Những ngày đầu tháng tám lịch sử, về với vùng cửa biển Lạch Trường (Hoằng Hóa) để mỗi thế hệ cháu con lắng lòng nghe khúc tráng ca Hải quân Nhân dân Việt Nam đánh thắng trận đầu và những chiến công của cha ông trên hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng tô thắm thêm truyền thống cách mạng trên quê hương Hoằng Hóa.
Một chiều tháng tám, du khách chộn rộn bước chân về với vùng cửa biển Lạch Trường vừa mang nét thơ mộng vừa hoang sơ, phóng khoáng. Lạch Trường tựa như một bản hợp tấu với đủ những cung bậc, khi thì tình tứ, lãng mạn như khúc ru, lúc lại hào hùng, mạnh mẽ với những sự kiện lịch sử vang dội, khi lại tươi mới, nhiệt thành như khúc hoan ca đổi mới, lao động sản xuất…
Nơi đây xa xưa từng là một thương cảng, nơi người Việt giao lưu buôn bán với người Trung Hoa, một số nước Đông Nam Á, Ấn Độ. Ở khúc sông Ngu Giang có núi Linh Trường và cửa biển Lạch Trường, năm 1380 Hồ Quý Ly đã dựa vào thế núi đánh tan đạo quân của Chế Bồng Nga vào xâm lược bờ cõi. Vùng cửa biển này cũng chính là nơi đã tìm thấy cây đèn đồng hình người quỳ – hiện vật độc đáo tiêu biểu vào thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn, đã được công nhận là bảo vật quốc gia, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Những điều đó đã tô điểm thêm cho vùng cửa biển thêm phần danh giá, chiều sâu lịch sử – văn hóa.
Cũng trên vùng cửa biển này, lịch sử đã ghi dấu nhiều sự kiện, tiêu biểu là trận chiến không cân sức giữa một bên là tàu chiến, máy bay hiện đại của đế quốc Mỹ xâm lược, một bên là những người lính hải quân Việt Nam và quân dân Thanh Hóa quả cảm, kiên cường.
Ngày 2-8-1964, những con tàu nhỏ bé nhưng dũng mãnh của hải quân Việt Nam đã đánh đuổi khu trục hạm Maddox của Mỹ xâm phạm vùng biển Việt Nam. Ngày 5-8-1964, với tên gọi “Mũi tên xuyên”, Quân đội Mỹ đã mở cuộc tiến công xâm lược bằng không quân và hải quân quy mô lớn đầu tiên vào miền Bắc Việt Nam. Với âm mưu đánh đòn bất ngờ, máy bay địch tiến đánh hầu hết các căn cứ, khu trú đậu và các tàu hải quân Việt Nam đang hoạt động trên vùng biển miền Bắc từ cảng sông Gianh (Quảng Bình) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh), trong đó Lạch Trường là một trong những trọng điểm đánh phá của địch.
Tại Lạch Trường, các đơn vị dân quân các xã Ngư Lộc, Đa Lộc, Minh Lộc, Hòa Lộc thuộc huyện Hậu Lộc; xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa; tự vệ đánh cá Lạch Trường; Đại đội 19 Phòng không bảo vệ trạm ra-đa; đồn công an vũ trang 74… luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu. Họng súng hiên ngang chĩa về phía quân địch thay cho lời quyết tâm. Sự chi viện, hiệp đồng tác chiến của quân và dân Thanh Hóa đã làm tăng thêm sức chiến đấu của lực lượng hải quân ta, góp phần viết nên bản hùng ca trận đầu chiến thắng của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, cùng với các địa phương khác trong cả nước, quân và dân Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp quan trọng, là “hậu phương lớn” của miền Nam ruột thịt, địa bàn chiến lược trọng yếu, “chiếc giáp sắt” bảo vệ thủ đô Hà Nội, kho dự trữ chiến lược, chiếc cầu nối giữa miền Bắc với miền Nam khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân.
Trên vùng đất biển Hoằng Trường (Hoằng Hóa), tháng 10-1967, Thanh Hóa tiếp tục lập chiến công, nức lòng bốn phương khi Trung đội lão dân quân Hoằng Trường – đơn vị dân quân “tuổi cao chí càng cao” đã làm nên kỳ tích bắn rơi máy bay của Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Đây là đơn vị lão dân quân đầu tiên của miền Bắc bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh.
Chiến công ấy đã ghi tạc vào đá núi, loang xa theo lớp lớp sóng biển khơi… Cháu con hôm nay ngân nga theo những câu hát “Hát mừng các cụ dân quân” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận – khúc hát của sự trân trọng, lòng tri ân sâu sắc: “Loa vang tin khắp nơi các cụ vừa hạ rơi máy bay/ Những cây súng bộ binh rất tài, nhằm trúng, tan xác ngay giữa biển trời/ Tuổi cao chí càng cao, sẵn sàng chiến đấu, khiến quân giặc Mỹ điên đầu/ Sóng vỗ ngoài khơi khắp làng xóm mừng vui/ Ới dô trên đất này những cụ già bắn rơi máy bay/ Ới dô trên đất này những cụ già bắn rơi máy bay […] Ai vô Thanh Hóa coi nức lòng trẻ già vui khắp nơi/ Nắng mưa các cụ đi không ngại, sườn núi nheo mắt trông giữ biển trời/ Tuổi cao chí càng cao, tay cày tay súng, bước theo truyền thống anh hùng/ Áo thấm mồ hôi nhưng lòng các cụ vui/ Ới dô bên luống cày, tóc cụ bà phất phơ gió bay/ Ới dô trong phút này, mắt cụ già vẫn canh máy bay (hay!)”.
Theo thời gian, cảnh sắc thiên nhiên Lạch Trường vẫn níu lòng như thế, nhịp sống nơi đây vẫn sôi động với cảng cá, chợ cá, những chuyến vươn khơi bám biển… Duy chỉ khác một điều, Lạch Trường giờ đây đã là điểm du lịch tiêu biểu của huyện Hoằng Hóa, thu hút đông đảo du khách với Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò- Lạch Trường được xây dựng quy mô, đẹp mắt. Đến nơi đây, du khách không chỉ có dịp thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên, khám phá khu vực núi Hòn Bò, dâng hương khấn Phật… Nổi bật trong không gian ấy là Đài chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam – chứng nhân lịch sử. Cùng với Đài chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam, trong âm hưởng hào hùng những ngày tháng tám, trên hành trình về với cửa biển Lạch Trường, du khách ghé thăm tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng.
Thời gian đã khép lại bức màn lịch sử, chiến tranh cũng đã lùi xa, nhưng mỗi dịp tháng tám, lòng mỗi người con xứ Thanh vẫn hướng về phía cửa biển Lạch Trường – nơi vang mãi chiến công…
Bài và ảnh: Thảo Linh