Tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, giữa hàng nghìn hiện vật, tài liệu được trưng bày, có một chiếc xe cút kít bằng gỗ đơn sơ lặng lẽ nằm ở một vị trí trang trọng thu hút khách tham quan. Chiếc xe với những “hoa văn” trên bánh xe là của lão nông Trịnh Đình Bầm quê ở xứ Thanh – vật chứng lịch sử – khẳng định sự sáng tạo kỳ diệu và sức mạnh lòng dân của dân tộc Việt Nam.
Trên chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm đang được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hiện vẫn còn hoa văn của chiếc bàn thờ năm xưa.
Hơn 70 năm về trước, sau khi Bác Hồ và Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954 và Điện Biên Phủ được lựa chọn làm điểm quyết chiến chiến lược, xứ Thanh sục sôi “ngày hội” huy động sức người, sức của phục vụ chiến trường. Thanh Hóa khi đó là địa bàn xa trận địa nhưng lại được xác định là hậu phương chủ chốt cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường.
Trong những ngày mùa xuân năm 1954, con đường từ xứ Thanh lên miền Tây Bắc đêm ngày rộn tiếng bước chân. Trên các tuyến đường bộ, đường sông, bộ đội, dân công Thanh Hóa đội lá rừng ngụy trang, thẳng tiến về Điện Biên Phủ. “Trong những đoàn người đi như không bao giờ hết, dân công Thanh Hóa chiếm số đông nhất: gần 200 ngàn người. Đó là hình ảnh của khối đoàn kết thống nhất bao gồm gái trai, già trẻ, đồng bào các dân tộc, đồng bào phật giáo, công giáo ở tất cả các vùng đồng bằng, trung du, miền núi, miền biển… Ở đâu có dân, ở đó có người đi dân công”. Phương tiện vận chuyển lương thực cũng vô cùng đa dạng, từ ô tô, thuyền ván, thuyền nan, ngựa, voi, xe đạp thồ, quang gánh… trong đó đặc biệt là xe cút kít do người nông dân Trịnh Đình Bầm quê xã Định Liên huyện Yên Định sáng chế.
Thực hiện kế hoạch của Trung ương, lúc bấy giờ cũng như hàng vạn người dân, chàng trai trẻ Trịnh Đình Bầm mới ngoài 20 tuổi hăng hái thi đua lao động sản xuất để có lương thực phục vụ chiến trường khói lửa. Khi được huy động tham gia vận lương, ông sẵn sàng để lại quê nhà người vợ trẻ cùng đứa con mới sinh để lên đường làm nhiệm vụ. Hành trang ông mang theo phục vụ kháng chiến là chiếc xe cút kít tự sáng chế.
Ông Trịnh Đình Tân, con trai ông Trịnh Đình Bầm, chia sẻ: “Ngày nhỏ, tôi thường nghe bố mình kể về những ngày đi tải lương, rồi nguyên do ông xin phép gia tiên lấy ban thờ xuống làm bánh xe cút kít. Dù là nông dân nhưng bố tôi vốn tính nhanh nhẹn, tháo vát, sức làm việc bằng 2, 3 người. Dẫu vậy, do đông anh em nên gia cảnh nghèo khó. Ngày chuẩn bị lên đường đi tải lương, ông cứ băn khoăn mãi, xe đạp thồ thì gia đình không có, nếu chỉ mang theo đôi quang gánh thì gánh không được bao nhiêu, lại dễ mất nhiều sức, không đi được đường dài. Sau những trăn trở, ông nghĩ trong đầu về một chiếc xe có thể vừa đi vừa đẩy. Nghĩ là làm, ngày hôm sau bố tôi bắt tay vào việc đóng xe. Ông tìm mọi mảnh gỗ, ván… để đóng xe. Nhưng đến khi chuẩn bị hoàn thành thì bánh xe lại thiếu một mảnh nhỏ. Tìm khắp trong nhà đều không có. Khi tưởng chừng bất lực, ông ngước nhìn ban thờ gia tiên như cầu mong phù hộ để mình có thể “tìm thấy” mảnh gỗ còn thiếu. Lúc đó, một ý nghĩ táo bạo chợt lóe lên – ván ban thờ là phù hợp?! Nhưng ý nghĩ ấy nhanh chóng bị chính ông gạt đi – sao có thể làm như vậy!”.
