Mùa lễ hội, nếu có dịp về Thanh Hóa ghé huyện Thọ Xuân, nơi được mệnh danh là đất hai vua, lữ khách đừng bỏ lỡ cơ hội tận mắt chứng kiến một di sản độc nhất vô nhị của người địa phương: Trò diễn Xuân Phả.
Năm 2016, trò Xuân Phả trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên của Thanh Hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Âm vang nghìn năm lịch sử
Lần đầu nghe đến trò diễn Xuân Phả, có lẽ không ít người cảm thấy khó hiểu trước cái tên này. “Trò” vốn là cách gọi dân gian, chỉ những điệu múa dân gian độc đáo có cốt truyện, kể lại tích xưa. Còn yếu tố “diễn” là cử chỉ, hành động để biểu cảm.
Theo nghệ nhân Bùi Văn Hùng – Trưởng Đoàn nghệ thuật truyền thống Xuân Phả, người dân làng Xuân Phả tin rằng trò diễn cổ này có từ khoảng thế kỷ IX – X, gắn liền với câu chuyện Thành hoàng làng giúp vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) dẹp loạn 12 sứ quân.
Tương truyền, khi tiến quân vào Ái Châu, Đinh Bộ Lĩnh sai sứ giả đi chiêu mộ binh lực, hiền tài. Khi sứ giả đến bờ sông Chu, giông tố bỗng nổi lên. Sứ giả phải nghỉ tại nghè làng Xuân Phả. Đêm ấy, Thành hoàng làng Xuân Phả báo mộng cho sứ giả cách bày binh bố trận đánh giặc. Hôm sau, sứ giả trở về bẩm báo với Đinh Bộ Lĩnh.
Đinh Bộ Lĩnh làm theo kế sách và lần lượt thu phục các sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế, tức Đinh Tiên Hoàng đế. Để tỏ lòng biết ơn, vua phong cho Thành hoàng làng Xuân Phả là Đại Hải Long Vương và ban thưởng cho dân làng 5 điệu múa trò để dâng lên Thành hoàng hàng 5 trong dịp lễ hội.
Trò Hoa Lang có điệu múa quạt đặc trưng. Ảnh: Phạm Huyền
Trò diễn Xuân Phả hội tụ nghệ thuật múa cung đình và múa dân gian. Trò diễn tái hiện cảnh năm quốc gia cổ (Trung Hoa, Hòa Lan, Tú Huần, Chăm Pa, Ai Lao) mang lễ vật và các tiết mục múa hát đặc sắc của họ để chúc mừng Hoàng đế Việt Nam xưa. Mỗi điệu múa đều mang ý nghĩa riêng, với dàn diễn viên là những nông dân ngày thường tay liềm tay cuốc, ngày hội xúng xính áo diễn, tay phách tay chèo làm đạo cụ.
Đầu tiên là trò Hoa Lang tượng trưng cho cảnh người Cao Ly (Triều Tiên) tiến cống, với các nhân vật ông, cháu, mế nàng và mười quân (lính bảo vệ). Trang phục của trò này gồm áo dài, mũ cao da bò, tay trái cầm quạt, tay phải cầm mái chèo, đeo mặt nạ da bò sơn trắng, mắt đính lông công. Mũ Chúa chạm rồng, mũ Quân chạm mặt nguyệt. Trang phục màu sắc, hoa văn bắt mắt, biểu tượng linh vật tượng trưng cho phẩm cấp quan lại phong kiến… là những chi tiết thể hiện yếu tố cung đình trong trò diễn này.
Trò Tú Huần diễn lại cảnh người Thổ Hồn Nhung (Mông Cổ) tiến cống. Diễn trò này, các nghệ nhân đội mũ loóng làm từ tre, đeo mặt nạ gỗ miêu tả bà cố, mẹ và 10 người con. Mũ tre đan như rế nồi úp ngược, có lạt tre làm tóc bạc, đội trên khăn vuông vải đỏ. Mặt nạ gỗ sơn trắng vẽ mắt mồm màu đen. 10 người con trong trò này chia thành 5 cặp, mặt vẽ 1 – 2, đến 5 cái răng tương xứng với độ tuổi từ trẻ đến già.
Trò Ai Lao tượng trưng người Thái – Lào tiến cống, gồm Chúa Lào, người hầu, mười quân, voi và hổ nhảy múa theo tiếng xênh tre. Chúa Lào đội mũ cánh chuồn, mặc áo chàm xanh. Quân lính đội mũ rễ si, quấn phá ngang vai, chân mang xà cạp và tay cầm xênh tre.
