Xác định nuôi trồng thủy sản có vai trò quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp của địa phương, huyện Triệu Sơn đã ưu tiên dành các nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, khuyến khích người dân chuyển giao khoa học – kỹ thuật, phát triển những đối tượng con nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
Diện tích nuôi thủy sản nước ngọt của gia đình ông Trương Sỹ Chế, xã Xuân Thọ mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.
Huyện Triệu Sơn có diện tích mặt nước và hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch suối lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Đến tháng 8-2023 trên địa bàn có khoảng 7.100 hộ, cơ sở tham gia nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có 135 cơ sở nuôi thâm canh, bán thâm canh có diện tích nuôi trồng từ 1,2 đến 3,5 ha tại các xã Xuân Thọ, Thọ Ngọc, Vân Sơn…, còn lại là các hộ, cơ sở nhỏ lẻ có diện tích nuôi từ 0,03 ha trở lên. Phương thức nuôi chủ yếu là trong các ao, xen canh, nuôi thủy sản kết hợp với cấy lúa, nuôi theo mô hình tổng hợp. Đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá truyền thống: mè, trôi, trắm, chép… có đặc tính dễ nuôi, dễ quản lý chăm sóc, ít dịch bệnh, phù hợp trình độ kỹ thuật và quản lý của các hộ nông dân. Để nâng cao giá trị kinh tế, các phòng, đơn vị chuyên môn của huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất cho người dân.
Theo giới thiệu của cán bộ UBND huyện, chúng tôi đến xã Xuân Thọ. Với hơn 300 hộ phát triển nuôi thủy sản nước ngọt, tổng diện tích hơn 120 ha, xã Xuân Thọ được xem là vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt trọng điểm, giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện Triệu Sơn. Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, các cấp chính quyền địa phương đã hỗ trợ Nhân dân phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, như: mương dẫn và tiêu nước, bờ vùng, bờ thửa… cho vùng nuôi trồng.
Gia đình ông Trương Sỹ Chế, thôn 5, xã Xuân Thọ có hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt, với các đối tượng nuôi, như: cá trắm, trôi, chép, rô phi… trên diện tích 5 sào ao nuôi được đầu tư hạ tầng kiên cố, đồng bộ và kỹ thuật nuôi tốt, mỗi năm gia đình ông thu được khoảng 1,5 tấn cá, doanh thu hơn 200 triệu đồng, lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Ông Chế cho biết: “Nuôi cá nước ngọt là nghề gắn bó gần 20 năm với gia đình tôi. Chúng tôi đã tích lũy được kinh nghiệm, kỹ thuật trong nuôi cá. Bên cạnh việc phát triển cá thương phẩm cung cấp cho thị trường, gia đình tôi còn cung cấp con giống các loại cá cho nhiều hộ gia đình trong, ngoài xã. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nuôi cá nước ngọt, gia đình tôi và gần 300 hộ trong xã đã liên kết thành lập Chi hội Nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn, nhằm giúp nhau về tài chính, kinh tế để phát triển nuôi trồng. Chi hội cũng đứng ra liên kết với đơn vị cung ứng vật tư sản xuất, thức ăn chăn nuôi để tạo ra sản phẩm tương đồng về chất lượng và tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm quy mô hàng hóa cho hội viên, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản của địa phương.
Bên cạnh nuôi các loại thủy sản nước ngọt truyền thống, những năm gần đây, để tận dụng, khai thác diện tích mặt nước, nguồn thức ăn xanh, UBND huyện Triệu Sơn đã tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, người dân tích tụ ruộng đất, đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Theo đó, nhiều hộ dân đã đầu tư các loại con nuôi có năng suất và hiệu quả cao như: cá chuối đen, cá chuối hoa, cá rô phi đơn tính xuất khẩu, cá rô đầu vuông, cá vược, ba ba, ếch, lươn, chạch… Nhờ đó, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện cũng tăng dần từ 880 ha năm 2020 lên 910,75 ha tính đến nay. Hàng năm, sản lượng thủy sản nuôi trồng của huyện đạt hơn 2.100 tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 77 tỷ đồng/năm. Bình quân giá trị thu được trên 1 ha mặt nước chuyên nuôi trồng thủy sản đạt 152,6 triệu đồng, cao hơn 30,3 triệu đồng so với trồng trọt.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Sơn, ông Nguyễn Lê Khương, cho biết: UBND huyện Triệu Sơn đã và đang tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường nước, phát triển nuôi thủy sản an toàn. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho cá; tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế. Cùng với đó, huyện sẽ vận dụng các kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án để hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi từ nuôi thả các giống thủy sản truyền thống sang các loại giống mới cho năng suất cao. Chủ động được nguồn con giống, thức ăn tại chỗ nhằm giảm chi phí và đầu tư xây dựng, củng cố hạ tầng nuôi trồng, đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Bài và ảnh: Lê Hòa