Được biết đến là một “miền di sản”, là “cái nôi” di sản văn hóa dân tộc, văn hóa xứ Thanh nổi bật với nhiều di sản văn hóa độc đáo, giá trị. Những di sản văn hóa ấy chính là món quà vô giá của các thế hệ cha ông gửi đến cho con cháu cùng niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm vun đắp, trao truyền.
Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023. Ảnh: Lê Công Bình (CTV).
Xứ Thanh bao đời nay vẫn rạng ngời là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Vẻ đẹp của xứ Thanh đã làm say lòng bao bậc tao nhân mặc khách. Sử gia Phan Huy Chú từng ngợi ca: “Thanh Hoa mạch núi cao chót vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát phía Tây, Bắc giáp trấn Nam Sơn, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều trước vẫn gọi là một trấn quan trọng… Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa hội tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý cũng khác mọi nơi…”. Hay học giả người Pháp H. Le Breton từng ngợi ca xứ Thanh là “nơi có thiên nhiên đẹp nhất, cũng như giàu kỷ niệm hay truyền thuyết nhất Đông Dương”. Đây không phải là sự ưu ái mà học giả hay các bậc tao nhân mặc khách dành cho xứ Thanh, mà đó là sự khẳng định rõ ràng hơn về vùng đất trọng yếu, nơi giao thoa cảnh sắc non nước hữu tình, kỳ vĩ; nơi sinh ra và hun đúc bao nhân tài, anh hùng hào kiệt. Chính sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố ấy đã tạo nên một bức tranh văn hóa xứ Thanh đa sắc, đa màu; một nền văn hóa độc đáo từ sự tổng hòa giữa các yếu tố văn hóa đặc trưng riêng của các dân tộc, vùng miền.
Bức tranh ấy được bao thế hệ trên mảnh đất xứ Thanh dày công vun đắp gìn giữ. Để rồi, ngày nay, con cháu tự hào, rạng ngời với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, độc đáo, giàu giá trị từ những công trình kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ đến những lễ hội, nghi thức dân gian, trò chơi, trò diễn dân gian, loại hình nghệ thuật truyền thống… Và càng tự hào hơn khi những di sản văn hóa ấy liên tục được vinh danh. Nhiều di sản đã vượt ra ngoài giới hạn địa lý và không gian sinh hoạt của một cộng đồng trở thành tài sản chung của toàn nhân loại. Tiêu biểu như: Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ; Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, hang Con Moong…; hay những di sản phi vật thể đại diện cho xứ Thanh như: Lễ hội đền Bà Triệu, lễ hội Lam Kinh, lễ hội đền thờ Lê Hoàn, lễ hội Cầu Ngư…; hệ thống bảo vật quốc gia; các trò chơi, trò diễn đặc sắc như: Trò Xuân Phả, Ngũ trò Viên Khê, Pồn Pôông…; những đặc sản, sản phẩm nổi tiếng xa gần như: quế Thường Xuân, chè lam Phủ Quảng, mía Kim Tân, bánh gai Tứ Trụ, trống đồng Thiệu Trung, cói Nga Sơn…
Theo thống kê hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 1.535 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ, trong đó, các di tích đã được xếp hạng là 856 di tích, gồm: 1 di sản văn hóa thế giới; 5 di tích quốc gia đặc biệt; 139 di tích quốc gia và 711 di tích cấp tỉnh. Đồng thời, Thanh Hóa có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể vô cùng to lớn, giàu giá trị: hàng trăm lễ hội, lễ tục, các trò chơi, trò diễn dân gian, các nghề thủ công truyền thống… Đến nay, đã có 18 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Lam Kinh năm 2023.
Có thể khẳng định, sự đa dạng, giàu có của kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đã và đang trở thành “hồn cốt” tạo nên bản sắc văn hóa xứ Thanh; trở thành những nhân chứng sống động để thế hệ con cháu hiểu rõ hơn về cội nguồn, truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hóa của dân tộc mình. Và hơn thế, trở thành “sức mạnh mềm” để tỉnh Thanh Hóa hiện thực hóa khát vọng trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Song, văn hóa luôn chuyển động theo sự biến đổi của đời sống xã hội và thời gian. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập và giao lưu văn hóa quốc tế, văn hóa đứng trước nguy cơ bị mai một, hòa tan và sự “lạnh nhạt” của một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ. Trên thực tế, nhiều di sản văn hóa phi vật thể không truyền dạy được cho thế hệ sau hoặc không được cộng đồng thường xuyên thực hành. Nhiều di tích có giá trị văn hóa, lịch sử quý giá bị xâm hại nặng nề hoặc làm mới mà không dựa trên các yếu tố lịch sử, các yếu tố gốc, từ đó làm mất đi giá trị đặc trưng tự thân của di sản. Do đó, bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trở thành nhiệm vụ cấp bách đối với các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và toàn thể Nhân dân.
Để “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”, tỉnh Thanh Hóa đã và đang quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, kế hoạch góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý Nhà nước về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích có nhiều chuyển biến tích cực và hiệu quả được nâng cao. Việc bảo tồn, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di sản được gắn với phát triển du lịch. Nhiều lễ hội, nghi thức truyền thống, chương trình văn hóa văn nghệ, truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể được trình diễn, tổ chức trong cộng đồng dân cư.
Hy vọng rằng, với “tài sản” vốn có cùng sự trân trọng lịch sử, văn hóa, sự quan tâm liên tục, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, những di sản văn hóa trên mảnh đất xứ Thanh mãi được tỏa sáng, trường tồn.
Bài và ảnh: Quỳnh Chi