Nhận thức rừng là nguồn tài nguyên quý, góp phần quan trọng cho địa phương phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ an ninh – quốc phòng, có giá trị lớn về môi sinh, môi trường, cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành liên quan, chủ rừng và người dân huyện Như Thanh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Trọng tâm là tuyên truyền, vận động Nhân dân khai thác tiềm năng, lợi thế trồng rừng phủ xanh đất trống, góp phần tái cơ cấu đầu tư ngành lâm nghiệp.
Rừng gỗ lớn trồng tại xã Xuân Thái (Như Thanh).
Kết quả, diện tích trồng rừng hàng năm trên địa bàn huyện Như Thanh tăng lên. Đến tháng 8/2024, huyện Như Thanh có gần 34.000ha rừng. Từ năm 2016 đến tháng 8/2024, các xã, thị trấn, các chủ rừng Nhà nước trên địa bàn huyện đã trồng mới được 3.782,5ha rừng gỗ lớn; chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 448,5ha; khoanh nuôi, phục tráng 92,9ha rừng lim xanh. Hằng năm, cung cấp gỗ nguyên liệu và các loại lâm sản khác phục vụ công nghiệp chế biến, xây dựng; giải quyết thêm nhiều việc làm cho người dân và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ làm nghề rừng. Năm 2024, huyện Như Thanh đã triển khai thực hiện kế hoạch trồng mới và trồng lại sau khai thác 1.500ha rừng sản xuất. Đến đầu tháng 8/2024, toàn huyện đã trồng mới được gần 1.200ha rừng sản xuất. Nhiều hộ gia đình nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp đã xây dựng được trang trại tổng hợp, tổ chức trồng rừng sản xuất và chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng, tạo thêm việc làm tại chỗ, nâng cao đời sống.
Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa thực hiện mục tiêu trồng mới và trồng lại sau khai thác 10.000ha rừng, trong đó có 1.500ha rừng bằng cây nuôi cấy mô. Để phủ xanh đất trống, đồi trọc gắn với nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo các địa phương và các chủ rừng chủ động sử dụng giống chất lượng cao trong trồng rừng (cây nuôi cấy mô). Trong các vườn ươm trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị được hơn 100 vạn cây mô để phục vụ mở rộng diện tích trồng rừng bằng cây nuôi cấy mô. Các đơn vị chức năng, địa phương đã hướng dẫn kỹ thuật trồng mới rừng; chỉ đạo hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật các công trình lâm sinh; chuẩn bị hiện trường trồng rừng.
Tính riêng 7 tháng năm 2024, các cá nhân, gia đình, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã trồng mới và trồng lại sau khai thác được 7.500ha rừng, trong đó có khoảng 1.250ha rừng trồng bằng cây nuôi cấy mô, chủ yếu là keo. Tính từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới và trồng lại sau khai thác được hơn 6.250ha rừng tập trung bằng cây nuôi cấy mô. Kết quả, đến tháng 8/2024, diện tích rừng toàn tỉnh đã tăng lên 647.737ha. Trong đó, toàn tỉnh phát triển ổn định vùng kinh doanh rừng gỗ lớn quy mô 56.000ha.
Để nâng cao hiệu quả trồng rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, các ngành chức năng và các địa phương tăng cường quản lý, sử dụng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trong trồng rừng gỗ lớn (cây nuôi cấy mô) và áp dụng các biện pháp trồng rừng thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Thu hút doanh nghiệp đầu tư dự án trồng rừng theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, xây dựng vùng nguyên liệu thông qua hỗ trợ người trồng rừng thu mua sản phẩm.
Bài và ảnh: Thu Hòa
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/trong-rung-phu-xanh-dat-trong-gan-voi-nbsp-phat-trien-kinh-te-lam-nghiep-ben-vung-221774.htm