Có những thứ pháp luật cho phép như tổ chức, cá nhân được mua bán cổ vật, nhưng chắc chắn cổ vật, kỷ vật sẽ trở nên giá trị và ý nghĩa hơn nhiều nếu chúng ta đặt nó vào không gian hiến tặng.
Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Nguyễn Duy Tự và Giám đốc Bảo tàng Thanh Hóa Trịnh Đình Dương tiếp nhận cổ vật hiến tặng từ ông Nguyễn Thế Chất. Ảnh: HA
Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) năm nay tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đông vui như thường lệ. Ngoài khách tham quan còn có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và sưu tầm cổ vật có mặt. Trong đó, không gian hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng thu hút sự chú ý của khá nhiều người. Tôi lặng lẽ quan sát những nhà sưu tầm cổ vật, người lưu giữ kỷ vật bước lên bục trao nhận bằng góc nhìn của riêng mình.
Bên cạnh nhiều gương mặt mới, lần đầu hiến tặng hiện vật cho bảo tàng là những gương mặt rất thân quen, trong đó có nhà sưu tầm cổ vật đã hiến tặng cho Bảo tàng Thanh Hóa tới 10 lần. Tôi nhẩm tính, chỉ cần mỗi lần hiến tặng 1 hiện vật thôi, vị chi nhà sưu tầm cổ vật này đã đóng góp cho Bảo tàng Thanh Hóa ít nhất 10 hiện vật. Nhưng thực tế thì không chỉ có thế. Ở lần hiến tặng này, người hiến tặng ít nhất 2 hiện vật, người hiến tặng nhiều lên tới hơn 10 hiện vật. Khoan hãy bàn xét đến giá trị thực sự của những hiện vật này tới đâu. Chỉ tinh thần hiến tặng thôi cũng đã rất quý rồi. Dù pháp luật hiện hành về di sản văn hóa cho phép mua bán cổ vật, nhưng vượt lên tất cả những quy định khô khan ấy, Bảo tàng Thanh Hóa và người hiến tặng đã gặp nhau, để làm nên một không gian xúc động. Ở đó, đơn vị cần thì đã được nhận và người có tấm lòng thì cũng đã được trao. Dù rằng hàng năm tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư một khoản kinh phí đáng kể để Bảo tàng Thanh Hóa mua hiện vật phục vụ công tác trưng bầy và nghiên cứu, nhưng vẫn là con số hữu hạn trước nhu cầu thực tế và sự “vô giá” của hiện vật.
Có một câu hỏi cứ chạy mãi trong đầu tôi, từ lần chứng kiến lễ hiến tặng hiện vật này đến lần khác, là tại sao những người hiến tặng kia lại có thể làm được cái việc mà nhiều người chưa làm được, đó là nhiều lần hiến tặng cổ vật, kỷ vật đến vậy? Họ làm vì điều gỉ? Vì tình yêu di sản, vì muốn phát huy tác dụng lớn hơn cho di sản hay để cái tên của mình được nhiều người biết đến? Tôi chưa thể có câu trả lời xác đáng và đầy đủ ngay được.
Giám đốc Bảo tàng Thanh Hóa Trịnh Đình Dương trao chứng nhận cho người hiến tặng.
Tôi từng chứng kiến khá nhiều không gian cổ vật, kỷ vật được người sở hữu trưng bầy tại nhà riêng. Đó là một biểu hiện cho tinh thần yêu văn hóa, vì di sản. Nhưng liệu rằng những di sản văn hóa ấy có phát huy hết tác dụng hay không, khi những không gian chứa đựng ấy vẫn mang tính cá nhân với số ít người tiếp cận. Những cổ vật, kỷ vật ấy sẽ phát huy tác dụng lớn hơn nhiều nếu nó có một không gian rộng lớn hơn như bảo tàng. Việc hiến tặng cổ vật, kỷ vật là nhịp cầu để đưa hiện vật đến gần hơn với công chúng, cũng chính là thước đo tình yêu của những người sưu tầm và sở hữu nó. Điều đó giá trị hơn rất nhiều việc cứ cố giữ hiện vật cho riêng mình trong những không gian riêng tư, chật hẹp hoặc lượng hóa thành tiền để trao đổi bằng những hợp đồng mua bán.
Có những thứ pháp luật cho phép như tổ chức, cá nhân được mua bán cổ vật, nhưng chắc chắn cổ vật, kỷ vật sẽ trở nên giá trị và ý nghĩa hơn nhiều nếu chúng ta đặt nó vào không gian hiến tặng.
Trong thời buổi mà hàng hóa được định giá bằng tiền, kể cả cổ vật, kỷ vật, thì tinh thần hiến tặng hiện vật cho bảo tàng thật đáng trân trọng biết bao. Trân trong người đã có nhiều lần hiến tặng và cả những người lần đầu hiến tặng. Hôm nay họ có lần đầu, và nhiều năm sau họ sẽ có những lần tiếp theo. Mong rằng Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa luôn tạo ra một không gian cảm hứng khơi gợi tình thần hiến tặng, để di sản văn hóa được phát huy giá trị lớn hơn.
Lam Vũ