Thanh Hóa là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Nhằm khai thai tiềm năng, thế mạnh, những năm qua các ban, sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện, trường… đã triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) nhằm nâng cao giá trị sản phẩm lợi thế của địa phương.
Mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học tại xã Thọ Sơn (Triệu Sơn).
Cùng với việc đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ luôn được Khoa Nông – Lâm – Ngư nghiệp (Trường Đại học Hồng Đức) xem là thế mạnh và chú trọng phát triển. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, môi trường, phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị… Đến nay, cán bộ, giảng viên của khoa đã chủ trì thực hiện thành công 2 dự án quốc tế, 4 đề tài/dự án cấp Nhà nước, 12 đề tài/dự án cấp bộ, trên 30 đề tài cấp tỉnh và tương đương, gần 60 đề tài cấp cơ sở… Trong đó, nhiều đề tài/dự án đã có sản phẩm được ứng dụng vào đời sống thực tiễn sản xuất và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đất nước, tiêu biểu như: Giống lúa Hồng Đức 9, Giống ngô lai QT55, chế phẩm Tricho-HDU… đã và đang được chuyển giao vào thực tiễn đời sống sản xuất cho các địa phương trên địa bàn tỉnh và trong cả nước…; các đề tài: “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các vùng đồi núi Bắc Trung bộ thích ứng với biến đổi khí hậu”; “Nghiên cứu giải pháp tổng hợp để phục hồi và phát triển bền vững rừng phòng hộ ven biển tỉnh Thanh Hóa”; “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá trắm đen, cá bống và cá chép V1 trong lồng theo chuỗi giá trị tại các hồ chứa thủy lợi tỉnh Thanh Hóa”; “Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phụ phẩm cây mía trong sản xuất theo hướng hữu cơ vùng mía nguyên liệu Bắc Trung bộ”… đã và đang được ứng dụng, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn trong đời sống và sản xuất.
Viện Nông nghiệp Thanh Hóa cũng có nhiều đóng góp trong nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án góp phần phục vụ phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Hiện viện đã làm chủ 28 quy trình công nghệ, trong đó: Lĩnh vực trồng trọt 6 quy trình; thủy sản 4 quy trình; chăn nuôi 4 quy trình; lĩnh vực công nghệ sinh học 15 quy trình. Từ năm 2022 đến nay, viện đã tổ chức thực hiện 27 nhiệm vụ KH&CN các cấp, trong đó cấp Nhà nước, cấp bộ 2 nhiệm vụ (chuyển tiếp); cấp tỉnh 10 nhiệm vụ (đã nghiệm thu 2 nhiệm vụ); 1 nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; 1 nhiệm vụ thuộc dự án khuyến nông; 8 nhiệm vụ cấp cơ sở và 5 nhiệm vụ đề xuất được phê duyệt thực hiện năm 2023 (trong đó, cấp Nhà nước, cấp bộ 1 nhiệm vụ; cấp tỉnh 4 nhiệm vụ)… Qua đó, đã chọn tạo, bảo tồn và lưu giữ các giống cây trồng, vật nuôi bảo đảm chất lượng, góp phần đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất đại trà. Các nhiệm vụ đặc thù, nhiệm vụ đặt hàng được thực hiện đúng tiến độ, sản phẩm đầu ra được nghiệm thu đạt yêu cầu.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định các giải pháp chủ yếu trong 5 năm tới, trong đó tập trung xây dựng và phát triển “5 trụ cột tăng trưởng” và nông nghiệp được xác định là một trong số đó với những giải pháp quan trọng được đề ra là: Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững gắn với XDNTM; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thông minh để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; hình thành và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ…
Để làm được điều đó, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy hoạt động KH&CN trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và đạt nhiều kết quả tích cực. Điều này được minh chứng khi tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước đạt gần 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Hầu hết các mô hình nông nghiệp ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp đều đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, với lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm đối với mô hình trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường; chăn nuôi lợi nhuận bình quân đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/trang trại/năm, gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống; thủy sản lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng/ha/năm. Điều đáng nói là có tới 80% mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 20% mô hình còn lại có thị trường tiêu thụ ổn định…
Mặc dù KH&CN được coi là yếu tố “then chốt” trong tổ chức và sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tuy nhiên việc nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào sản xuất còn nhiều bất cập. Chất lượng nguồn nhân lực KH&CN chưa cao, nhất là về máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phụ trợ phải nhập khẩu nhiều. Quy mô ứng dụng KH&CN vào sản xuất trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế về phát triển nông nghiệp của tỉnh nhà…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, theo PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa: Thời gian tới cần xây dựng đội ngũ chuyên gia có uy tín của tỉnh trên các lĩnh vực để làm công tác tư vấn, tham mưu và tổ chức thực hiện các đề tài, dự án về KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp… nói riêng. Liên kết với các trường đại học, cao đẳng các viện nghiên cứu đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu bổ sung những tri thức mới cho đội ngũ trí thức trẻ. Kết hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia nhiều kinh nghiệm với các trí thức trẻ và nông dân có kinh nghiệm sản xuất hăng hái áp dụng khoa học – kỹ thuật để triển khai thực hiện đề tài, dự án. Đặc biệt, cần có chính sách và cơ chế cụ thể trong liên kết 4 nhà (Nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà nông – nhà khoa học), hỗ trợ địa phương hoặc doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp là thế mạnh của địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường phổ biến kết quả nghiên cứu, ứng dụng để các tập thể, cá nhân chủ động ứng dụng vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Trường Giang