Nếu nghĩa quân Lam Sơn có 10 năm ròng rã chiến đấu gian khổ để giành thắng lợi, thì tướng quân Lê Thành có hơn 9 năm kề cận bên minh chủ Lê Lợi. Ông chính là 1 trong 94 người được Bình Định vương Lê Lợi ban quốc tính.
Đền thờ tướng công Lê Thành (phường Đông Cương, TP Thanh Hóa). Ảnh: Kiều Huyền
Tham gia nghĩa quân Lam Sơn từ năm 1418, Lê Thành (vốn họ Đỗ) đã sớm thể hiện là một bậc trung thần. Công lao của Lê Thành trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được bắt đầu từ sự kiện Lê Lai quên mình cứu minh chủ ở núi Pù Rinh (Lang Chánh ngày nay) – Lê Thành tận dụng cơ hội vòng vây hãm của địch lơi lỏng, đã cùng các tướng sĩ đưa Lê Lợi về động Mường Khao, rồi đánh ra Mường Yên (phía Tây núi Chí Linh) và Mường Mọt (Thường Xuân). Nhờ thế nghĩa quân không chỉ bảo toàn lực lượng và bảo vệ bình an cho Lê Lợi mà còn giết được rất nhiều giặc. Sau sự kiện này, Lê Lợi đã tự tay viết 6 chữ son ban cho tướng công Lê Thành là “Lũng Nhai khai quốc công thần”.
Năm Kỷ Hợi (1419) Bình Định vương Lê Lợi cùng các tướng lĩnh, trong đó có Lê Thành đánh quân Minh ở đồn Nga Lặc (gần xã Lam Sơn, thuộc Bái Thượng ngày nay) bắt được viên thổ quan chỉ huy là tướng Nguyễn Sao và chém được hơn ba trăm thủ cấp. Tướng công Lê Thành được ban thưởng, phong làm “Trung nghị đại phu, thiêm Tước Bá”.
Năm Canh Tý (1420), Lê Lợi cùng các tướng sĩ mai phục ở bến Bổng (thuộc thượng lưu sông Chu), chém giết được nhiều giặc. Sau đó, Lê Lợi cho lui quân về Mường Nanh (thuộc Lang Chánh), rồi lại dời quân đến Mường Thôi (giáp Lào) để bảo toàn và bổ sung lực lượng cho nghĩa quân Lam Sơn.
Mùa đông năm Tân Sửu (1421) tướng giặc là Trần Trí đem hơn 10 vạn quân Minh đánh vào ải Kình Lộng (tức là ải Cổ Lũng, thuộc huyện Cẩm Thủy ngày nay) và sách Bá Lẫm (thuộc vùng Chiềng Lâm, xã Điền Lư, huyện Bá Thước), Lê Lợi đích thân đốc quân, tướng công Lê Thành vâng mệnh vua cùng các tướng lĩnh đem quân chặn đánh địch tại Đèo Ống (huyện Bá Thước), quân địch thua to, Trần Trí bỏ chạy. Khi xét công, Lê Thành tiếp tục được ban thưởng, thăng chức “Thự vệ tướng quân”.
Tháng 12-1422 nghĩa quân ta bị tướng giặc Mã Kỳ cùng quân Ai Lao tập kích, Lê Lợi phải lui quân về sách Khôi, trấn Thiên Quan (địa phận giữa Nho Quan, Ninh Bình và Thạch Thành, Thanh Hóa ngày nay), được 7 ngày sau thì giặc Minh lại tiến đánh. Lê Lợi trực tiếp chỉ huy, quân tiên phong do các tướng Lê Lĩnh, Lê Vận, Lê Triện, Lê Hào, Lê Nỗ… và tướng công Lê Thành ra sức đánh giặc, chém chết tướng giặc là Phùng Quý, giết được hơn một nghìn thủ cấp, bắt được vài trăm con ngựa. Sau khi thắng trận, Lê Lợi đem quân về núi Chí Linh và ban sắc cho Lê Thành là: “Câu kiềm vệ tướng quân”.
Tháng 9 năm Giáp Thìn (1424) Bình Định vương chia quân đánh úp thành Đa – Căng (thuộc hữu ngạn sông Chu, Thọ Xuân), phá được thành, quân giặc bị chém đầu và chết đuối hơn một nghìn tên. Thừa thắng Lê Lợi sai quân tiến đánh vào Trà Long – Trà Lân (thuộc Con Cuông và Tương Dương tỉnh Nghệ An ngày nay), đến núi Bồ Lạp (Quỳ Châu) gặp quan quân địa phương do Sư Hựu, Cầm Bành và các tướng giặc Minh do bọn Trần Trung, Trần Trí, Lý An, Phương Chính, Thái Phúc, Chu Kiệt… chỉ huy. Hai bên đánh nhau ác liệt, quân ta chém tướng giặc là Trần Trung, Hoàng Thành…, bắt sống Chu Kiệt và hạ thủ hơn hai nghìn tên giặc. Khi xét công, Lê Thành đã được ban thưởng và thăng chức “Tham đốc thiêm Lộc hầu”.
