Xứ Thanh trong ấn tượng của những tao nhân mặc khách xưa là xứ sở của những vẻ đẹp và những điều kỳ diệu. Đó là miền của non nước hữu tình làm đắm say lòng người; cũng là miền đất ẩn chứa những lớp trầm tích lịch sử và văn hóa giàu giá trị, đủ sức níu giữ bước chân lữ khách trên hành trình khám phá và trải nghiệm…
Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) – điểm đến hấp dẫn của xứ Thanh. Ảnh: Hoài Anh
Ngày xuân, bước chân theo sự thôi thúc của mùa sự sống căng tràn để về với xứ Thanh. Xứ Thanh hội tụ đầy đủ các dạng địa hình, bắt đầu từ Cổng Trời cheo leo trên những đỉnh cao hùng vĩ, chạy về vùng non nước Nghi Sơn vươn mình ra phía biển để ngàn năm hát khúc hoan ca. Cảnh sắc tươi đẹp như dệt gấm thêu hoa lên hình hài dải đất, đủ để khơi dậy niềm hứng khởi và khát khao trải nghiệm của du khách.
Hành trình khám phá xứ Thanh mùa xuân này, hẳn nên bắt đầu từ đại ngàn hùng vĩ, hoang sơ, nhưng không kém phần nên thơ, tươi đẹp. Điểm đến lý tưởng để trải nghiệm đại ngàn mùa xuân chắc chắn phải là Pù Luông – viên ngọc xanh của xứ Thanh – nơi có vẻ đẹp được nhiều du khách không tiếc lời ca ngợi và ví như Sa Pa của Tây Bắc hay Đà Lạt của Tây Nguyên. Pù Luông trải rộng trên diện tích 17.662 ha, qua 2 huyện vùng cao Quan Hóa và Bá Thước. Với một hệ rừng nguyên sinh nhiệt đới thường xanh theo mùa, cùng hệ động thực vật phong phú cả về số lượng và chủng loại, Pù Luông là điểm đến lý tưởng cho những du khách muốn khám phá thiên nhiên hoang dã. Trên cái nền xanh bất tận, nhưng qua mỗi mùa Pù Luông sẽ có những vẻ đẹp riêng. Ví như mùa hè, Pù Luông như bức tranh được chấm phá nổi bật bằng sắc vàng óng ả của những thửa ruộng bậc thang đương mùa lúa chín. Còn khi mùa xuân, bức tranh thiên nhiên Pù Luông lại sáng lên màu sự sống mới của chồi non lộc biếc, của hoa thơm trái ngọt, của mùa vụ no ấm, của khúc hoan ca ngày xuân bên bếp lửa nhà sàn… Nổi bật giữa đại ngàn là những đỉnh Pù Luông, Pù Rinh kỳ vĩ ví như những bức vách tự nhiên, đã giữ cho Pù Luông vẻ bí ẩn ngàn đời. Và ẩn sâu trong lòng Pù Luông là những “vườn treo trên cao” – các bản Son, Bá, Mười, Kho Mường… – vẫn gìn giữ được một cách hoàn hảo cảnh sắc thiên nhiên nguyên sơ, hòa nhịp đồng điệu với đời sống cộng đồng người Thái bản địa.
Từ vùng núi ngắm thỏa thích và trải nghiệm đến cùng vẻ đẹp của đại ngàn hùng vĩ, du khách hãy “quá chân” về với biển, để cảm nhận về một xứ Thanh “Hương sắc bốn mùa”. Dẫu không có được cái sôi động, hừng hực sức sống của biển mùa hè; nhưng bù lại, biển mùa xuân mang vẻ đẹp thanh bình, yên ả như lớp sóng lăn tăn mơn man bước chân người. Trên nền cát không còn cái bỏng rát của những ngày hè đầy nắng, du khách hãy thả chậm bước chân để nghe tiếng du dương vọng về từ biển cả. Để nghe trong cõi thẳm sâu đầy bí ẩn của đại dương, hình như có tiếng của sự sống đang thôi thúc con người vươn mình về phía biển, để làm giàu từ biển. Hãy thử một lần một mình đối diện với cái mênh mông bất tận của biển mùa xuân, trước cảnh đẹp “thủy thiên nhất sắc”, con người mới càng thấy được cái nhỏ bé của cá thể trước sự vĩ đại của tự nhiên… Trải dọc suốt hơn 100 km bắt đầu từ Nga Sơn vào tới Nghi Sơn, hành trình khám phá vẻ đẹp biển xứ Thanh mùa xuân của du khách có thể bắt đầu với Sầm Sơn – vụng biển xinh đẹp hội tụ tất cả các yếu tố lý tưởng, có thể giúp con người thư giãn, an dưỡng thoải mái nhất. Hay du khách muốn “trốn mình” nơi biển vắng, để lắng nghe những mong mỏi từ trái tim mình, để mặc sức nuông chiều bản thân bằng cách gạt bỏ đi mọi phiền hà, lo toan cuộc sống thường nhật và để nạp lại nguồn năng lượng sống tích cực, thì hãy về Bãi Đông (Nghi Sơn)…
…
Chẳng phải có người đã nói, tinh anh của đất trời tạo ra núi sông dù đẹp đến đâu cũng trở nên vô nghĩa khi con người ta không nhìn thấy vẻ đẹp, giá trị và sở hữu nó. Yêu thích cái đẹp là bản tính, là nhu cầu của con người và chinh phục, thụ hưởng mọi vẻ đẹp tự nhiên là khát vọng ngàn đời nay của con người. Nhưng rồi, sau rất nhiều những bài học đắt từ quá trình chinh phục “quá đà”, cuối cùng người ta cũng nhận ra rằng, cùng với chinh phục, con người càng phải sống hòa mình vào thiên nhiên và hơn hết là cần tôn trọng thiên nhiên. Vốn dĩ, thiên nhiên có ngôn ngữ riêng để lên tiếng khẳng định quyền năng, giá trị, vẻ đẹp và sức hấp dẫn của nó. Và hơn hết, thiên nhiên vốn là món quà vô giá mà tạo hóa đã dày công kiến tạo để ban tặng cho con người. Để rồi đến lượt mình, con người phải bảo vệ thiên nhiên như bảo vệ chìa khóa cho sự sống bền vững của chính xã hội loài người.
Hành trình trải nghiệm thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp của xứ Thanh cũng chính là hành trình tìm về những vẻ đẹp ban sơ của thiên tạo, hay tìm về các giá trị đích thực của thiên nhiên. Và rồi, xem đó như một “liệu pháp tinh thần” tuyệt vời, giúp con người cân bằng cuộc sống, nuôi dưỡng đam mê, thức dậy nguồn năng lượng tích cực. Đồng thời, để biết yêu, biết trân trọng vẻ đẹp cùng giá trị của tự nhiên – cái nôi đích thực của sự sống.
Hoàng Xuân