Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đang bước vào cuộc cạnh tranh lao động. Để tạo sức hút, một số doanh nghiệp đã có biện pháp “xé rào” như tăng chế độ, chính sách cho công nhân, thậm chí là đưa ra biện pháp thưởng.
Trên fanpage, Công ty TNHH Dệt kim Jasan đứng chân tại xã Định Liên (Yên Định) thông báo cần tuyển 500 công nhân. Ngoài mức lương cơ bản, công ty đưa ra các chế độ ưu đãi cho người lao động như thưởng chuyên cần 400 nghìn đồng/tháng, trợ cấp xăng xe 500 nghìn đồng/tháng, trợ cấp nhà ở 440 – 540 nghìn đồng/tháng, thưởng đi ca 1,2 triệu đồng, trợ cấp ca đêm 350 – 500 nghìn đồng/tháng, trợ cấp con nhỏ 50 nghìn đồng/cháu, thâm niên 200 nghìn đồng, từ năm thứ 2 cứ mỗi năm tăng thêm 100 nghìn đồng. Công ty còn có các phần thưởng để khuyến khích người lao động như thưởng sản lượng lên tới 3,5 triệu đồng, lương tháng 13 là 1 chỉ vàng cho những người làm việc tại công ty trong 5 năm trở lên và thưởng phí giới thiệu công nhân mới cho cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại Jasan mức 600 nghìn đồng.
Cũng là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, Công ty TNHH In Kyung Vina Co., LTD đứng chân tại thôn Hòa Bình, xã Đông Ninh (Đông Sơn) đang đăng tin tuyển công nhân may, là… Cán bộ, công nhân đang làm việc tại đây giới thiệu các vị trí cần tuyển có tay nghề sẽ được nhận thưởng lên đến 2 triệu đồng.
Tại Công ty TNHH May mặc Leading Star Thanh Hóa ở Khu Công nghiệp Bỉm Sơn cũng có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm công nhân may và học may. Ngoài mức thu nhập từ 9 đến 12 triệu đồng/tháng và các chế độ phúc lợi, công ty còn thưởng nóng từ 300 đến 500 nghìn đồng cho người giới thiệu và công nhân tự mang hồ sơ đến nộp.
Mức thưởng để hút công nhân mới dù chưa nhiều, nhưng chừng mực nào đó có thể xem như là một thứ “phí lót tay”. Câu chuyện này thường thấy trong lĩnh vực thể thao và tuyển dụng nhân sự có trình độ chuyên môn cao. Nhưng bây giờ nó đang xảy ra với người lao động phổ thông, cho thấy doanh nghiệp cần lao động và vai trò của người lao động được đề cao hơn. Mối quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và công nhân lúc này có cảm giác như đang trong “tuần trăng mật”. Đặt vấn đề như thế để nhắc nhở cả hai phía cùng biết quý trọng cơ hội của nhau, cùng làm việc hết mình. Doanh nghiệp tôn trọng công nhân, còn công nhân gắn bó, chung thủy với doanh nghiệp.
Câu chuyện doanh nghiệp sử dụng công nhân theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” từng xảy ra, gây bức xúc với nhiều người. Tình trạng công nhân tự ý “nhảy việc” khi nhìn thấy lợi ích lớn hơn cũng khá phổ biến. Ấy là khi mà cả hai bên đều đặt lợi ích cho riêng mình lên trên lợi ích chung. Hệ quả của điều đó không chỉ làm cho mối quan hệ lao động trở nên mất an toàn, mà còn tạo ra hiệu ứng tiêu cực cho nền kinh tế.
Câu chuyện “treo thưởng” hút công nhân đến với doanh nghiệp đem đến cho chúng ta hy vọng về sự ấm nóng của thị trường, nhưng cũng thêm một lần nữa nhắc nhở các bên phải biết tôn trọng, quý trọng nhau để cùng đồng hành phát triển.
Hạnh Nhiên