Rất nhiều di tích, danh thắng bị tô vẽ và sử dụng vào mục đích thương mại quá mức thời gian qua gây bức xúc trong Nhân dân. Thế nhưng trớ trêu thay, khi bị phát hiện thì cơ bản những người trực tiếp quản lý đều trả lời đại ý rằng do họ yêu quý di sản. Việc họ làm đều xuất phát từ lòng thành muốn báo đáp tiền nhân.
Ảnh minh họa.
Chúng ta đều biết, di sản văn hóa chỉ tồn tại và phát huy giá trị khi nhận được sự yêu quý, trân trọng và biết ơn của hậu thế. Nhưng di sản khác những loại hình khác, nên có “yêu” cũng cần thể hiện tình yêu đúng cách. Yêu quá rất có thể lại trở thành người phá hoại di sản. Bởi, với những công trình dân dụng nếu sáng tạo có quá tay, cùng lắm thì đập đi làm lại. Còn với di sản văn hóa thì hoàn toàn không.
Với di sản, tính nguyên bản càng cao thì chuyển tải thông điệp càng rõ, giá trị càng lớn. Thế nhưng, trong công tác bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa gần đây ở nhiều nơi thay cho bảo tồn tính nguyên gốc, áp dụng các biện pháp khoa học và trình tự pháp lý, thì nhiều người lại tự tiện thay đổi các hạng mục theo ý chí của mình, làm cho di sản biến dạng. Hành vi này không chỉ cần lên án nghiêm khắc, mà nếu ở mức độ nghiêm trọng thì phải bị pháp luật nghiêm trị. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa lâu nay cơ bản còn mang tính hành chính, chưa có nhiều vụ việc bị xử lý hình sự nên tính răn đe, giáo dục chưa cao.
Di sản văn hóa cần phải được bảo tồn, phát huy giá trị theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, hướng tới lợi ích chung của quốc gia và nhân loại, chứ không phục vụ lợi ích riêng của một người, một nhóm người, để có thể tùy tiện đưa ý chí cá nhân vào. Nói cách khác, di sản văn hóa là tài sản quốc gia, mang tính cộng đồng rất cao. Và khi đã xác định di sản văn hóa thuộc về cộng đồng, thì ngoài việc hỗ trợ, chung tay bảo tồn, phát huy giá trị, các cá nhân trong cộng đồng nơi có di sản văn hóa còn phải tăng cường giám sát. Mỗi người dân phải có trách nhiệm với di sản như một sự biết ơn đối với quá khứ, cũng như thể hiện trách nhiệm với pháp luật, thấy sai phải lên án, tố giác, chứ không lãng tránh, thậm chí a dua dẫn đến khi cơ quan quản lý văn hóa biết thì đã muộn.
Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) năm nay, thông qua các hoạt động tuyên tryền, thêm lần nữa mong rằng mỗi người phải nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của di sản văn hóa đối với đời sống hiện tại cũng như sự biết ơn đối với quá khứ và trách nhiệm đối với hậu thế, để ứng xử đúng cách hơn.
Thái Minh