Về “đất căn bản làng vua” vào một ngày nắng thu tươi mới. Trong không gian linh thiêng, hòa cùng âm hưởng hào hùng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vĩ đại như đang vọng về từ hơn 6 thế kỷ trước, lòng người càng thêm hân hoan và thêm nhẹ nhịp bước khi về miền đất “rồng thiêng”.
Người dân dâng hương, tham quan, chiêm bái tại Lễ hội Lam Kinh 2023.
“Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”. Từ bao đời nay đã trở thành lời nhắc nhớ, thôi thúc con dân đất Việt hướng về với “kinh đô tưởng niệm” của nhà Hậu Lê để tri ân công đức của Thái tổ Cao hoàng đế – Người đã có công lớn trong sự nghiệp đánh đuổi giặc Minh, giành độc lập cho đất nước, lập nên vương triều Hậu Lê kéo dài hơn 360 năm lịch sử. Đây là một thời kỳ nước Đại Việt được hồi sinh và trở thành một quốc gia cường thịnh vào bậc nhất ở Đông Nam Á nửa sau thế kỷ 15.
Với người Việt, tín ngưỡng thờ Anh hùng dân tộc, người có công với đất nước đã thấm sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Tín ngưỡng dân gian ấy gắn với các di tích đền miếu, các nghi lễ truyền thống và lễ hội đã trở thành một nét đẹp văn hóa phản ánh đậm nét thuần phong mỹ tục dân tộc. Lễ hội Lam Kinh là một đại diện tiêu biểu cho nét đẹp văn hóa tín ngưỡng ấy và cũng là nét chấm phá tiêu biểu trong kho tàng văn hóa xứ Thanh và văn hóa Việt; là biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết và tình yêu nước nồng nàn. Và hơn thế, lễ hội hướng con người đến những giá trị cốt lõi: Chân – Thiện – Mỹ.
Lễ rước kiệu vua Lê Thái Tổ tại Lễ hội Lam Kinh 2023.
Vẫn là Lam Kinh trầm mặc và linh thiêng, cổ kính và trang nghiêm ấy, nhưng trong tháng tám âm lịch, âm hưởng hào hùng lại được khơi dậy, để tự hào, ngưỡng vọng. Bởi từ Lam Kinh – Lam Sơn, từ cách đây hơn 6 thế kỷ đã diễn ra cuộc khởi nghĩa vĩ đại do người Anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi đã khép lại 20 năm đau thương của dân tộc ta và đặt nền móng cho một thời kỳ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Để rồi, thả hồn vào không gian linh thiêng của Lam Kinh hôm nay, ta như được trở về một thời quá khứ vàng son của dân tộc, để tỏ lòng thành kính, biết ơn công lao trời biển của Anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng các vua, hoàng hậu nhà Lê; thành kính cầu các bậc tiên tổ phù trợ cho quốc thái dân an, vạn vật tươi tốt, cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Đồng thời, yêu và trân trọng lịch sử để càng thêm trân trọng di sản cha ông ta đã dùng máu xương và mồ hôi đắp đổi và lưu truyền cho mai sau.
Đội cồng chiêng cùng đoàn rước kiệu Đức Vua Lê Thái Tổ, kiệu Trung túc Vương Lê Lai.
Về Lam Kinh cũng là dịp để tâm hồn con người được bao bọc trong khối “kiến trúc xanh” đa tầng, giàu giá trị mà tạm gạt bỏ đi những vướng bận đời thường, để lặng ngẫm về quá khứ và hiện tại. Về với Lam Kinh để cùng vui trong tiếng trống hội, trong niềm hân hoan cộng cảm, cộng mệnh của “con Lạc cháu Hồng”, bà Đinh Thị Tích (thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân) cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày húy kỵ của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, chúng tôi lại về đây thành kính dâng hương, tỏ lòng biết ơn tiền nhân, tiên tổ. Năm nay, lễ hội tổ chức quy mô hơn, có nhiều điểm mới, hấp hẫn hơn. Tôi mong muốn lễ hội và di tích sẽ tiếp tục được gìn giữ và phát huy giá trị, trở thành nơi thực hành tín ngưỡng tâm linh lớn của cả nước”.
