Chiều 29/12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết ngành ngân hàng, quyết toán tài chính năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, Cục Thuế Thanh Hóa, Kho bạc Nhà nước tỉnh Thanh Hóa, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị.
Năm 2023, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thu và chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN); tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế; đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng nguồn thu ngân sách, với kết quả thu NSNN đạt 118,6% dự toán.
Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa đã thực hiện các biện pháp thu NSNN hiệu quả; thẩm định, tham mưu phân bổ, bố trí kinh phí kịp thời, bảo đảm theo quy định, kiểm soát chi ngân sách chặt chẽ; thực hiện đúng và đủ các quy định của Luật NSNN về phân bổ kinh phí và kiểm soát thanh toán đối với các khoản chi thường xuyên; bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức và nội dung, nhiệm vụ chi trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thanh Hóa Tống Văn Ánh phát biểu tại hội nghị.
Giám đốc BIDV Lam Sơn Phạm Thị Thúy Nga phát biểu tại hội nghị.
Ngành Ngân hàng đã thực hiện các chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với chính sách phát triển kinh tế của tỉnh; sớm vào cuộc, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp cấp bách theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Tính đến ngày 31/12, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 164.490 tỷ đồng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển), tăng 18% so với đầu năm. Tổng dư nợ toàn địa bàn ước đạt 190.236 tỷ đồng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển), tăng 8,2% so với đầu năm. Đây là nguồn lực quan trọng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu kết luận hội nghị.
Sau khi các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi chúc mừng và biểu dương cán bộ, công chức các ngành đã nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch tài chính, ngân hàng năm 2023 đã đề ra. Năm 2024, năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, năm có ý nghĩa quan trọng, tạo đà bứt phá để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do vậy, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Kho bạc Nhà nước tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thu – chi NSNN để thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính. Từng bước chuyển đổi phương thức kiểm tra truyền thống sang kiểm tra, giám sát từ xa, trên môi trường điện tử, môi trường số, nhằm cảnh báo sớm rủi ro, phát hiện kịp thời các tồn tại, hạn chế trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ. Tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu, ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt và thanh toán song phương điện tử với các hệ thống ngân hàng thương mại; tạo thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân trong thực hiện các nghĩa vụ thuế…
Đồng chí yêu cầu Cục Thuế tỉnh khẩn trương xây dựng Kế hoạch thu NSNN năm 2024; rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, những lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý thu hiệu quả, nhất là thu tiền sử dụng đất. Tiếp tục nắm bắt kịp thời những vướng mắc, khó khăn của người nộp thuế để tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời. Tăng cường kiểm tra nội bộ ngành về kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thực hiện đúng quy định về công tác luân phiên, luân chuyển và điều động cán bộ.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Hải quan Thanh Hóa tiếp tục tập trung rà soát, kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế, trị giá tại khâu thông quan, khâu sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ để được áp dụng mức thuế thấp; khai sai trị giá tính thuế. Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, chống buôn lậu và gian lận thương mại thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý; đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, phát huy hiệu quả hạ tầng Cảng biển Nghi Sơn và tăng thu NSNN.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu NHNN Thanh Hóa tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, NHNN Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, tiếp tục phối hợp tốt với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Thanh Hóa, Ninh Bình để tổ chức các hội nghị, hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng áp dụng thủ tục cho vay thông thoáng; giảm lãi suất cho vay; tăng cường thông tin, hướng dẫn khách hàng, các đối tượng thụ hưởng tiếp cận chính sách, các chương trình hỗ trợ tín dụng và các sản phẩm, dịch vụ đang cung cấp. Triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Đồng thời, có các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng và thu hồi, xử lý nợ xấu, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. ..
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; có cơ chế hỗ trợ, chia sẻ với các khách hàng gặp khó khăn. Từng ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cần chủ động thực hiện các hoạt động kết nối, đối thoại với các hiệp hội doanh nghiệp và khách hàng để trao đổi, tháo gỡ khó khăn và cùng nhau có các giải pháp cụ thể, kịp thời, linh hoạt cho người dân, doanh nghiệp.
Khánh Phương