Ngày 31/7, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 7/2024 nghe báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 7; thảo luận, quyết định các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế – xã hội tháng 8/2024 và một số nội dung quan trọng khác. Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.
Dự phiên họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
Các đại biểu dự phiên họp.
Phát huy đà tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 của tỉnh tiếp tục phát triển, nhiều lĩnh vực tăng khá so với cùng kỳ. Trong đó nổi bật là sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, không có dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi. Công tác quản lý khai thác, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn cho người, tàu cá hoạt động trên biển được tăng cường; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 19.304 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Công tác phòng, chống thiên tai được thực hiện nghiêm theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được quan tâm thực hiện; trong tháng có thêm 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã, 6 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 18 sản phẩm OCOP.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Trọng Trang trình bày báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 7/2024.
Lĩnh vực công nghiệp – xây dựng tiếp tục khởi sắc, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 18,4% so với cùng kỳ. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng được quan tâm. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tháng 7 ước đạt 17.131 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng mạnh; giá trị xuất khẩu tháng 7 ước đạt 548,7 triệu USD, tăng 17,2%; giá trị nhập khẩu ước đạt 869,1 triệu USD, tăng 24,1%.
Hoạt động du lịch diễn ra sôi động. Công viên nước SunWorld Sầm Sơn khai trương, đi vào hoạt động là một trong những “điểm nhấn” góp phần thu hút đông đảo khách du lịch đến với Thanh Hóa. Qua thống kê, tổng lượt khách du lịch tháng 7 ước đạt 3.120 nghìn lượt khách (trong đó khách quốc tế ước đạt 138,4 nghìn lượt khách), tăng 37,1% so với cùng kỳ; tổng thu du lịch ước đạt 8.015 tỷ đồng, tăng 63,7%.
Thu ngân sách nhà nước tháng 7 ước đạt 3.589 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cùng kỳ; lũy kế 7 tháng năm 2024 ước đạt 33.259 tỷ đồng, bằng 93,5% so với dự toán và tăng 40% so với cùng kỳ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường phát biểu tại phiên họp.
Giám đốc Sở Xây dựng Phan Lê Quang phát biểu tại phiên họp.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Thức phát biểu tại phiên họp.
Chất lượng hoạt động văn hóa – xã hội được nâng lên. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỉnh Thanh Hóa là địa phương có số điểm 10 cao nhất cả nước, điểm thi trung bình tăng 3 bậc so với năm 2023; có 1 thủ khoa toàn quốc (khối C00), 1 học sinh đoạt huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế. Câu lạc bộ Bóng đá Đông Á Thanh Hóa bảo vệ thành công danh hiệu vô địch Cúp Quốc gia năm 2024. Các chế độ, chính sách an sinh xã hội, hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa được thực hiện đầy đủ, kịp thời. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo đánh giá tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 cho biết vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Tiến độ thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi giai đoạn 2021-2025 và một số dự án đầu tư lớn, trọng điểm chưa đảm bảo yêu cầu. Nhiều dự án đã triển khai trong thời gian dài nhưng tiến độ thực hiện rất chậm; một số chủ đầu tư có kết quả giải ngân thấp. Hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 28,3%, số doanh nghiệp đã giải thể tăng 12,5%.