“Băn khoăn là thế nhưng ý nghĩ lấy ban thờ cứ “đeo bám” lấy tâm trí ông không thôi. Cho đến khi ông bàn với bố mẹ, anh em nói lên suy nghĩ của mình – về việc khi Tổ quốc lâm nguy thì liệu có thể “hy sinh”, rồi hòa bình lập lại, có thể làm lại một ban thờ mới… Chuyện đó cũng chưa từng có tiền lệ trong làng xã nên ai cũng e dè. Bởi ban thờ gia tiên khi đó cũng xem như đồ gia bảo, truyền từ đời này sang đời khác… Cuối cùng, sau nhiều đắn đo, suy tư, bố tôi cũng quyết tâm thắp hương xin gia tiên được lấy ban thờ làm bánh xe tải lương… Cho đến những năm tháng cuối đời, kể lại chuyện đó, bố tôi bảo không nghĩ mình làm sai và ông tin gia tiên khi đó cũng đã đồng ý và phù trợ cho mình trong những tháng ngày dùng xe cút kít đi tải lương” – ông Trịnh Đình Tân kể.
Chiếc xe cút kít do chàng thanh niên Trịnh Đình Bầm khi đó sáng chế theo kiểu chữ A với chiều dài hơn 200cm, càng xe làm bằng gỗ, có hai chân chống bằng tre và bánh xe được ghép từ 3 mảnh gỗ khác nhau, trong đó có một mảnh được sơn son thếp vàng với hoa văn rõ nét – và đó chính là một phần ban thờ gia tiên của gia đình ông.
Theo các tài liệu lưu giữ, với chiếc xe cút kít tự chế, chàng thanh niên Trịnh Đình Bầm đã tham gia tải lương trên đoạn đường từ kho lương Sánh – Lược (Thọ Xuân) lên Phố Cống – Trạm Luồng (Ngọc Lặc). Mỗi chuyến, xe cút kít tải từ 100 đến gần 300kg lương thực, cứ 3 ngày một chuyến trên quãng đường dài hơn 20km, ròng rã suốt những tháng đầu năm 1954 để phục vụ cho chiến trường. Ước tính, ông Trịnh Đình Bầm đã vận chuyển khoảng 12.000kg lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Với thành tích ấy, ông đã được Hội đồng Cung cấp Liên khu 4 tặng Bằng khen và được tuyên dương toàn tỉnh Thanh Hóa.
Người làng Duyên Thượng nhắc đến ông Trịnh Đình Bầm và chiếc xe cút kít ông sáng chế với niềm kính phục.
Thắp nén tâm hương lên bàn thờ gia tiên, nhẹ nhàng lau chùi di ảnh người cha quá cố, ông Trịnh Đình Tân tâm tình: “Sau thời gian tham gia dân công tải lương phục vụ chiến trường, bố tôi lại trở về quê nhà cùng vợ con lao động, hăng say sản xuất. Cả cuộc đời ông vất vả, năm 1994 ông qua đời cũng chẳng có tài sản gì. Tính đến nay, đã 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 30 năm bố tôi qua đời, nhưng những điều ông làm được cho đất nước khi đó mãi là niềm tự hào để lại trong lòng cháu con hôm nay”.
Rời ngôi nhà của lão nông Trịnh Đình Bầm, tôi ra đình làng Duyên Thượng, tại đây được ông Nguyễn Văn Đảm (78 tuổi) là bậc cao niên trong làng dẫn xuống nhà lưu niệm của thôn, giới thiệu: “Ông Bầm nhiều tuổi hơn tôi, những ngày ông ấy đi tải lương thì tôi còn là đứa trẻ lên 8. Nhưng chuyện kể về hành động của ông Bầm thì người trong làng ai cũng biết cả. Cảm phục và tự hào lắm. Ông ấy (tức ông Trịnh Đình Bầm) và chiếc xe cút kít mãi là “biểu tượng” đẹp, sống mãi trong lòng người dân Duyên Thượng”.
“Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Yên Định luôn là hậu phương trực tiếp của chiến trường Tây Bắc, Thượng Lào và Điện Biên Phủ, toàn huyện đã huy động 4.000 lượt người vào bộ đội, hơn 10.000 người tham gia lực lượng du kích và dân quân tự vệ, 55.000 lượt người đi dân công hỏa tuyến… chỉ với phương tiện thô sơ là đôi sọt, đòn gánh trên vai hoặc chiếc xe đạp thồ, chiếc xe cút kít, lực lượng dân công đã vượt đèo lội suối vận chuyển hàng nghìn tấn hàng cho các chiến trường và tham gia mở đường, làm kho bãi, làm cầu cống… phục vụ các chiến dịch lớn, đặc biệt trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Câu chuyện về ông Trịnh Đình Bầm ở xã Định Liên với hành động cao cả cho đến nay mãi là minh chứng khẳng định cho truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của đất và người Yên Định”, ông Hoàng Trung Hưng, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Yên Định, khẳng định.
Bài và ảnh: Thu Trang