Một trong những sản phẩm đặc trưng từ hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Hoằng Hóa là cua. Các hộ nuôi cua chủ yếu theo hình thức xen canh và thu hoạch bắt tỉa. Tuy nhiên, sản phẩm cung ứng ra thị trường chủ yếu là cua thịt, rất hiếm khi có cua lột. Trong khi cua lột mới chính là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa thích bởi dễ ăn, hương vị hấp dẫn và giàu dinh dưỡng.
Nhân viên kỹ thuật Công ty TNHH SH79 kiểm tra các lồng nhựa nuôi cua để thu hoạch cua lột đúng thời điểm.
Nhận thấy nhu cầu của thị trường và những lợi thế từ vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ của xã Hoằng Phong và các xã vùng triều lân cận, Giám đốc Công ty TNHH SH79 Lê Văn Châu đã đầu tư mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa với diện tích gần 1 ha ngay tại vùng nuôi trồng thủy sản ngoại đê của xã Hoằng Phong. Đây là mô hình nuôi cua lột đầu tiên của huyện Hoằng Hóa. Sản phẩm cua lột SH79 cũng vừa được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Hoằng Hóa năm 2023.
Theo ông Châu, để nuôi được cua lột đòi hỏi phải đầu tư vốn lớn để xây dựng nhà có mái che, bể nuôi kiên cố, hệ thống xử lý nước cũng như kho lạnh bảo quản… Quá trình nuôi cua lột đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, kinh nghiệm. Cua nuôi được chọn lựa kỹ trước khi đưa vào nuôi, phải là cua có trọng lượng từ 150 g đến 250 g, bảo đảm khỏe mạnh, chắc thịt, đạt chất lượng. Loại cua này được chọn mua từ các đầm nuôi trồng thủy sản trong xã và các xã lân cận. Sau khi được tuyển chọn, cua được khử khuẩn và được cho vào các lồng nhựa riêng để chăm sóc, theo dõi hàng ngày và bảo đảm các điều kiện môi trường để chúng có thể lột vỏ. Mỗi ngày, cua được cho ăn theo khẩu phần, thức ăn của cua chủ yếu là hải sản tươi như: cá trích, ngao, vẹm, ốc… Người nuôi phải rất cẩn trọng trong việc bảo đảm nguồn nước trong các bể nuôi, bảo đảm điều kiện sống cho cua.
Quá trình chăm sóc, theo dõi cua lột cũng khá kỳ công. Cứ 3 tiếng/lần, nhân viên kỹ thuật của công ty phải kiểm tra, theo dõi tiến trình cua lột trong từng hộp nhựa để canh thời điểm thu hoạch. Con nào lột vỏ sẽ được lấy ra làm sạch, sau đó đưa vào đóng gói thành khay, có bao bì, nhãn mác rõ ràng và được bảo quản trong kho đông lạnh của công ty. Cua được cấp đông sẽ bảo quản được lâu hơn và thuận tiện trong việc vận chuyển đi xa.
Cua lột SH79 được xem là mặt hàng thực phẩm cao cấp, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Giá thành của sản phẩm hiện ở mức cao, dao động từ 800.000 – 1.000.000 đồng/kg tuỳ vào kích cỡ. Quy mô sản xuất của đơn vị hiện ở mức khoảng 5 tấn cua/năm. Sản phẩm cua lột SH79 hiện đã có mặt trong các siêu thị tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng.
Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong Nguyễn Sỹ Hiệp cho biết: Sản phẩm cua lột của Công ty TNHH SH79 là sản phẩm đặc trưng của địa phương, đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Đây là một mô hình có nhiều triển vọng, góp phần làm đa dạng các sản phẩm thủy sản, thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình như thế này còn gặp khó khăn do quy trình nuôi cua lột không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao mà cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ban đầu. Do vậy, cần nhiều trợ lực hơn nữa để khuyến khích người dân học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư thêm những mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao để phát triển kinh tế bền vững.
Bài và ảnh: Việt Hương