Theo quy định tại Điều 64 của Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng, Công ước sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025. Theo đó, Công ước sẽ có tên gọi là “Công ước Hà Nội”.
Khẳng định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng
Sau gần 5 năm đàm phán, “Công ước Hà Nội” ra đời là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với những mối đe doạ ngày càng tăng trên không gian mạng. Bên cạnh những lợi ích và tiềm năng không giới hạn đối với sự phát triển của nhân loại, công nghệ số và môi trường không gian mạng cũng đặt ra nhiều rủi ro và nguy cơ về an ninh, đe doạ sự phát triển bền vững của hầu hết các quốc gia.
Sự gia tăng đáng báo động của tội phạm mạng cả về quy mô, mức độ phức tạp và phạm vi tác động ước tính đã gây thiệt hại cho kinh tế thế giới khoảng 8.000 tỷ USD trong năm 2023 và dự báo lên đến 10.500 tỷ vào năm 2025, lớn hơn GDP của hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, Công ước Hà Nội góp phần tạo khuôn khổ pháp lý bao trùm, đáp ứng nhu cầu cấp bách về hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy pháp quyền trong không gian mạng.
Đăng cai Lễ mở ký “Công ước Hà Nội” cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò một thành viên có trách nhiệm, tin cậy của cộng đồng quốc tế, tích cực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tham gia dẫn dắt quá trình xây dựng và định hình các khuôn khổ quản trị số toàn cầu, bảo đảm an ninh mạng và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, tạo tiền đề triển khai thành công chiến lược chuyển đổi số để đưa đất nước sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cùng với ý nghĩa đó việc Hà Nội được chọn là địa điểm mở ký Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng khẳng định thêm các nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh mạng từ đó bảo đảm cho nền kinh tế được phát triển lành mạnh, các ứng dụng trên không gian mạng thực sự phục vụ cho việc phát triển bền vững của Việt Nam. Cũng ở đó, đó quyền lợi quốc gia, quyền lợi chính đáng của công dân được tôn trọng và bảo đảm.
Việt Nam đã và đang nỗ lực chung tay cùng các nước đấu tranh với các loại tội phạm trên không gian mạng. Ảnh minh họa. |
Việt Nam nỗ lực đấu tranh để lành mạnh hóa không gian mạng
Công ước Hà Nội ra đời là kết quả của gần 5 năm thương lượng liên tục và kéo dài từ năm 2021 đế 2024 giữa các quốc gia thành viên nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý đa phương toàn diện để đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này.
Đây cũng là khoảng thời gian mà các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc đấu tranh trực diện với các loại tội phạm mạng, đặc biệt là việc đấu tranh ngăn ngừa các vụ lợi dụng không gian mạng để lừa đảo trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng với nhiều vụ việc, đường dây lừa đảo lớn có quy mô lên đến hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tỷ đồng.
Như mới đây, đường dây lừa đảo do đối tượng “Mr Pips” (tức Phó Đức Nam) cầm đầu đã được Công an Hà Nội bóc trần với số tiền lừa đảo lên đến vài nghìn tỷ đồng, thuộc vào hàng các đường dây lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay được lôi ra ánh sáng.
Hay mới đây, Công an Bắc Ninh đã khám phá đường dây lừa đảo tài chính do Nguyễn Đức Hùng cầm đầu với số tiền lừa đảo là 10 tỷ đồng. Đặc biệt vụ các đối tượng lừa đảo gồm Giang Đình Lộc, Nguyễn Trường Thanh, Phạm Phương Đông và Lê Văn Long vừa được Công an Thanh Hóa đấu tranh, bắt tạm giam với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng và đang tiếp tục được làm rõ quy mô, mức độ. Đáng chú ý nhóm đối tượng này còn “liên kết” với nhiều nhóm đối tượng lừa đảo khác cũng như có hành vi rửa tiền.
Lừa đảo tài chính, ngân hàng trên không gian mạng hiện vẫn là một điểm nóng của tội phạm mạng. Cũng trong nỗ lực đấu tranh với tội phạm mạng nói riêng và bảo đảm không gian mạng thực sự được lành mạnh, từ đó tạo thêm những tiền đề cần thiết cho việc xây dựng nền kinh tế lành mạnh cũng như kiến tạo không gian mạng minh bạch, an toàn và trách nhiệm, Nghị định 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 25/12/2024. Bản Nghị định này áp dụng với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Điểm đáng chú ý của Nghị định này là tạo các chế tài giải quyết vấn nạn “vô danh nên vô trách nhiệm” trên không gian mạng để núp bóng lừa đảo, trốn thuế, tung tin giả gây ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức và cá nhân. Đây là những chế tài hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện các vụ việc lừa đảo có sử dụng mạng xã hội làm công cụ chiếm đến 70%.
Đáng chú ý là trong khi các quốc gia không chỉ riêng Việt Nam có nhiều nỗ lực để kiến tạo không gian mạng lành mạnh để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội bền vững thì một số đối tượng phản động lại đi ngược trào lưu này bằng việc tung các luận điệu xuyên tạc các nội dung của Nghị định 147. Chúng rêu rao rằng nghị định này là “vòng kim cô với người dùng mạng”, thậm chí còn trắng trợn đòi Việt Nam “rút lại bản nghị định này”(!)
Chúng ta không lạ gì nhưng kiên quyết bác bỏ các luận điệu phản động, phản phát triển đó cũng như không thể chấp nhận một không gian mạng ở vào trạng thái “hoang dã” một cách có chủ ý để các thế lực thù địch có thể rảnh tay chống phá công cuộc phát triển, dùng không gian mạng để tiếp tục cái gọi là “chuyển lửa về quê nhà” vốn đã từng thất bại thảm hại trong quá khứ, cũng như các hành vi tội phạm có dư địa tồn tại, quyền lợi của Nhà nước, tổ chức và công dân bị xâm hại, bị ảnh hưởng.
Việc Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng được mở ký tại Hà Nội trong năm 2025 đã khẳng định thêm nỗ lực của Việt Nam trong vai trò một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc chung tay cùng các nước, các tổ chức quốc tế làm lành mạng không gian mạng, đấu tranh có hiệu quả trên một mặt trận không có tiếng súng song không kém phần khốc liệt. |
Nguồn: https://congthuong.vn/tu-cong-uoc-ha-noi-den-mot-khong-gian-mang-lanh-manh-366752.html