Là một người con sinh ra ở đất Thọ Xuân sinh sống xa quê, nhưng đã thành thông lệ, năm nào anh Lê Hải (TP Hà Nội) cũng hướng về Lam Kinh. Anh Lê Hải chia sẻ: “Tôi vô cùng xúc động khi trở về quê đúng dịp lễ hội Lam Kinh, được tỏ lòng thành kính với Anh hùng dân tộc Lê Lợi và các vua, quan, tướng sĩ nhà Lê đã góp sức đánh giặc, xây dựng đất nước. Lễ hội Lam Kinh với không khí hào hùng, cùng sự linh thiêng, trang nghiêm, luôn khiến tôi xúc động và vô cùng tự hào”.
Người dân tham gia Lễ hội Lam Kinh 2023.
Lễ hội Lam Kinh được tổ chức chính hội vào ngày 22-8 âm lịch hằng năm, nhằm tái hiện lại cuộc đời Anh hùng dân tộc Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn với các dấu mốc quan trọng, như Hội thề Lũng Nhai, Lê Lai cứu chúa, giải phóng thành Đông Quan, Lê Thái tổ đăng quang. Mỗi một phân cảnh, một tiếng trống chiêng, cờ quạt như đang rút ngắn khoảng cách hiện tại – quá khứ; đưa người dân về những trận chiến, sự kiện đã làm nên danh tiếng lẫy lừng của khởi nghĩa Lam Sơn. Do đó, đến với Lễ hội Lam Kinh, người dân như một lần hướng về với cội nguồn tiên tổ, về với những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh tái hiện cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Lễ hội Lam Kinh đặc sắc bởi nó là sự kết hợp của những nghi thức mang tính khuôn phép cung đình và dấu ấn dân gian truyền thống. Bởi, lễ hội Lam Kinh xuất phát từ “kinh đô tưởng niệm” của nhà Hậu Lê gắn với các nghi thức cung đình. Nhưng theo dòng chảy của lịch sử, văn hóa, dần dần lễ hội Lam Kinh không còn bó hẹp trong khuôn phép cung đình, mà được hòa vào trong cộng đồng, ăn sâu bén rễ vào đời sống của người dân, được người dân vùng đất Lam Sơn thực hành, gìn giữ.
Điều độc đáo làm nên sự khác biệt của Lễ hội Lam Kinh chính là sự kết hợp của các trò chơi, trò diễn, các điệu múa, hát, âm nhạc hay những chiếc mặt nạ kỳ dị cùng với những biểu tượng linh vật tượng trưng cho phẩm cấp quan lại phong kiến. Sự kết hợp của các trò diễn cho thấy sức sống mãnh liệt, dẻo dai của các trò diễn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đồng thời, khẳng định Thanh Hóa là một vùng đất giàu truyền thống, một kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, sống động, giàu màu sắc, biểu cảm và cũng đầy tính nghệ thuật của người dân các dân tộc Thái, Mường, Kinh.
Đặc biệt, Lễ hội Lam Kinh năm 2023 với chương trình sân khấu thực cảnh “Khởi nghĩa Lam Sơn – Dấu son rực rỡ” là sự kết hợp giữa cảnh dựng trước hiện trường với hình ảnh từ màn hình Led và hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại đã mang đến cho người xem xúc cảm ấn tượng, mới mẻ và chân thật, sinh động hơn về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh giặc Minh của Lê Lợi và nghĩa quân… Có thể nói, lễ hội Lam Kinh đã thực sự trở thành gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp cho lịch sử luôn sống mãi trong thế hệ mai sau. Đặc biệt, với một không gian văn hóa đặc sắc, cùng những ý nghĩa và giá trị vô giá, lễ hội Lam Kinh đã khẳng định vai trò quan trọng trong dòng chảy lịch sử, văn hóa.
Về Lam Sơn giữa tiết “trời đất giao hòa, Lam Kinh hội tụ” – hãy lắng lòng nghe âm hưởng hào hùng từ ngàn xưa vọng lại, để từ đó nhân lên niềm tự hào và khát vọng phát triển thịnh vượng cho quê hương, đất nước hôm nay…
Nhóm PV Thời sự