Đổi mới tư duy, thay đổi cách tiếp cận sẽ tạo ra nhiều không gian phát triển mới. Đây là cơ sở để thực hiện hiệu quả chiến lược xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Nắm bắt điều này, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ hội viên các HTX từng bước thay đổi tư duy sản xuất, phát huy vị thế làm chủ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa.
HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Xuân Hòa (Thọ Xuân) áp dụng trồng và sản xuất dưa vàng theo hướng công nghệ cao.
Là một trong những HTX đang đổi mới, HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Xuân Hòa (Thọ Xuân) áp dụng trồng và sản xuất dưa vàng theo hướng công nghệ cao. Nhờ đó, sản phẩm của HTX từng bước có đầu ra ổn định. Theo ông Lê Xuân Thành, Giám đốc HTX thì: “HTX đang hướng đến mục tiêu liên kết sản xuất trên diện tích 200 – 300 ha để chủ động sản xuất, tạo đầu ra cũng như thu nhập bền vững cho người nông dân”.
Để sản xuất ra sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường, HTX đã áp dụng các tiêu chuẩn canh tác tốt, thân thiện với môi trường. So với cách làm cũ, mô hình canh tác dưa vàng cho năng suất cao hơn và tiết kiệm chi phí sản xuất hơn 10%. Bên cạnh đó, HTX còn làm “cầu nối” thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân, như ớt, khoai tây, dưa vàng… thu mua giống lúa nếp và các loại lúa thương phẩm như Thái Xuyên, BC15… Đồng thời, cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi cho người dân trong vùng. Chính sự nhanh nhạy trong sản xuất và tiếp cận thị trường của HTX không chỉ giúp mô hình này được nâng cao chất lượng, mà HTX còn định hình được cách thức tổ chức, hoạt động trong hiện tại và tương lai.
Thành lập năm 2020, HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Đông (Hoằng Hóa) đã triển khai kế hoạch trồng cây khoai tây Marabel theo mô hình liên kết giữa nông dân và Công ty CP Nông nghiệp quốc tế An Việt. Mô hình được triển khai với diện tích 25 ha/tổng số 47 ha diện tích cây trồng vụ đông của xã. Để tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, đảm bảo quyền lợi cho nông dân, HTX đã ký hợp đồng với các hộ dân tham gia mô hình với giá niêm yết. Theo giám đốc HTX Nguyễn Văn Hoạch: Tham gia liên kết, nông dân không chỉ được công ty hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cung ứng phân bón và giống trả chậm, mà toàn bộ sản lượng khoai tây sau khi thu hoạch đều được doanh nghiệp bao tiêu. Đến nay, sau 3 năm triển khai mô hình liên kết trong sản xuất khoai tây, diện tích gieo trồng của HTX đã đạt tới gần 30 ha với năng suất từ 25 – 30 tấn/ha, sản lượng 750 tấn.
Ông Lê Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để phát triển được HTX cần sự thay đổi nhận thức, tư duy từ người trực tiếp tham gia HTX, trực tiếp quản lý HTX đến những cơ quan quản lý HTX theo hướng chuyển đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Để nông sản của các HTX tiếp cận được với những thị trường có giá trị cao, được các nhà phân phối săn tìm, người tiêu dùng đón nhận thì cần có tư duy, phương thức sản xuất mới, hướng tới bảo đảm chất lượng ổn định. Nói cách khác, người nông dân cần sản xuất theo quy trình với những tiêu chuẩn chặt chẽ. Do vậy, vấn đề hiện nay không chỉ là đổi mới phương thức tiêu thụ sản phẩm thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin mà còn phải tổ chức sản xuất theo những quy trình canh tác an toàn và “nói không” với hóa chất gây hại. Đó là yếu tố căn cốt để nông sản thỏa mãn đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng cũng như các nhà nhập khẩu. Bảo vệ môi trường xanh, sạch trong cả quá trình canh tác nông nghiệp là một trong những điểm mấu chốt giúp các HTX nông nghiệp của tỉnh định vị được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Đây cũng là nền tảng để HTX có những chiến lược phát triển bền vững trong tương lai.
Bài và ảnh: Chi Phạm