Hoạt động văn hóa, văn nghệ không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần, mà còn góp phần đẩy lùi các hủ tục, thúc đẩy việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Chính vì vậy, thời gian qua các cấp, ngành, địa phương ở khu vực miền núi xứ Thanh đã và đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng các phong trào văn hóa, văn nghệ.
Đội nữ cồng chiêng huyện Ngọc Lặc tham gia khai mạc Lễ hội Lam Kinh năm 2023.
Trong ngôi nhà nghệ nhân ưu tú Phạm Vũ Vượng, thôn Thuận Hòa, xã Quang Trung (Ngọc Lặc) lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp bởi tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng hát, điệu múa của các thành viên trong câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân gian dân tộc Mường. Ông Vượng cho biết: “Là những người đam mê lời ca, tiếng hát nên chúng tôi đã cùng nhau thành lập CLB từ năm 2008. Đến nay, đã thu hút được 36 thành viên tham gia. Trải qua quá trình hoạt động, dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí, đạo cụ biểu diễn… nhưng chúng tôi đã động viên nhau cùng cố gắng khắc phục, duy trì và hoạt động ngày càng hiệu quả. Trong suốt những năm qua, CLB không chỉ mang giá trị văn hóa của dân tộc Mường đi quảng bá khắp mọi nơi, mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho bà con nhân dân. Đặc biệt với người dân trong xã Quang Trung, văn nghệ đã thấm sâu vào tâm thức.
Như để minh chứng cho lời nói, ông Vượng liền lấy cồng chiêng ra biểu diễn. Nghe tiếng cồng chiêng ngân vang, dân làng kéo đến nhà ông ngày một đông. Bà Quách Thị Hải, người trong thôn cho hay: “Đối với người dân chúng tôi, văn nghệ là món ăn tinh thần không thể thiếu. Mỗi khi CLB tập luyện, dù bận công việc đến mấy chúng tôi cũng phải đến xem, cổ vũ. Và có lẽ cũng từ đam mê đi xem mà nhiều người đã gia nhập và trở thành những hạt nhân của CLB. Mong rằng, các cấp, ngành tiếp tục tạo điều kiện, tổ chức các cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ để CLB ngày càng phát triển và để người dân chúng tôi có thêm cơ hội được giao lưu, tăng thêm tình đoàn kết”.
Ông Phạm Đình Cường, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ngọc Lặc, cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 213 đội văn nghệ và 2 CLB hoạt động thường xuyên, đó là CLB văn hóa làng Lập Thắng (xã Thạch Lập) và CLB văn hóa dân gian dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc. Thông qua các hoạt động văn nghệ, bản sắc văn hóa của các dân tộc trong huyện ngày càng được bảo tồn, phát huy mạnh mẽ, góp phần tạo không khí vui tươi, lành mạnh, tăng cường tình đoàn kết trong Nhân dân. Bởi vậy, hằng năm huyện đều chỉ đạo các xã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ dịp lễ, tết, khuyến khích các đội văn nghệ, các CLB tổ chức hoạt động giao lưu, biểu diễn phục vụ Nhân dân. Quan tâm tạo điều kiện để các nghệ nhân, những người am hiểu văn hóa, văn nghệ dân gian truyền dạy lại cho lớp trẻ…
Tại huyện Như Xuân, hiện có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống đó là Thái, Thổ, Mường, Kinh. Đến nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc còn được gìn giữ như múa cá sa, khua luống, hát khặp, nhảy sạp, tung còn của đồng bào dân tộc Thái; hát đốm, hát ru, múa hát trống chiêng của đồng bào dân tộc Thổ; hát xường, hát giao duyên của đồng bào dân tộc Mường… Bên cạnh đó, còn có nhiều lễ hội đặc sắc được bảo tồn và tổ chức hàng năm như, lễ hội Đình Thi, lễ hội dâng trâu tế trời gắn với đền Chín Gian, lễ cúng cơm mới… Theo thống kê, toàn huyện có khoảng 55 CLB văn hóa, thể dục thể thao cấp xã đang hoạt động hiệu quả. Những năm qua, huyện đều tổ chức tốt các phong trào văn nghệ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân. Các địa phương trong huyện cũng quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, hỗ trợ loa đài, trang phục, tổ chức các hội thi, hội diễn, đi giao lưu văn hóa, văn nghệ…
Chia sẻ về hoạt động văn hóa, văn nghệ của các huyện miền núi, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Thanh Hóa Nguyễn Thị Mai Hương cho biết: Các đội, CLB văn nghệ tại các huyện miền núi trong tỉnh góp phần rất lớn trong việc nâng cao đời sống tinh thần, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Thời gian qua, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh Thanh Hóa không ngừng nỗ lực để đưa hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các huyện miền núi ngày càng đi vào chiều sâu, thu hút đông đảo người dân tham gia. Tính trong 6 tháng đầu năm 2023, trung tâm đã mở 2 lớp tập huấn thuộc Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2030” tại huyện Cẩm Thủy, Bá Thước; 4 lớp tập huấn thuộc “Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa năm 2023” tại các huyện Như Thanh, Thường Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành; 2 dự án thuộc Kế hoạch số 214/KH-UBND, ngày 29-8-2022 của UBND tỉnh thực hiện Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc tỉnh Thanh Hóa” tại huyện Lang Chánh, Ngọc Lặc. Thông qua các lớp tập huấn, đơn vị đã hướng dẫn chỉ đạo cơ sở thành lập các CLB, tổ, đội, nhóm văn nghệ, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể ngày một tốt hơn, đồng thời đưa văn hóa thành sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.
Song, do đặc thù là miền núi, nên hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng có nhiều khó khăn nhất định, đặc biệt là tại một số địa phương chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia; nguồn kinh phí dành cho hoạt động văn hóa, văn nghệ còn khó khăn nên chưa tổ chức được đa dạng các hoạt động; hệ thống các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa còn hạn chế, thiếu đồng bộ; chưa khai thác các tiềm năng, lợi thế của văn hóa phục vụ phát triển du lịch… Vì vậy, để đưa phong trào văn hóa, văn nghệ ngày càng thấm sâu vào đời sống, có lẽ cần hơn nữa những cách làm mới trong việc tạo dựng môi trường hoạt động, thêm đất diễn để khuyến khích quần chúng tham gia hưởng ứng. Và hơn hết là cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, cả cộng đồng cùng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, phải gắn phong trào văn hóa, văn nghệ với phát triển du lịch của địa phương…
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt