Để nâng cao năng suất cây trồng và giảm chi phí sản xuất, thời gian qua, nhiều hộ nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. Đây được đánh giá là xu hướng phát triển mới và đem lại nhiều hiệu quả. Các mô hình trồng cây sẽ được áp dụng quy trình kỹ thuật và thiết bị tiên tiến để tưới theo phương pháp nhỏ giọt, phun mưa, tưới ngầm… nhằm tiết kiệm nước, giảm nhân công và bảo đảm cấp nước theo nhu cầu của cây trồng phù hợp trong từng giai đoạn sinh trưởng.
Khu nhà màng, nhà lưới được ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel của gia đình ông Trần Văn Thảo, xã Quảng Hợp (Quảng Xương).
Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của ông Trần Văn Thảo, xã Quảng Hợp (Quảng Xương) là một điển hình trong đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp. Trong 20.000m2 chuồng trại, gia đình ông cho xây lắp hơn 8.000m2 nhà lưới dành cho trồng rau sạch và dưa Kim Hoàng Hậu. Để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, gia đình ông Thảo đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là việc lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel với chi phí hơn 100 triệu đồng. Hệ thống được phủ rộng khắp diện tích cây ăn trái của gia đình. Ông Thảo cho biết: Sau khi lắp đặt, chỉ cần mở van, hệ thống tự động sẽ tưới đồng loạt quanh gốc cây ăn trái với giọt phun rất nhỏ đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nước tưới. Thời gian tưới nhanh hơn so với cách truyền thống. Với diện tích vườn hiện tại của gia đình, ông chỉ cần 1 đến 2 người là có thể vừa chạy máy bơm nước, vừa bón phân, mỗi lần chỉ mất 3 – 4 giờ, trong khi trước đây phải mất từ 1 – 2 ngày mới làm xong. Theo ông Thảo, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm còn giúp dễ dàng điều chỉnh vùng tưới, lượng nước, thời gian tưới theo từng thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây. Đồng thời, cũng có thể dễ dàng hòa lẫn các loại phân bón nhờ hệ thống ống dẫn thông qua bồn pha chế gắn tại van điều chỉnh tổng nên cây hấp thụ tốt hơn và năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách tưới truyền thống.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Quảng Xương đã có 53.500m2 nhà lưới áp dụng công nghệ tưới tiên tiến. Khi áp dụng hệ thống tưới này các hộ dân vừa tiết kiệm nước và vừa giảm được áp lực về điện. Cụ thể, vào bất cứ khi nào điện ổn định thì các nhà vườn vẫn có thể chủ động về thời gian tưới. Ngoài ra, nếu như trước kia vào mùa nắng nóng, nông dân phải canh trời mưa, không thể bỏ phân dẫn đến hiệu quả rửa trôi thấp thì hiện nay hiệu quả hấp thu phân bón đã lên tới 80% sau khi áp dụng công nghệ tưới tiên tiến. Nhờ đó, năng suất, chất lượng rau, củ, quả trên địa bàn tăng lên rõ rệt; thu nhập người dân cũng được nâng cao, trung bình từ 350 – 400 triệu đồng/ha năm.
Trên địa bàn huyện Yên Định hiện nay cũng đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả áp dụng tưới phun mưa tại xã Yên Trung, quy mô 12 ha; mô hình trồng cây ăn quả áp dụng tưới nhỏ giọt tại các xã Yên Thọ, Định Bình, quy mô 7 ha; ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới vào sản xuất rau an toàn tại các xã: Định Bình, Yên Thọ, Yên Trường; sản xuất mạ khay tại xã Định Hưng…
Cùng với mục đích giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, tại HTX dịch vụ và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Định Hòa cũng đã áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho hơn 1.000m2 diện tích dưa vàng. Hệ thống này sẽ cung cấp nguồn nước, phân bón cho cây thông qua hệ thống lọc nước và van hồi nước. Với chế độ phun sương nhẹ có chức năng rửa lá, không làm tổn thương lá, không tràn trên luống nhiều, tạo khí hậu thích hợp cho cây nên hạn chế được tối đa sự phát triển và lây lan của sinh vật gây hại… Nhờ đó, chất lượng dưa vàng sau khi thu hoạch tươi tốt, được nhiều thương lái trong tỉnh đặt hàng. Hiện mỗi 1 cân dưa vàng, HTX xuất bán có giá từ 28.000 – 30.000 đồng.
Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 3.600 ha cây trồng đã được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm. Trong đó, tưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Isarel chiếm gần 64% diện tích. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp tăng năng suất cây trồng trung bình từ 10 – 30%, giảm 20 – 50% chi phí công lao động, tiết kiệm từ 20 – 40% lượng nước so với phương thức tưới truyền thống. Ngoài tưới nước, việc bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Isarel còn giúp giảm từ 10 đến 30% lượng phân bón, hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường trong quá trình canh tác. Đồng thời, thu nhập của người dân, doanh nghiệp cũng tăng 10% – 50% so với không áp dụng công nghệ… Song để phát huy được hiệu quả và nhân rộng mô hình, các địa phương và ngành nông nghiệp cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ. Điển hình như đẩy mạnh tích tụ ruộng đất tạo quy mô diện tích sản xuất lớn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho từng loại cây trồng…
Bài và ảnh: Chi Phạm