Thạch Bình (Thạch Thành) nằm ở hạ lưu sông Bưởi, là một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, đồng bào Mường, Kinh cùng sinh sống đoàn kết.
Đội văn nghệ thôn Bằng Lợi biểu diễn cồng chiêng trên vùng đất Mường Đủ. Ảnh: Ngọc Huấn
Trên đất Thạch Bình đã phát hiện thấy trống đồng thời Hùng Vương dựng nước. Đây cũng là nơi xuất phát của 2 thiên tình sử, truyện thơ nổi tiếng trong các xứ Mường là “Nàng Nga – Hai Mối, “Út Lót – Hồ Liêu”. Vùng đất Thạch Bình còn lưu giữ và truyền kể những huyền thoại về sự xuất hiện của dân tộc mình. Xưa kia người Mường Thạch Thành có 4 Mường lớn là Mường La Khươm (xã Thạch Sơn), Mường Ó (xã Thạch Đồng), Mường Đủ, Mường Già (Thạch Bình). Trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, Mường Đủ và Mường Già cùng một cành của cây si ngả xuống.
Kho tàng văn hóa dân gian của người Mường Đủ (Thạch Bình) rất phong phú với những truyện thơ, ca nổi tiếng; các loại hình như xường, mo, thường rang, bộ mẹng, hát đối, hát đúm, sắc bùa (séc bùa)… gắn liền với tâm thức của cư dân nông nghiệp. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, của thời gian và sự đổi mới của quê hương, đất nước nhưng người dân Mường Đủ vẫn gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó là tiếng cồng chiêng ngân vang gọi mùa xuân về.
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình Vũ Văn Đạo cho biết: Ở vùng đất Thạch Bình có 15 thôn, khu phố, trong đó có 3 thôn có đồng bào dân tộc Mường sinh sống đông nhất, đó là thôn Bằng Phú, Bằng Lợi (xưa kia gọi làng Trám, làng Loi) và thôn Châu Sơn. Hiện nay, tại các thôn, khu phố đều có đội văn nghệ mang đặc trưng riêng. Tại các thôn Bằng Phú, Bằng Lợi có đội văn nghệ, đội trống, đội cồng chiêng. Vừa qua, xã đã thành lập câu lạc bộ văn hóa dân gian thôn Long Phượng (làng Án Đủ). Hội viên câu lạc bộ là những công dân đang cư trú tại xã Thạch Bình. Câu lạc bộ là nơi tập hợp những người yêu thích tập luyện văn hóa – văn nghệ, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển văn hóa – văn nghệ, tham gia việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Về thôn Bằng Lợi – thôn có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, bí thư chi bộ, trưởng thôn Bùi Văn Tiệm cho biết: Hiện nay, thôn Bằng Lợi có tổng số 136 hộ, 642 nhân khẩu. Thôn đang xây dựng thôn NTM. Tiếng cồng chiêng là nét đẹp văn hóa, góp phần xây dựng đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mường. Hiện nay, thôn còn lưu giữ 14 chiếc cồng chiêng, kích cỡ to nhỏ, âm thanh khác nhau. Các thành viên trong đội văn nghệ có đủ lứa tuổi, già trẻ, trai gái. Người lớn tuổi truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Vào mỗi dịp văn hóa – văn nghệ của địa phương, của thôn, tiếng cồng chiêng là âm thanh quan trọng, không thể thiếu. Tiếng cồng chiêng cũng góp mặt trong lễ hội Mường Đủ tại đền Tam Thánh, đền Mẫu.
Biểu diễn cồng chiêng tại đền Tam Thánh.
Vùng đất Thạch Bình nổi tiếng với di tích đền Tam Thánh, đền Mẫu. Theo truyền thuyết, dân gian kể lại rằng, đền Tam Thánh thờ tín ngưỡng Thành hoàng hiện từ “Tản viên sơn thần”. Còn đền Mẫu thờ Thánh Mẫu “Thủy tinh công chúa, xích y chi thần” có tên húy “Nàng Nga”. Đền Mẫu thờ Nàng Nga, một người con gái bình thường trong Nhân dân Mường Đủ, nhưng có những phẩm chất đức hạnh cao quý, thủy chung trong tình yêu, dám hy sinh hạnh phúc của riêng mình để bảo vệ Nhân dân. Từ xưa, hai ngôi đền là nơi vui chơi, giao lưu văn hóa – nghệ thuật của Nhân dân trong làng và các làng xung quanh. Ngày nay, cứ đến ngày 12/2 âm lịch và ngày 15/3 âm lịch địa phương và Nhân dân lại tổ chức lễ hội truyền thống gắn với các hoạt động văn hóa – thể thao và quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh quê hương, con người Thạch Bình. Đền Tam Thánh và đền Thánh Mẫu đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh năm 2015.
Để hiểu hơn về văn hóa truyền thống của người dân Mường Đủ, chúng tôi đến thăm cụ Nguyễn Đình Yến (100 tuổi) ở thôn Long Phượng (làng Án Đổ). Cụ Yến là người am tường các nghi lễ tế chính ở lễ hội Mường Đủ tại đền Tam Thánh, đền Mẫu. Các ông Bùi Quý Tiên, Bùi Văn Hinh, dân tộc Mường, thôn Bằng Lợi, xã Thạch Bình là những người am hiểu về cồng chiêng và là thành viên đội văn nghệ thôn Bằng Lợi. Tiếng cồng chiêng của người Mường cất lên vào dịp lễ, tết, ngày hội… vang vọng khắp làng trên, bản dưới. “Boòng beng khùm”… tiếng cồng chiêng theo nhịp điệu, tạo nên sức mạnh đoàn kết. Tiếng cồng chiêng như “tiếng lòng” của người Mường, là âm thanh quan trọng, linh thiêng, đánh thức núi rừng, gợi sự no ấm, bình yên và hướng tới một ngày mai tốt đẹp. Cứ thế, tiếng cồng chiêng được truyền qua nhiều thế hệ, xua tan những điều dữ, mang lại điều lành, trở thành món ăn tinh thần của đồng bào Mường. Chính những âm thanh khi trầm bổng, khi hào hùng, sâu lắng, đã tạo nên nét riêng trong văn hóa của đồng bào dân tộc Mường.
Hiện nay tại các thôn trên địa bàn xã như Châu Sơn, Bằng Phú, Bằng Lợi còn rất nhiều hộ gia đình lưu giữ được trang phục truyền thống của người Mường (váy Mường). Khi biểu diễn cồng chiêng, bà con Mường Đủ mặc trang phục truyền thống của người Mường duyên dáng và ý nghĩa. Ngày nay, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang dần bị mai một do nhiều yếu tố, thì người dân Mường Đủ vẫn giữ gìn được tiếng cồng chiêng thật đáng quý biết bao.
Để tiếng cồng, tiếng chiêng “sống” mãi trong văn hóa người Mường, các chương trình văn hóa – văn nghệ của địa phương cần tăng cường biểu diễn cồng chiêng và bổ sung đạo cụ cho đội văn nghệ. Cùng với đó, mở thêm các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân giữ gìn văn hóa dân gian, giữ gìn tiếng cồng chiêng; đưa cồng chiêng vào dạy cho học sinh…
Bài và ảnh: Ngọc Huấn