Trò Ngô Quốc tượng trưng người Ngô Việt (Trung Hoa) tiến cống, có hai nàng tiên, ông chúa và mười quân đội nón lính, áo màu lam, tay cầm mái chèo. Đầu màn có nhân vật trong vai người bán thuốc, bán kẹo và thầy địa lý múa trước khi các nàng tiên cùng chúa và đoàn quân tiến vào. Màn diễn gồm các điệu múa quạt, múa khăn, múa mái chèo.
Trò Chiêm Thành tượng trưng người Chăm Pa tiến cống. Trong trò này, ngoài Chúa và quân còn có ông phỗng. Áo Chúa bằng đậu, áo quân bằng lụa, nhuộm màu đỏ hồng trơn, đầu vấn khăn vuông đỏ thành hai sừng thẳng đứng.
Truyền lửa cho thế hệ trẻ
Trải qua lịch sử hình thành và phát triển cả ngàn năm, trò Xuân Phả với yếu tố cung đình đã được dân gian hóa, trở thành Di sản văn hóa riêng của Thanh Hóa. Trải qua bao thăng trầm suốt 1.000 năm lịch sử, có thời gian dài bị mai một, trò diễn Xuân Phả từng bước được khôi phục và hoàn thiện các điệu múa, trang phục, đạo cụ…
Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng, người có hơn 40 năm kinh nghiệm gìn giữ và phát huy giá trị trò diễn Xuân Phả, cho biết, hiện nay khoảng 22 nghệ nhân đang góp phần bảo tồn điệu múa cổ. Ở Xuân Phả có 1 Nghệ nhân Nhân dân và 15 Nghệ nhân Ưu tú. Cụ ông Đỗ Đình Tạ, người đã ngoài 90 tuổi, đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.
Bà Đỗ Thị Hảo, sinh năm 1957, vợ của nghệ nhân Bùi Văn Hùng cho biết, bà là một trong 15 người đầu tiên tham gia vào quá trình khôi phục đội trò từ những năm 1990. Những cụ già trong làng đã truyền dạy lại cho thế hệ sau. Dần dần khi những điệu múa hoàn thiện, đội trò đã đi biểu diễn ở nhiều nơi trên khắp cả nước. Đến nay, đội trò đã có thế hệ kế cận là những người thuộc thế hệ 8X – 9X… và hướng đến truyền dạy thế hệ trẻ hơn.
Nghệ nhân Bùi Văn Hùng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Công tác bảo tồn và truyền dạy di sản rất phong phú thông qua các sự kiện, lễ hội, lớp học. Hàng năm cứ từ ngày 10 – 12 tháng 2 Âm lịch, người làng sẽ diễn trò Xuân Phả tại di tích Nghè Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân. Các nghệ nhân biểu diễn và truyền dạy cho các tầng lớp nhân dân ở các khu dân cư, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Khoảng tháng 10, tháng 11 hàng năm, trò diễn sẽ được truyền dạy cho các cháu học sinh thông qua các sự kiện tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và lớp truyền dạy.
“Chúng tôi cố gắng truyền dạy cho các thế hệ trẻ, để các cháu hiểu về truyền thống và giá trị của các điệu múa này, khơi dậy niềm tự hào về quê hương. Với sự tham gia của chính quyền địa phương, cộng đồng và thế hệ trẻ, trò diễn Xuân Phả không chỉ được bảo tồn mà còn phát huy mạnh mẽ những giá trị truyền thống”, nghệ nhân Bùi Văn Hùng cho hay.
Anh Đỗ Ngọc Tùng (thôn 2, xã Xuân Trường), một diễn viên trong đội diễn trò, cho biết, từng tham gia đội múa từ năm 20 tuổi, đến nay đã gần 15 năm. Với thế hệ kế cận như anh Tùng, việc góp mặt trong đội múa là vinh dự. “Đã là người con của quê hương Xuân Trường phải biết đến múa Xuân Phả”, anh Tùng khẳng định.
Hiện nay, trò diễn Xuân Phả đã vươn ra thế giới. Một số người ở Pháp đã gửi cho nghệ nhân Xuân Phả hình ảnh về trò diễn này từ năm 1936 tại cố đô Huế được trưng bày ở một bảo tàng tại Pháp. Bức ảnh quý giá giúp các nghệ nhân có thêm tư liệu để tham khảo, đưa những hoa văn cổ vào trang phục trình diễn. Một số nhà nghiên cứu người Hàn Quốc đã ngỏ ý muốn ghé thăm Xuân Phả để tìm hiểu về trò diễn dân gian độc nhất vô nhị này.
Phạm Huyền
Nguồn:https://laodong.vn/du-lich/kham-pha/tro-dien-xuan-pha-nghin-nam-tuoi-chi-co-o-thanh-hoa-1445069.html