Tháng giêng năm Ất Tỵ (1425) Bình Định vương Lê Lợi đem quân đến hương Đa Lôi, huyện Thổ Du (Thanh Chương, Nghệ An), và chia quân đi các nơi để đánh giữ các châu, huyện. Tháng 7-1425, Lê Lợi sai các tướng Lê Lễ, Lê Sát, Lê Bị, Lê Triện, Lê Nhân Chú… đánh úp thành Tây Đô (Thanh Hóa). Quân Lam Sơn đã chém hơn năm trăm thủ cấp và bắt sống rất nhiều giặc Minh, đồng thời sai các tướng Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ, Lê Đà Bồ và Lê Thành… đem 1.000 quân và 1 thớt voi tiến đánh giặc Minh ở thành Tân Bình (Thuận Hóa), khi đến sông Bố Chính (tức sông Gianh, Quảng Bình ngày nay) gặp giặc Minh do Nhân Năng chỉ huy, Lê Thành chia binh mai phục, đợi giặc ào đến đánh úp, chém được hàng ngàn đầu giặc. Khi xét công, tướng Lê Thành được ban thưởng và thăng chức “Câu kiềm Tổng quản Thượng tướng quân”.
Cả đời chinh chiến binh đao, Lê Thành là một trong số ít tướng của nghĩa quân Lam Sơn tham gia đầy đủ các trận quan trọng. Nhưng, cũng như nhiều tướng tài khác, ông đã không được nhìn thấy quả ngọt, không được chứng kiến minh chủ lên ngôi. Năm Bính Ngọ (1426) nghĩa quân Lam Sơn tiến công đánh các thành tại Tân Bình, Thuận Hóa, vua sai các tướng chia ra nhiều ngả để đánh giặc, chống giặc. Riêng Lê Thành được Lê Lợi lệnh trấn giữ thành Long Châu. Dù quyết tâm đánh đến cùng, nhưng do thế giặc quá mạnh thành Long Châu thất thủ, tướng công Lê Thành vong trận vào ngày 20 tháng chạp cùng năm.
Sau khi Lê Thành và một số tướng lĩnh hy sinh, với lòng căm thù sôi sục, nghĩa quân Lam Sơn ngày một lớn mạnh về lực lượng, đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Năm Mậu Thân 1428, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế đã định công cho 221 người có công trạng từ Lũng Nhai, và ban quốc tính cho 94 người. Lê Thành là một trong số ấy, và được định công lên hạng ba là “Trung vũ đại phu, Câu kiệm vệ Tướng quân, tước trí tự”. Ngoài ra, ông còn được truy tặng là “Suy trung đồng đức, Hiệp Mưu, Bảo Chính Công Thần, Thiên Lộc Hầu, lại thêm chức Thái úy, Lộc quận công”.
Đến thời vua Lê Thánh tông, tướng Lê Thành được truy phong là “Bình Ngô khai quốc công thần, Thái úy Trang quốc công, thượng đẳng thần” và trát sắc cho Nhân dân Định Hương (Định Hòa) lập đền thờ cúng thật tôn nghiêm và lấy ngày 20 tháng chạp hàng năm là ngày giỗ.
Cuộc đời Lê Thành vừa vẻ vang với những chiến công lưu danh sử sách, vừa giữ được hòa khí êm ấm trong nhà. Hai bà vợ của ông và 4 người con đều là những người có công phò vua, giúp nước.
Ngày nay, về Định Hòa (phường Đông Cương, TP Thanh Hóa) thăm quần thể di tích đền thờ Lê Thành, chúng tôi được thủ từ Lê Văn Tấc kể lại rất nhiều câu chuyện liên quan đến tướng công. Đặc biệt là câu chuyện năm 2014, 5 đạo sắc của các đời vua phong tặng cho tướng công Lê Thành đã bị lấy mất. “Tôi ân hận suốt nhiều năm qua và lúc nào cũng nghĩ là bản thân có tội với cộng đồng. Sắc phong như “báu vật” của làng mà tôi lại không giữ được. Hiện nay trong đền chỉ còn 3 khảm lớn bằng gỗ, sơn son thếp vàng, trong khảm đặt long ngai và bài vị”.
Theo ông Lê Đỗ Toàn, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Cương: “Nhân dân khu vực Định Hòa gồm 3 tổ dân phố số 4, 5, 6 đã nhiều lần huy động xã hội hóa đóng góp để tu sửa một số hạng mục đã xuống cấp của đền. Tuy nhiên, theo quy định các di tích đã được xếp hạng, đặc biệt là di tích cấp quốc gia, việc tu sửa cải tạo cấp thiết các hạng mục trong di tích phải thiết lập hồ sơ và phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất mới được triển khai tu sửa, cải tạo. Vấn đề hiện nay là ngoài một phần nhân dân đóng góp để tu sửa đền, chúng tôi rất mong sự quan tâm của tỉnh và các cấp trong việc hỗ trợ nguồn kinh phí làm hồ sơ và nguồn kinh phí tu sửa”.
Quan sát thực tế, ngôi đền có lịch sử chừng 550 năm ấy, giờ đây hầu hết các bức tường đều nứt nẻ, nhiều cột gỗ bị mối mọt phải giằng níu thô sơ, phần mái ngói bị vỡ và hỏng nhiều. Di tích quốc gia đền thờ tướng công Lê Thành đang cần sự quan tâm của các cấp, ngành để được bảo vệ, trùng tu và tôn tạo.
Kiều Huyền