Tinh thần, khí khế và thắng lợi vẻ vang của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khảm vào lịch sử dân tộc, lịch sử xứ Thanh một mùa thu bừng bừng sắc lửa…
UBND Cách mạng Lâm thời do đồng chí Lê Tất Đắc làm Chủ tịch ra mắt tại thị xã Thanh Hóa, ngày 23/8/1945. (Ảnh chụp lại tư liệu, hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa)
Khí thu, sắc thu thường gợi lên những rung ngân xao xuyến, lãng mạn. Giá như số phận không đè nặng lên vai dân tộc Việt bao nỗi “đoạn trường” thì có lẽ mùa thu cứ thế đẹp đẽ trôi qua trên những trang sử. Nhưng cuộc sống này vốn chẳng có “giá như”. Lịch sử của đất nước Việt Nam, của rất nhiều thế hệ người dân Việt Nam được viết nên bằng máu và nước mắt, tranh đấu và hy sinh. Máu và nước mắt ấy đã thấm đẫm suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc với những “đêm trường tăm tối”; chế độ phong kiến đè nén suốt mấy mươi thế kỷ. Gót giày thực dân thô lỗ và bạo tàn cướp bóc tài nguyên, của cải của ta, giết hại đồng bào ta, buộc ta phải sống đời nô lệ…
Tình cảnh của nước nhà, nỗi khốn khổ của quốc dân đồng bào khiến vị cha già kính yêu của dân tộc – Bác Hồ chẳng thể nguôi ngoai. Đêm đó, trong lán Nà Lừa, dưới chân dãy núi Hồng (Tuyên Quang), dẫu thân thể vẫn bị cơn ốm sốt dai dẳng hành hạ, lúc tỉnh lúc mê, Bác vẫn kiên định một mục tiêu, nêu cao một ý chí: “Thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”. Giữa tháng 8/1945, cũng tại mảnh đất Tân Trào (Tuyên Quang) này, Bác kêu gọi: “Giờ quyết định vận mệnh cho dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Lời Bác khi ấy đã thổi bừng lên ngọn lửa cách mạng, sưởi ấm những trái tim người chiến sĩ cộng sản và thiêu đốt quân địch bằng khí thế bừng bừng, hờn căm dâng trào.
Xứ Thanh của những ngày thu sục sôi ý chí chiến đấu, lòng quyết tâm và tinh thần cách mạng. Từ khi cùng cả nước “thử lửa”, trải qua 3 cuộc tập dượt, cũng là 3 cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh; Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939); Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945), mảnh đất xứ Thanh anh dũng, kiên cường đã thắp lên ngọn lửa của riêng mình, tỏa rạng trên trang sử vàng của dân tộc.
Ánh đuốc bập bùng giữa lòng hang Treo (xã Ngọc Trạo, Thạch Thành), 21 đội viên – những chiến sĩ tiêu biểu của lực lượng tự vệ du kích Thanh Hóa, tuyên thệ thành lập “Đội du kích Ngọc Trạo”, đồng chí Đặng Châu Tuệ là đội trưởng. Dưới lá cờ Đảng quang vinh, “những trái tim như ngọc sáng ngời” đã cùng nhau viết nên bản anh hùng ca mang tên – Chiến khu du kích Ngọc Trạo. Những cuộc chiến đấu giữa lực lượng cách mạng mới thành lập với đội quân thực dân cướp nước diễn ra quyết liệt. Các chiến sĩ du kích Ngọc Trạo với tinh thần ngoan cường, dũng cảm đã đẩy lùi được nhiều đợt phản công của quân địch và cũng không thể tránh khỏi những thương vong, mất mát. Trước tương quan lực lượng quá lớn, ban lãnh đạo chiến khu quyết định chuyển toàn bộ lực lượng về làng Cẩm Bào (Vĩnh Lộc) phiên chế thành đơn vị nhỏ, chuyển hướng hoạt động tiếp tục duy trì lực lượng cho các cuộc đấu tranh về sau. Nhân dân làng Cẩm Bào không quản ngại hy sinh gian khổ hết lòng bảo vệ, chăm sóc các chiến sĩ Ngọc Trạo. Tối ngày 25-10-1941, toàn bộ đội du kích lên đường về các cơ sở cách mạng trong tỉnh, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới.
Phong trào cách mạng càng lan rộng, khí thế càng dâng cao, thực dân Pháp lúc bấy giờ như loài quái thú quằn quại thân thể loang lổ thương tích mà “ăn miếng trả miếng”. Bao trùm lên tất cả là không khí khủng bố khốc liệt của kẻ thù. Sau sự kiện Ngọc Trạo, một đợt khủng bố trắng diễn ra ở khắp các vùng trong tỉnh mà chúng nghi ngờ có cơ sở của Đảng và quần chúng cách mạng. Hàng trăm cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bị tra tấn, giam cầm. Nhà tù Thanh Hóa chật ních các chiến sĩ cách mạng, nhiều làng mạc thôn xóm bị triệt hạ, tài sản bị tước đoạt. Tất thảy quân và dân ta đã đoàn kết một lòng, gấp rút chuẩn bị Tổng khởi nghĩa trong cơn cuồng nộ, tàn bạo của thực dân.
Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Trước tình hình đó, ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị: “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tại Thanh Hóa, ngay từ những ngày đầu tháng 4/1945, Hội nghị chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa nhanh chóng được tổ chức, quyết nêu cao khẩu hiệu: “Đánh đuổi phát xít Nhật”, phát triển các “Đội tuyên truyền xung phong” mở rộng cơ sở cách mạng; phát triển tự vệ cứu quốc, đơn vị tự vệ chiến đấu, lập căn cứ chống Nhật, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Những chủ trương kịp thời ấy đã đưa phong trào cách mạng Thanh Hóa bước vào thời điểm quyết định.
Trong những thời khắc lịch sử hào hùng ấy, tiếng trống lệnh từ cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 24/7/1945 ở Hoằng Hóa vang vang như thúc giục lòng người, cổ vũ tinh thần, ý chí “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Nhận định chính xác tình hình, quân và dân Hoằng Hóa đã có sự chuẩn bị kỹ càng, đoàn kết một lòng, “phủ đầu” quân địch ngay từ khi chúng vừa đặt chân đến vùng đất này, nhanh chóng giành thắng lợi. Ngay buổi trưa ngày 24/7/1945, Chi bộ Đảng và ban Việt Minh huyện khẩn trương tổ chức một cuộc mít tinh tại Cồn Ba Cây trong sự vui mừng, hân hoan của quân và dân Hoằng Hóa. Bản cáo trạng tố cáo tội ác của tri phủ Phạm Trung Bảo và chính quyền tay sai đanh thép vang lên trước sự chứng kiến của hàng nghìn người. Cuộc khởi nghĩa đã trở thành một sự kiện lịch sử đáng nhớ, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hoằng Hóa nói riêng, Thanh Hóa nói chung. Đây là thắng lợi mở đầu cho các cao trào khởi nghĩa giành chính quyền và đưa phong trào cách mạng toàn tỉnh phát triển đến đỉnh cao, góp phần cùng cả nước làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng 8/1945.
Kể từ thắng lợi ấy, dồn dập những sự kiện, tin vui nối tiếp nhau cùng cháy lên tinh thần đấu tranh cách mạng mãnh liệt. Ngày 13/8/1945, Tỉnh ủy mở Hội nghị mở rộng tại làng Mao Xá (xã Thiệu Toán, Thiệu Hóa) quyết định những chủ trương, biện pháp sẵn sàng phát động Nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Vận dụng sáng tạo các chỉ thị của Trung ương vào tình hình thực tế của tỉnh để thành lập ngay Ủy ban khởi nghĩa cấp tỉnh do đồng chí Lê Tất Đắc làm chủ tịch và cử các đồng chí chủ chốt về lãnh đạo giành chính quyền ở các địa phương. Đêm 18, rạng sáng 19/8/1945, lực lượng khởi nghĩa đã giành chính quyền ở các huyện: Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Quảng Xương, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa. Ngày 20/8/1945, các huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), Cẩm Thủy giành chính quyền thắng lợi. Ở thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa), lực lượng cách mạng đã tiến hành nhiều biện pháp khôn khéo, linh hoạt nhưng quyết liệt buộc phát xít Nhật và tay sai đầu hàng. Ngày 23/8/1945, hàng nghìn người nô nức kéo về trung tâm thị xã chào mừng chính quyền cách mạng – chính quyền dân chủ Nhân dân đầu tiên.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “một bước tiến nhảy vọt chưa từng thấy trong lịch sử loài người”. Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã vùng lên phá tan xiềng xích nô lệ, lật đổ chế độ phong kiến, mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á: “Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời” (Huế tháng 8 – Tố Hữu). Ngọn lửa của mùa thu cách mạng năm 1945 đã mở ra kỷ nguyên mới, một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc – thời đại Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Đất nước – Nguyễn Đình Thi).
Đã 79 năm qua đi kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công nhưng tinh thần, khí thế và thắng lợi vẻ vang ấy đã khảm vào lịch sử dân tộc, lịch sử xứ Thanh một mùa thu bừng bừng sắc lửa… Xứ Thanh nhớ Bác. Lòng ta nhớ Bác. Nhớ khoảnh khắc thiêng liêng giữa ngày thu Ba Đình tỏa nắng, Bác trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “…Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do. Dân tộc đó phải được độc lập”. Lời Người vang vang giữa trời thu lồng lộng, giữa muôn triệu trái tim đang rộn ràng đập thanh âm hạnh phúc: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Để rồi cũng từ trong hòa bình hôm nay mà thấm thía sâu sắc lời Bác: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ” mà ở đó “những thắng lợi mà chúng ta đã đạt được mới chỉ là bước đầu trên đường đi muôn dặm”. Bởi vậy, “chúng ta phải tiến lên, cách mạng phải tiến lên nữa. Nếu không tiến, tức là thoái. Và nếu thoái thì những thắng lợi đã đạt được sẽ không thể củng cố và phát triển”…
Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn sách “Địa chí Thanh Hóa”, tập I – Địa lý và Lịch sử, NXB Văn hóa Thông tin.
Thùy Dương – Hương Thảo
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/trong-bung-bung-anh-lua-222506.htm