Trưng bày chuyên đề “Những cổ vật trang trí Rồng tại Bảo tàng Thanh Hóa” nhằm giới thiệu đến đông đảo công chúng những tài liệu, hiện vật trang trí hình rồng được chế tác từ nhiều chất liệu, có niên đại từ Văn hóa Đông Sơn đến đầu thế kỷ XX mà Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ.
Trưng bày chuyên đề “Những cổ vật trang trí Rồng tại bảo tàng Thanh Hóa” thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh.
Hướng tới kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2024) và mừng xuân Giáp Thìn 2024, chiều 1/2, Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày 2 chuyên đề mới gồm: “Những cổ vật trang trí Rồng tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa” và “Nghề làm hương truyền thống”.
Trong số 34.623 hiện vật hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, có khoảng gần 400 hiện vật trang trí họa tiết rồng, niên đại từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn đến đầu thế kỷ XX.
Giới thiệu hình tượng rồng qua các triều đại phong kiến đến đông đảo học sinh trên địa bàn TP Thanh Hóa.
Qua khảo sát hiện vật tại kho cơ sở, Bảo tàng tỉnh đã lựa chọn hơn 80 hiện vật có niên đại từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn đến đầu thế kỉ XX để trưng bày, giới thiệu đến công chúng. Trưng bày bao gồm 2 phần: “Hình tượng Rồng trong văn hóa Việt Nam” và “Những cổ vật trang trí Rồng tại Bảo tàng Thanh Hóa”.
“Những cổ vật trang trí Rồng tại Bảo tàng Thanh Hóa” thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, nhà nghiên cứu.
Trong đó, phần trưng bày “Những cổ vật trang trí Rồng tại Bảo tàng Thanh Hóa” được chia làm 2 chủ đề: “Hình tượng Rồng thế kỷ I – X” và “Hình tượng Rồng qua các triều đại phong kiến”.
Trên cơ sở hệ thống cơ sở vật chất trưng bày hiện có, Bảo tàng tỉnh đã thiết kế giải pháp trưng bày phù hợp và bổ sung thêm một số phương tiện, ảnh, tài liệu khoa học bổ trợ… nhằm tạo sự hấp dẫn, cụ thể hóa chủ đề trưng bày.
Theo kế hoạch, trưng bày chuyên đề “Những cổ vật trang trí Rồng tại Bảo tàng Thanh Hóa” kéo dài từ nay đến hết năm 2024.
Giới thiệu quy trình làm hương truyền thống.
Du khách còn có thể trực tiếp trải nghiệm quy trình làm hương truyền thống.
Cùng với đó, Bảo tàng tỉnh tổ chức không gian trưng bày chuyên đề “Nghề làm hương truyền thống”. Tại đây, Nhân dân và du khách được tìm hiểu chi tiết về quy trình và trực tiếp trải nghiệm các công đoạn sản xuất hương truyền thống.
Không gian nghề làm hương truyền thống phục vụ Nhân dân và du khách đến tham quan, check-in.
Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn bố trí không gian nghề làm hương truyền thống phục vụ Nhân dân và du khách check-in đến hết tháng 2/2024.
Hoài Anh