Xác định phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (CNC) là hướng đi tất yếu cả trước mắt và lâu dài, huyện Yên Định đã và đang tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, chú trọng thực hiện có hiệu quả việc tích tụ, tập trung đất đai, hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng khoa học – kỹ thuật và sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC… Tích cực thực hiện chuyển giao các quy trình canh tác tiên tiến, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước trong sản xuất cây ăn quả.
Mô hình trồng bưởi theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ cao tại xã Yên Lạc.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã tích tụ được 250 ha để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC, bằng 71,43% kế hoạch năm, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ. Nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng được người dân đầu tư sản xuất ứng dụng CNC như việc hình thành và phát triển mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới tại xã Định Tân, Định Tường; trồng ngô biến đổi gen 6919S tại xã Định Hải; mô hình tưới tiết kiệm tại xã Yên Bái, Yên Phong… Hay thực hiện thử nghiệm 17 mô hình khảo nghiệm cho hiệu quả kinh tế cao như trồng ngô biến đổi gen 4.300 BT/GT tại xã Quý Lộc, Yên Trường; khảo nghiệm phân bón Sông Gianh trên cây ớt xuất khẩu tại xã Định Bình, Định Long… Hầu hết các mô hình đều phát huy hiệu quả mang lại thu nhập cao cho người dân, giá trị sản xuất tăng từ 2 đến 3 lần/ha. Ngoài ra, huyện còn áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống lúa các loại với quy mô trên 1.600 ha. Trong đó, sản xuất giống lúa lai F1 đạt 365,1 ha, sản xuất giống lúa thuần đạt 1.300 ha. Đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất với quy mô 300 máy gặt đập liên hoàn, 70 máy cấy, 7 tổ hợp sấy hạt giống và 6 tổ hợp máy gieo mạ khay tự động.
Trong chăn nuôi, huyện cũng đã chú trọng phát triển theo hướng trang trại, gia trại khép kín, sử dụng nền đệm lót sinh học bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm. Thực hiện chương trình sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn, những năm gần đây, huyện cũng đã cấp phát 6.400 liều tinh bò, 200 liều tinh trâu, 6.000 liều tinh lợn bảo đảm chất lượng. Nhằm bảo đảm hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng CNC, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng của huyện Yên Định luôn quan tâm và chú trọng công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho cán bộ, người dân. Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện đã tổ chức được trên 100 lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản, cây có múi, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây có giá trị kinh tế cao như ớt, ngô ngọt, kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… với gần 10.000 lượt người tham gia.
Ông Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định, cho biết: Hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn huyện đã và đang phát huy hiệu quả, có khả năng nhân rộng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa. Để tiếp tục phát triển, nhân rộng, huyện Yên Định đang tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, quy mô lớn như sản xuất trong nhà lưới, nhà màng; đấu mối với các vụ, viện, ngành chức năng lựa chọn đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm an toàn nhằm nâng cao giá trị hàng hóa, thu nhập cho người dân.
Bài và ảnh: Chi Phạm