẹp, đó là “Trí”, “Dũng”, “Nhân”, “Tín”, “Liêm”, “Trung” và “Dĩ công vi thượng” để rèn luyện và thực hành. Đồng thời, luôn nguyện “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”! Để rồi, dù đã về với “thế giới người hiền”, nhưng hình ảnh vị tướng huyền thoại – “người viết sử” ở Điện Biên Phủ, mãi mãi sống trong trái tim và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam; là nguồn cảm hứng ngợi ca của những lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Hoàng Xuân