Những ngày này, khi khắp nơi trong tỉnh đã và đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20/2/1947 – 20/2/2024), ký ức về những lần được gặp Bác kính yêu dường như sống lại nguyên vẹn trong trái tim của những người từng vinh dự được gặp, được nghe Bác trò chuyện và căn dặn. Đó là những kỷ niệm vô giá được các nhân chứng lưu giữ và trao truyền lại cho thế hệ hôm nay qua những lời kể.
Bà Vũ Thị Kim Lan (phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) ôn lại kỷ niệm được gặp Bác Hồ. Ảnh: Tố Phương
Sáng một ngày tháng 2, chúng tôi tìm về chung cư Phú Sơn (TP Thanh Hóa) để gặp bà Vũ Thị Kim Lan- người 3 lần được gặp Bác Hồ. Tôi cảm nhận được sự xúc động dâng lên trong lòng khi nghe bà kể về những lần được gặp Bác. Theo dòng hồi tưởng, bà Lan nhớ lại: “Năm 1957, tôi vinh dự được đại diện cho Ty Thương nghiệp Thanh Hóa tham dự buổi mít tinh chào đón Bác về thăm Thanh Hóa lần thứ 2. Đến năm 1960, tôi lại được gặp Bác một lần nữa tại Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI. Hôm ấy, tôi là đại biểu dự đại hội nên đã được gặp Bác. Bác xuất hiện, cả hội trường đều vui mừng, phấn khởi. Lúc Bác phát biểu, ai cũng chăm chú lắng nghe”.
Được gặp Bác một lần đã thấy mình rất hạnh phúc, còn bà Lan vinh dự hơn khi được gặp Bác tới 3 lần và lần thứ 3 là lần đọng lại trong trái tim bà nhiều cung bậc cảm xúc nhất. Bà kể: “Năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa lần thứ 4. Khi ấy, tôi đang phụ trách nhà ăn Liên Cơ thuộc Văn phòng Tỉnh ủy. Sau khi Bác cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi thăm HTX Yên Trường, buổi tối cùng ngày, chúng tôi – những người làm ở nhà ăn Liên Cơ được mời lên nghe Bác nói chuyện. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh ngồi phía trên, chúng tôi ngồi phía dưới. Rồi Bác hỏi: “Các cô, các chú phục vụ nhà ăn có ở đây không?”. Tôi vừa mừng, vừa run đứng lên trả lời: “Thưa Bác, chúng cháu đây ạ”. Bác gọi cả 7 người lên phía trên hội trường và chia cho mỗi người 2 cái kẹo. Chúng tôi phấn khởi cảm ơn Bác và đi xuống. Kết thúc buổi gặp gỡ hôm đó, tôi mang 2 cái kẹo và tự hào khoe với các con của mình rồi dặn dò các con rằng, đất nước còn lâm nguy, các con phải tham gia đánh giặc và 2 đứa con trai của tôi đã nghe lời mẹ, hoàn thành nhiệm vụ đối với Tổ quốc”.
Với quyển sổ được ghi chép cẩn thận, người lính hải quân Hoàng Tiến Lực, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) vẫn nhớ như in những lời Bác căn dặn khi đến thăm Tiểu đoàn 135 tại cảng Vạn Hoa (Quảng Ninh). Ngày 13/11/1962, Tiểu đoàn 135 của ông Lực được đón Bác đến thăm. 8 giờ sáng, một chiếc trực thăng từ từ hạ cánh, Bác xuất hiện giản dị trong bộ quần áo màu nâu gụ, đội mũ rộng vành và đi đôi dép cao su đã cũ. Trong buổi nói chuyện với đơn vị, Bác dặn dò nhiều điều nhưng ông Lực nhớ nhất là bài học về tinh thần đoàn kết được Bác liên hệ từ chiếc đồng hồ. Ông Lực kể: “Sau những câu hỏi cụ thể về chiếc đồng hồ, Bác bắt đầu liên hệ đến chiếc tàu và đơn vị. Bác nói: Một con tàu, một đơn vị có nhiều bộ phận khác nhau, có người làm việc dưới nước, có người làm việc trên bờ. Nếu người dưới tàu muốn lên bờ, còn người trên bờ muốn xuống tàu thì đơn vị có mạnh được không? Vì vậy các cô, các chú phải yên tâm công tác, công việc nào cũng quan trọng và vẻ vang cả. Từ chiếc đồng hồ, Bác căn dặn toàn đơn vị phải thực hiện tốt 4 điều: Phải nâng cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu; phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; phải giữ gìn tàu thuyền, vũ khí chiến đấu; phải tích cực tham gia sản xuất, cải thiện đời sống”. Điều đọng lại ấn tượng nhất trong ông Lực là buổi trưa hôm ấy, đã đến giờ ăn nhưng vẫn chưa thấy người mang cơm đến cho Bác. Ông Lực cùng một vài người khác được đơn vị cử đi chuẩn bị bữa cơm cho Bác, nhưng đang làm thì thấy trực thăng đến. Ông lại nhận nhiệm vụ ra trực thăng đưa cơm xuống tàu cho Bác. Bữa cơm của Bác chỉ có cà muối, thịt rang mắm tép, một lát cá kho, rất đơn giản. Sau lần gặp ấy, người lính hải quân Hoàng Tiến Lực không còn lần nào được gặp Bác nữa. 7 năm sau đó, khi được tin Bác mất, ông cùng 200 cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu của lực lượng hải quân đã vinh dự được về dự lễ tang của Người tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Trong câu chuyện kể của bà Hoàng Thị Hồng, cùng xã Hoằng Sơn, giây phút được nhìn thấy Bác, được nghe những lời căn dặn từ Bác cho đến nay chưa lúc nào bà quên. Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, năm 1957, Nhân dân Thanh Hóa vinh dự được đón Bác về thăm. Bác đã có buổi nói chuyện với cán bộ và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Mỗi xã được cử vài người tiêu biểu đi dự buổi mít tinh chào đón Bác. Bà Hồng nhớ lại: “Ngày ấy, tôi là đội trưởng đội sản xuất nông nghiệp của xóm Liêm, cùng với cụ Luân, cụ Lũ là 3 đại biểu được xã lựa chọn nên thấy tự hào lắm. Trong buổi nói chuyện với cán bộ và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, Bác đã khen ngợi và ghi nhận những đóng góp to lớn của quân, dân Thanh Hóa đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Không chỉ biểu dương, Bác cũng phê bình một số khuyết điểm cán bộ, Nhân dân Thanh Hóa chưa thực hiện tốt và Bác muốn Thanh Hóa phải làm tốt một số nhiệm vụ về cải cách ruộng đất, phát triển sản xuất, phòng chống lụt bão…”. Đó là những lời chỉ dạy hết sức cụ thể nên khi trở về địa phương, bà Hồng đã phổ biến lại cho mọi người trong thôn, trong xã để cùng thực hiện. Khắc sâu lời chỉ dạy của Bác, bà Hồng và các xã viên xóm Liêm ngày ấy đã ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, bảo đảm đời sống cho bà con nông dân.
Thời gian càng lùi xa, sự kiện lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa càng thêm ý nghĩa và sâu sắc, đặc biệt là đối với những người từng được gặp, được nghe Bác trò chuyện. Những lời chỉ dạy sâu sắc của Bác đã trở thành nguồn động viên, khích lệ to lớn để những nhân chứng sống đến nay dù tuổi đã cao nhưng vẫn luôn cố gắng trao truyền lại cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cuộc đời giản dị của Hồ Chủ tịch- vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam.
Tố Phương