Hiện nay, nguồn dược liệu tự nhiên ngày càng cạn kiệt nên nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, nhất là ở khu vực miền núi đã du nhập, nhân rộng mô hình sản xuất cây dược liệu. Tại huyện Bá Thước, mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ được đầu tư, hiện đã cho thu hoạch những lứa đầu tiên. So với những cây trồng truyền thống, mô hình trồng cây dược liệu khá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ sản xuất của người dân. Do đó, mô hình không chỉ bổ sung nguồn dược liệu cho y học, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn mở ra hướng sản xuất hàng hóa cho đồng bào các dân tộc địa phương.
Người dân các xã Thiết Ống, Lũng Cao được cấp phát giống cây dược liệu.
Ông Lò Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, cho biết: Thời gian gần đây, một số hộ dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương đang được thụ hưởng mô hình “Phát triển cây dược liệu hữu cơ trên địa bàn xã Thiết Ống và Lũng Cao, huyện Bá Thước” do Văn phòng Quốc gia giảm nghèo bền vững chủ trì, đặt hàng và giao Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (thuộc Liên minh HTX Việt Nam) phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa tổ chức thực hiện. Dự án hỗ trợ phân bón, giống cây trồng, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người trồng các giống cây dược liệu, như: cà gai leo, xạ đen, ngải cứu, mật gấu… Điểm ưu việt của mô hình chính là toàn bộ diện tích sản xuất dược liệu của người dân được HTX Dược liệu Pù Luông ký hợp đồng thu mua với giá ổn định.
Được biết tháng 8/2023, mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ được Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (thuộc Liên minh HTX Việt Nam) phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện trên địa bàn các xã Thiết Ống và Lũng Cao. Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn, 80 hộ nghèo, cận nghèo của hai xã đăng ký thực hiện mô hình. Cùng với đó, các hộ dân đã đưa giống cây dược liệu được hỗ trợ từ mô hình vào trồng thay thế cho các loại cây trồng mang hiệu quả kinh tế thấp, như: sắn, ngô, gai xanh… Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, từ đầu tháng 10/2023, những khu đồi trồng cây dược liệu đã hoàn thành với tổng diện tích 11,2 ha. Trong đó, khoảng 2 ha là diện tích cây ngải cứu. Theo đánh giá của các hộ dân, chất đất đồi và khí hậu mát mẻ tại địa phương khá phù hợp đối với cây dược liệu nên không cần phải chăm sóc nhiều, diện tích dược liệu phát triển khá tốt. Sau 2 tháng được trồng trên các khu đồi cao hơn 2 ha cây ngải cứu đã cho thu hoạch, mang lại thu nhập cao cho các hộ dân.
Ông Hà Văn Kiểm, người dân thôn Son, xã Lũng Cao, cho biết: “Sau khi được địa phương, Liên minh HTX tỉnh triển khai dự án, gia đình tôi đã đăng ký trồng 3 sào cây ngải cứu. Được các đơn vị liên quan hỗ trợ giống cây trồng, phân bón, chế phẩm sinh học và tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nên khi ứng dụng vào thực tế đạt kết quả tốt. Sau gần 4 tháng trồng, 3 sào ngải cứu của gia đình đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, đạt hơn 3 tạ, doanh thu hơn 2 triệu đồng. Dự kiến, cây ngải cứu cho thu hoạch 3 lứa/năm nên thu nhập cao hơn từ 2 – 2,5 lần so với sản xuất ngô. Gia đình tôi đang dự kiến mở rộng diện tích sản xuất thêm cây cà gai leo dược liệu, bởi đầu ra sản phẩm được liên kết ổn định”.
Sau gần 4 tháng triển khai sản xuất, toàn bộ diện tích trồng cây ngải cứu của người dân 2 xã Thiết Ống, Lũng Cao đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tổng sản lượng khoảng 35 tấn, được HTX Dược liệu Pù Luông thu mua ngay tại đồi, giá trị kinh tế ước đạt khoảng 180 – 200 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa, ngô từ 2 – 3 lần. Nhờ đó, đã nhân lên niềm tin, kỳ vọng cho người dân địa phương, đồng thời mở ra hướng phát triển kinh tế mới, tạo sinh kế để các hộ thoát nghèo và tiếp cận với nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị.
Tại lễ bàn giao vật tư sản xuất cho các hộ dân tham gia dự án, ông Vũ Quang Phong, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Liên minh HTX Việt Nam, cho biết: Hiện, dự án đã hỗ trợ hơn 11,9 tấn phân bón hữu cơ tre xanh, 535,5 lít chế phẩm sinh học Organic tre xanh và 238 lít thuốc bảo vệ thực vật FasFix 150, hơn 320 nghìn giống cây xạ đen, 320 nghìn cây ngọc hoàn, 312 nghìn giống cây ngải cứu cho người dân tham gia dự án. Các loại dược liệu được hội viên, nông dân trồng không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu mà hoàn toàn từ hữu cơ nên đảm bảo chất lượng khi sử dụng. Đặc biệt, toàn bộ diện tích dược liệu đã được HTX Dược liệu Pù Luông liên hệ ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đây là mô hình kinh tế có triển vọng rất lớn, không chỉ đem lại thu nhập cao cho người dân mà còn bảo tồn nhiều giống dược liệu quý vốn đang cạn kiệt dần.
Hiệu quả bước đầu từ mô hình phát triển cây dược liệu hữu cơ đã mang lại niềm vui, nâng cao thu nhập cho người dân các xã Thiết Ống và Lũng Cao. Đồng thời, đây là mô hình sản xuất mở ra hướng phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, gắn sản xuất với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các xã nói riêng và huyện Bá Thước nói chung.
Bài và ảnh: Lê Hòa