Chất lượng tham mưu, giải quyết một số công việc của một số cơ quan, đơn vị có lúc còn chậm, chưa đảm bảo; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả lãnh đạo quản lý và người đứng đầu làm việc cầm chừng hoặc né tránh, không nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật để thực hiện, dẫn đến còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm…
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Sỹ Nghiêm phát biểu tại phiên họp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại phiên họp.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được, phân tích những tồn tại, hạn chế, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra giải pháp thực hiện nhiệm vụ tháng 8 và những tháng cuối năm 2024. Trong đó, các ý kiến tập trung vào các vấn đề liên quan đến hoạt động thu ngân sách nhà nước; việc bảo đảm an toàn sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân trong mùa mưa bão; công tác xây dựng các công trình, dự án trước diễn biến và tác động của thiên tai; công tác chuẩn bị năm học mới 2024-2025; hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân…
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Mặc dù phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức, song kinh tế – xã hội của tỉnh trong tháng 7 tiếp tục có bước phát triển. Hầu hết các lĩnh vực, ngành tăng trưởng tốt; một số ngành đang gặp khó như giày da, sắt thép, xi măng cũng có tốc độ phục hồi tốt. Đây là kết quả hết sức đáng mừng, cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giảm đáng kể.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh một số tồn tại, hạn chế và yêu cầu các cấp, ngành tập trung khắc phục sớm như tình hình tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và số người chết; tiến độ xây dựng nhà ở xã hội chậm so với yêu cầu và chỉ tiêu đặt ra…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nêu rõ: Các ngành, địa phương không chủ quan, thỏa mãn với những gì đã đạt được. Cần phải tích cực, chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trên tinh thần “Một cuộc chiến phải thắng tất cả các trận chiến”.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, tháng 8 là tháng cao điểm của mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh với những yếu tố khách quan khó lường. Do vậy các ngành, địa phương phải chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, chuẩn bị tốt các điều kiện nhằm ứng phó kịp thời với những tình huống có thể xảy ra. Đề nghị ngành chức năng đánh giá cụ thể và nêu rõ nhiệm vụ này trong báo cáo thường kỳ, kể cả khâu phòng, chống và khắc phục.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp.
Liên quan đến nhiệm vụ triển khai các luật, nghị định mới có hiệu lực từ tháng 8/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh kế hoạch triển khai, quán triệt, học tập, truyên truyền, phổ biến pháp luật để sớm đưa các luật, nghị định vào cuộc sống.
Trên cơ sở đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành chức năng tham mưu đề xuất với Trung ương bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn tới.
Các đơn vị, ngành chức năng tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khởi công dự án Trung tâm thương mại AEON (TP Thanh Hóa) và thông xe kỹ thuật cầu Xuân Quang vượt sông Mã thuộc Dự án tuyến đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Xuân (Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (Thiệu Hóa) nhằm thiết thực chào mừng Quốc khánh 2/9. Cùng với đó, khẩn trương rà soát, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Điện khí LNG Nghi Sơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn lưu ý các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ vào nhiệm vụ, lĩnh vực, ngành phụ trách, chủ động rà soát lại công việc, đốc thúc triển khai các phần việc theo đúng tiến độ đề ra.
Tại phiên họp các đại biểu đã thảo luận cho ý kiến đối với Tờ trình về việc ban hành quy định giao quản lý xe ô tô phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh thuộc tỉnh Thanh Hóa; Tờ trình về việc ban hành quy định khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung khi đi công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thanh Hóa; Tờ trình về việc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thanh Hóa; Tờ trình về việc đề nghị chấp thuận nhiệm vụ xây dựng Nghị quyết thông qua về số lượng xe ô tô bán tải, xe ô tô từ 12-16 chỗ ngồi phục vụ công tác chung của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thanh Hóa để thực hiện quy định tại khoản 5, Điều 8, Nghị định số 72/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Phiên họp cũng thảo luận cho ý kiến vào Dự thảo báo cáo sơ kết 3 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa và một số nội dung quan trọng khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh tặng hoa chúc mừng các đồng chí hoàn thành công tác, về nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Ngay sau khi kết thúc các nội dung phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh đã gặp mặt, tặng hoa và gửi lời chúc sức khỏe đến các đồng chí: Lê Văn Diện, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Phạm Bá Oai, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Công Thương; Mai Sỹ Diến, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Chánh Thanh tra tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiêm vụ về nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
Phong Sắc
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ubnd-tinh-danh-gia-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-thang-7-nhiem-vu-trong-tam-thang-8-2024-220900.htm