Những năm gần đây nhận thấy thị trường, người tiêu dùng có nhu cầu lớn, người dân một số huyện miền núi của tỉnh đã triển khai trồng đu đủ lấy hoa. Đu đủ đã trở thành đối tượng cây trồng đang được người dân phát triển, nhất là ở các huyện Bá Thước, Lang Chánh… mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Gia đình ông Nguyễn Đình Hải ở xã Điền Trung (Bá Thước) thu hoạch hoa đu đủ.
Hoa đu đủ đực có vị đắng, tính bình dùng để trị ho khan, ho có đờm, ho gà, ho về đêm. Ngoài ra, loại hoa này cũng có công dụng trị viêm loét dạ dày, viêm họng, khàn tiếng, sỏi thận, viêm niệu đạo, tiểu dắt… nên được sử dụng nhiều trong đông y. Ngày nay, kế thừa những bài thuốc dân gian, hoa đu đủ đực vẫn được sử dụng là lưu truyền rộng rãi, nhu cầu của thị trường về loại dược liệu này khá lớn. Nhiều doanh nghiệp, HTX đã chủ động đứng ra tổ chức sản xuất, liên kết thu mua sản phẩm cho người dân. Gần 2 năm nay, gia đình ông Nguyễn Đình Hải ở thôn Trúc, xã Điền Trung (Bá Thước) có thu nhập ổn định từ 5 sào trồng đu đủ lấy hoa. Đều đặn 5 ngày, gia đình ông thu hoạch 1 lứa khoảng 6 – 7 kg hoa bán cho thương lái, thu về khoảng 250 – 300 nghìn đồng. Đây là mức thu nhập đáng kể đối với người dân ở khu vực miền núi.
Ông Nguyễn Đình Hải cho biết: Đu đủ lấy hoa dễ trồng và chăm sóc, thích hợp với đất đồi, ít sâu bệnh nên phù hợp với trình độ sản xuất của đa phần người dân địa phương. Từ năm 2021 một số doanh nghiệp kinh doanh dược liệu có nhu cầu lớn về hoa đu đủ đực nên từ chỗ chỉ trồng sử dụng trong gia đình, ông đã trồng khoảng 5 sào trên diện tích đất đồi và vườn nhà. Hơn nữa, sản phẩm hoa tươi sau thu hoạch được tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế vượt trội so với những loại cây trồng khác.
Thông qua những mô hình sản xuất hiệu quả đã có hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện Bá Thước phát triển diện tích trồng cây đu đủ lấy hoa theo hướng hàng hóa. Đặc biệt hơn, khi có một số đơn vị như: HTX dịch vụ nông dược Bá Thước, HTX dược liệu Pù Luông, HTX nông nghiệp an toàn và hữu cơ Lang Chánh… đã liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm, góp phần hình thành vùng sản xuất quy mô ngày càng lớn, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Theo chân giám đốc HTX nông nghiệp an toàn và hữu cơ Lang Chánh Lương Thị Niệm, chúng tôi đến thăm vùng sản xuất cây đu đủ lấy hoa rộng hơn 40 ha tại xã Trí Nang. Mặc dù mới được đưa vào sản xuất chưa đầy 1 năm, song cây đã cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế ước đạt 150 triệu đồng/ha/năm. Bà Niệm cho biết: Sau khi kết nối, liên kết được với doanh nghiệp có nhu cầu lớn về hoa đu đủ đực, HTX đã phối hợp với người dân một số xã trên địa bàn huyện Lang Chánh, Bá Thước, Như Xuân để mở rộng diện tích sản xuất. Theo đó, HTX cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hái cho người dân và thu mua toàn bộ sản lượng để sơ chế, nhập cho doanh nghiệp. Với đặc tính dễ trồng, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, đầu ra ổn định, cây đu đủ lấy hoa đã và đang trở thành cây trồng triển vọng mang lại thu nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân, nhất là ở khu vực miền núi.
Được biết, tại xã Trí Nang người dân đã liên kết với HTX nông nghiệp an toàn và hữu cơ Lang Chánh sản xuất hơn 40 ha cây đu đủ lấy hoa, bước đầu cho tín hiệu khả quan, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp địa phương.
Ông Ngân Đức Hạnh, người dân ở bản Hắc, xã Trí Nang cho biết: Sau khi được tuyên truyền, gia đình ông đã liên kết gieo trồng 1,5 ha cây đu đủ lấy hoa, với khoảng 300 cây. Sau khi được hỗ trợ về giống, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, chỉ sau 4 tháng cây đã cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 40 kg/lứa (1 tuần/lứa), doanh thu đạt khoảng 1,2 triệu đồng/lứa, cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác.
Mặc dù chưa có thống kê chính thức về diện tích sản xuất cây đu đủ lấy hoa ở các huyện miền núi của tỉnh, song thực tế tại các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân… cho thấy đây là loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ sản xuất của người dân khu vực miền núi và có triển vọng phát triển thành cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Hồng Hải cho biết: Hiện nay có hàng chục HTX trên địa bàn các huyện miền núi trong tỉnh đã tham gia sản xuất dược liệu trong đó có cây đu đủ lấy hoa. Nhận thấy đây là mô hình phát triển sản xuất triển vọng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân nên Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với một số sở, ngành liên quan rà soát, lựa chọn mô hình phát triển cây đu đủ lấy hoa theo hướng liên kết, bao tiêu sản phẩm mà HTX nông nghiệp an toàn và hữu cơ Lang Chánh đang triển khai ở một số huyện miền núi để hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị.
Với những trợ lực kịp thời và kế hoạch phát triển phù hợp, hy vọng cây đu đủ lấy hoa sẽ trở thành một trong số những cây trồng hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi đời sống người dân, nhất là ở khu vực miền núi.
Bài và ảnh: Lê Thanh