Trong chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa số trước, chúng tôi đã nêu ra bốn từ ghép bị Từ điển từ láy tiếng Việt nhận lầm là từ láy: cãi cọ, cay cú, cắm cúi, câu kéo. Trong bài này chúng tôi tiếp tục phân tích nghĩa đẳng lập của 4 từ: nôn nao, cồn cào, cơ cực, cục cằn (phần để trong ngoặc kép sau số mục là nguyên văn của Từ điển từ láy tiếng Việt – Viện Ngôn ngữ – Hoàng Văn Hành chủ biên; phần xuống dòng là trao đổi của chúng tôi):
1 – “NÔN NAO đgt. 1. Có cảm giác khó chịu trong người như bị chao đảo, chóng mặt, buồn nôn. Nôn nao như người say sóng. Người nôn nao khó chịu. “Hắn thấy nôn nao, chân tay bủn rủn như đến ba ngày nhịn đói” (Nam Cao); 2. Cảm thấy không yên lòng, xao động trong tình cảm khi đang mong mỏi, tưởng nhớ điều gì. Những giờ phút nôn nao chờ đợi. “Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến, Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.” (Phạm Tiến Duật)”.
Nôn nao là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại], trong đó: nôn nghĩa là mửa, nôn mửa; có cảm giác bồn chồn, nóng ruột (như Nghĩ đến đã phát buồn nôn; Anh ấy nôn về thăm nhà nên không cách nào giữ lại được).
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) giảng nôn là “nóng lòng, nóng vội” và lấy ví dụ “nôn về nhà cho sớm”; ~“Hồi nãy, em nôn quá, cứ đòi ra đó mà mấy ảnh không cho.” (Anh Đức). Còn nao nghĩa là cảm giác nghiêng ngả, rạo rực không yên trong lòng (như nao lòng; Dù gian khổ cũng không nao; Lòng ta ta đã chắc rồi/ Nào ai giục đứng giục ngồi mà nao – Ca dao).
Như vậy, ngữ liệu “nôn về nhà cho sớm”, “buồn nôn”, “Dù gian khổ cũng không nao”, “Nào ai giục đứng giục ngồi mà nao”, đã cho ta thấy nôn nao là từ ghép đẳng lập, không phải là từ láy.
2 – “CỒN CÀO tt. Có cảm giác nôn nao khó chịu như bị chà xát, bào mòn trong dạ từng cơn liên tiếp. Uống nhiều nước chè vào cồn cào cả ruột gan. Đói cồn cào cả người. “Bữa cháo bữa khoai, đi cày và đi học, Bụng cồn cào con chữ chạy xiêu xiêu” (Nguyễn Duy)”.
Cồn cào là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại], trong đó: cồn nghĩa là sóng nổi lên (như sóng cồn) nghĩa rộng chỉ cảm giác rạo rực, nôn nao trong bụng, tựa như sóng cồn lên (như Đói cồn đói cào; Cồn ruột cồn gan; Dạo này tôi cảm thấy chán ăn, cồn ruột.); cào nghĩa là cào xé (như mèo cào; Đang đói mà ăn của chua vào nó cào ruột ra); “cồn cào” chỉ cảm giác như có từng cơn sóng đùn lên (cồn) và bàn tay cào xé trong lòng (cào).
Như vậy, ngữ liệu Dạo này tôi cảm thấy chán ăn, cồn ruột, hay Đang đói mà ăn của chua vào nó cào ruột ra, cho thấy cồn cào là từ ghép đẳng lập, không phải từ láy.
3 – “CƠ CỰC tt Vất vả và khổ sở đến cùng cực. Cuộc sống cơ cực của nông dân dưới chế độ phong kiến”.
Cơ cực 飢極 là từ ghép đẳng lập Hán Việt [nghĩa đồng đại]: cơ 飢nghĩa là đói (cơ cùng 飢窮 = đói khổ khốn cùng; cơ hàn 飢寒 = đói rét; cơ khổ 飢苦 = đói nghèo khổ cực; Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da; Tích cốc phòng cơ); cực 極 là khổ sở, vất vả (như Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân). Hán ngữ đại từ điển giảng: “cơ” nghĩa “là ăn không no; đói quá” [nguyên văn: ngật bất bão; ngạ – 吃不飽; 餓]; và “cực” là “khốn quẫn, khiến cho khốn quẫn; khổ sở.” [nguyên văn: khốn quẫn, sử chi khốn quẫn; bì khốn – 困窘, 使之困窘; 疲困].
Như vậy, tuy hạn chế, nhưng trong các câu Tích cốc phòng cơ; Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da, thì cơ với nghĩa là đói, xuất hiện với tư cách là một từ độc lập trong hành chức. Bởi vậy, cơ cực vẫn là từ ghép, không phải từ láy.
4 – “CỤC CẰN tt. Dễ cáu bẳn, thô bạo và có những lời nói lỗ mãng; cục (nói khái quát). Tính nết cục cằn. Ăn nói cục cằn, thô lỗ”.
Cục cằn là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại], trong đó, cục (hay cộc, tiếng Thanh Hóa) chỉ tính hay cáu giận, thô lỗ (như cục tính; cộc tính); cằn nghĩa là khô cứng, không màu mỡ, hiểu theo nghĩa bóng chỉ tính tình khô khan, lời ăn tiếng nói thiếu đi sự nhẹ nhàng, mềm mỏng (như đất cằn; tâm hồn cằn cỗi; tiếng Thanh Hóa: tính cằn, ví dụ:Thằng ấy tính cằn lắm):
Trong từ cằn cỗi, thì cỗi cũng có nghĩa là già, còi, cằn, hết nhựa sống, hết màu mỡ. Ví dụ cây cỗi, đất cỗi…
Như vậy, bốn trường hợp: nôn nao, cồn cào, cơ cực, cục cằn, mà chúng tôi phân tích trên đây đều là từ ghép đẳng lập, không phải từ láy.
Hoàng Trinh Sơn (CTV)
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ve-mot-so-tu-lay-non-nao-con-cao-co-cuc-cuc-can-235442.htm