Trong thời đại 4.0, chuyển đổi số (CĐS) đang là xu hướng tất yếu và điều kiện quan trọng đối với tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Các chuyên gia giao lưu với đoàn viên, thanh niên Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh về chủ đề “Góc nhìn của khách hàng trong chuyển đổi số”.
Hiện nay, với ứng dụng các nền tảng số, việc quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng ngày càng dễ dàng hơn, tiện ích hơn. Ngoài việc chủ thể lập các điểm bán hàng trên facebook, zalo… thì có thể tham gia vào các hội, nhóm, sàn thương mại điện tử. Đây cũng là những địa chỉ uy tín, được vận hành khoa học, hỗ trợ rất nhiều cho chủ thể để có thể đứng vững trên thị trường.
Là người trẻ biết tận dụng sự ưu việt của nền tảng số, chị Nguyễn Thị Dung, có địa chỉ facebook “Đoàn Dung” đã và đang thu hút lượng lớn người theo dõi và tương tác, kết bạn. Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Dung, với đam mê thời trang và ý tưởng táo bạo, từ tháng 10-2020, chị đã xây dựng kế hoạch, tìm kiếm nguồn nguyên liệu và nâng cao khả năng của bản thân để từng bước cải tiến, sản xuất ra những chiếc áo đoàn có chất liệu tốt, kiểu dáng phù hợp với xu hướng thời trang công sở. Tận dụng lợi thế của mạng xã hội, trên trang
facebook cá nhân và tham gia các hội, nhóm mạng xã hội, chị đã đăng tải, quảng bá các sản phẩm từ thiết kế áo đoàn với nhiều mẫu mã phong phú, đa dạng. Qua đó, nhận được rất nhiều lượt like, comment đặt hàng trực tuyến.
Đến nay, sau hơn 2 năm nỗ lực, Nguyễn Thị Dung đã khẳng định tên tuổi ở những sản phẩm mang màu sắc đoàn, như: “Áo lụa đoàn”, “Áo dài đoàn”, “Áo vest đoàn”, “Áo ghile đoàn”, “Áo đoàn thêu tên”… Đồng thời, nhãn hiệu “Đoàn Mode – Thời trang công sở cán bộ đoàn – hội” đã được đông đảo cán bộ đoàn trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Hiện tại doanh thu từ nhãn hiệu “Đoàn Mode – Thời trang công sở cán bộ đoàn – hội” của chị Dung đạt bình quân 400 – 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 3 lao động, với mức thu nhập bình quân 4 – 5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ dừng lại ở thiết kế thời trang công sở dành cho cán bộ đoàn, chị Dung cho biết, trong thời gian tới, chị sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm, mở rộng khách hàng là cán bộ các tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội khác, nhất là mở rộng thị trường tham gia các sàn thương mại điện tử. Bởi theo chị Dung, nếu không thay đổi và nắm bắt kịp thời xu hướng công nghệ, doanh nghiệp, dù ở quy mô nào, sẽ khó tồn tại và phát triển bền vững. Quá trình CĐS sẽ giúp doanh nghiệp thành công nếu tìm được hướng đi đúng và nền tảng công nghệ phù hợp.
Có thể thấy, lợi ích của CĐS đối với doanh nghiệp chính là mở rộng khách hàng và thị trường tiềm năng nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và sản xuất; gia tăng trải nghiệm khách hàng; sáng tạo các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu; tối ưu chi phí vận hành, chi phí nhân sự. Bởi vậy, “Là những người trẻ hãy mạnh dạn dấn thân và sẵn sàng đón nhận những điều mới” – đó cũng chính là tinh thần và thông điệp của phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp CĐS của tuổi trẻ Thanh Hóa hiện nay.
Theo thống kê, trên địa bàn hiện có 1.500 thanh niên được hỗ trợ khởi nghiệp; 160 mô hình khởi nghiệp do bí thư chi đoàn làm chủ; hơn 400 mô hình, sản phẩm mới, sáng tạo được triển khai… Có thể thấy phong trào khởi nghiệp trong thanh niên đang diễn ra khá sôi nổi. Nhằm tiếp tục tạo cơ chế và đồng hành cùng hành trình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên xứ Thanh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, xác định rất rõ CĐS là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trên môi trường số.
Bám sát thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh đoàn đã làm tốt công tác hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế và khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc triển khai cuộc thi “Dự án khởi nghiệp”; hỗ trợ đoàn viên, thanh niên triển khai thực hiện hóa các ý tưởng, sáng kiến, dự án khởi nghiệp sáng tạo; tập huấn kiến thức về khởi nghiệp, phát triển kinh tế cho thanh niên.
Các huyện, thị xã, thành đoàn quan tâm thực hiện các giải pháp để hỗ trợ thanh niên trong việc tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra cho các sản phẩm thông qua các hoạt động, như: Đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, kết nối, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm do thanh niên sản xuất; hỗ trợ, tư vấn thanh niên trong việc xây dựng các sản phẩm OCOP. Xây dựng cổng giới thiệu các sản phẩm đặc sản của Thanh Hóa ứng dụng công nghệ 4.0. Đồng thời, tham mưu, đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ thanh niên tỉnh Thanh Hóa khởi nghiệp giai đoạn 2023-2030; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đề xuất UBND tỉnh sửa đổi quy chế quỹ tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cho thanh niên.
Bài và ảnh: Phương Lệ