Văn hóa đọc chính là thái độ, cách ứng xử của chúng ta với tri thức. Bởi vậy, để khơi gợi niềm đam mê đọc sách của các bạn trẻ, các cấp bộ đoàn đã tăng cường phối hợp triển khai hiệu quả nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, qua đó đã góp phần tạo sự chuyển biến, khơi dậy văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi.
Ngày sách và Văn hóa đọc năm 2024 tại huyện Thọ Xuân thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh trên địa bàn xã Xuân Lai. Ảnh: Phương Lệ
Trước đây, khi chưa có các phương tiện nghe nhìn hiện đại thì sách chính là phương thức duy nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Tuy vậy, với sự phát triển chóng mặt của khoa học kỹ thuật, các hình thức giải trí bùng nổ mạnh mẽ đã tác động không nhỏ tới văn hóa đọc của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Em Lê Phương Hà, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa), cho biết: “Đọc sách luôn đem lại cho em những giây phút thư giãn, đồng thời cung cấp thêm cho em nhiều thông tin bổ ích. Tuy vậy, mỗi ngày em cũng chỉ dành được 15 đến 20 phút để đọc sách thông qua những kết nối từ điện thoại thông minh”.
Còn em Hà Thị Nga, Trường THPT Chuyên Lam Sơn (TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Với một chiếc điện thoại kết nối mạng, nếu muốn tìm hiểu một thông tin gì đó chỉ cần vài phút truy cập Internet là có thể có đầy đủ tài liệu mình muốn, vì vậy, em cho rằng việc đọc sách không nhất thiết phải ngồi hàng giờ để tìm đọc tại các thư viện”.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, việc truyền tải thông tin đã trở nên đa dạng dưới nhiều hình thức như: mạng internet, mạng xã hội zalo, facebook, twitter… Nhưng khi được hỏi về khả năng ghi nhớ tin tức, thông tin trên mạng, nhiều bạn trẻ lại bối rối, ngập ngừng. Bởi những tin tức, thông tin mà họ đọc được ở đó tương đối ngắn gọn, thậm chí sơ sài nên thiếu độ sâu về cảm xúc, không những không giúp cho việc sáng tạo, mà còn làm mất dần khả năng chủ động tư duy. Mặt khác, tính đa chiều, không chính thống của nhiều thông tin trên mạng cũng làm cho bạn đọc hoang mang, rơi vào những ma trận về thông tin. Không chỉ vậy, khi sách trên thị trường đa dạng về thể loại thì một bộ phận bạn trẻ lại cảm thấy khó khăn trong việc chọn sách để đọc, không biết đâu là cuốn sách phù hợp với bản thân, dẫn đến nhiều bạn đọc sách theo trào lưu, a dua nghĩa là khi một cuốn sách nào đó được các phương tiện thông tin đại chúng ca ngợi, quảng cáo là đua nhau mua, đọc nhưng sau đó lại không đủ kiên nhẫn để đọc hết hoặc có đọc cũng không hiểu được nội dung gì từ cuốn sách đó…
Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phùng Tố Linh: “Văn hóa đọc chính là thái độ, cách ứng xử của chúng ta với tri thức. Để khơi gợi niềm đam mê đọc sách của các bạn trẻ, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn phối hợp tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động ý nghĩa như: Ngày hội “Tuổi trẻ với sách”, phát động cuộc vận động xây dựng “Tủ sách tuổi trẻ làm theo lời Bác”; phong trào “Tủ sách yêu thương”; tặng tủ sách cho các trường học… từ đó đã nhận được sự ủng hộ tích cực của đông đảo đoàn viên, thanh niên”.
Nổi bật như tại Huyện đoàn Thọ Xuân, được đánh giá là một trong các đơn vị thực hiện tích cực hiệu quả mô hình “Tủ sách tuổi trẻ làm theo lời Bác”, mô hình luôn được Huyện đoàn duy trì và nhân rộng trên toàn huyện. Để những tủ sách trở nên phong phú, đa dạng về nội dung, hình thức, đông đảo đoàn viên, thanh niên đã nâng cao trách nhiệm kêu gọi sự ủng hộ các sách quý từ thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh đến các thế hệ cựu học sinh. Sau một thời gian tích góp, tủ sách yêu thương đã mỗi ngày một dày thêm. Những cuốn sách văn học nước ngoài, sách giáo dục giới tính, giáo dục pháp luật được các bạn tìm đọc nhiều nhất. Thông qua hoạt động đã khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; đồng thời tiếp tục hình thành thói quen đọc sách ở gia đình, nhà trường và xã hội.
Để tiếp tục xây dựng văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phùng Tố Linh cho biết: “Thực tế người đọc chưa hề quay lưng với sách, mà chỉ là chưa dành nhiều thời gian cho văn hóa đọc. Nhằm giữ gìn và phát huy văn hóa đọc, chúng ta cần phải quan tâm tới công tác tuyên truyền, cổ động, quảng bá sách đến cộng đồng; sự vào cuộc của hệ thống truyền thông. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường cũng có vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường cho thế hệ trẻ tiếp cận với sách vở để tìm hiểu cuộc sống. Các hoạt động quảng bá, giới thiệu, khuyến khích các em tìm đến sách trên các phương tiện truyền thông không còn chỉ mang tính bề nổi mà đã được thực hiện thường xuyên, góp phần không nhỏ hướng các em đến nguồn tri thức vô giá này.
Phương Lệ