Chiến tranh đã đi qua nhiều năm nhưng những hậu quả và dư âm còn sót lại vẫn rất lớn và khốc liệt trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam. Ngày 27/7 đang đến gần, đó là ngày mà Nhân dân cả nước đã dành riêng để tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì đất nước, vì độc lập tự do. Là khoảng thời gian lắng đọng nhất để mỗi người Việt Nam kính cẩn, nghiêng mình trước linh hồn những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, quên mình vì Tổ quốc; để tri ân các thương binh, bệnh binh, các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Đồng chí Vũ Thị Hương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐTB&XH trao quà cho Đội Quy tập thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Lào về nước. Ảnh: Thu Hằng (Sở LĐTB&XH tỉnh)
Đi suốt chiều dài của công cuộc trường chinh kháng chiến giải phóng dân tộc và với một vùng quê giàu truyền thống của cách mạng với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến”, tất cả vì độc lập tự do, hàng ngàn người con của quê hương xứ Thanh đã xung phong tình nguyện lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Mỗi tên đất, tên người và những địa danh lịch sử đều ghi dấu chân của các anh, các chị – những người con dũng cảm của quê hương Thanh Hóa anh hùng. Để đền đáp công ơn to lớn đó, kế tục và phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta, trong những năm qua cùng với cả nước, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh ta đã hết lòng chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và người có công với cách mạng.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 350.377 người có công với cách mạng, trong đó: 4.634 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 64 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống); 55.977 liệt sĩ; 860 cán bộ lão thành cách mạng, 444 cán bộ tiền khởi nghĩa, 43.610 thương binh; 15.977 bệnh binh; 15.237 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 1.169 người có công giúp đỡ cách mạng; 1.636 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 210.833 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương. Hiện nay, Thanh Hóa có 66.823 người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hằng tháng; trên 99,8% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; 100% các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương kịp thời triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Lồng ghép tổ chức hội nghị học tập, nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị định của Chính phủ hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã phối hợp với Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thường xuyên tuyên truyền, đưa tin bài, phóng sự về các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; tăng thời lượng, tần suất phát sóng, chuyên mục để đăng tải, nhất là vào các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, dịp Tết Nguyên đán hằng năm; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thường xuyên phổ biến, tuyên truyền về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cho cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cho các cán bộ từ thôn, xóm, khu dân cư trên địa bàn, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của cấp huyện và hệ thống truyền thanh của cấp xã, thôn xóm.
Công tác chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi chính sách đối với người có công với cách mạng được đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Sở LĐTB&XH phối hợp với cơ quan bưu điện tổ chức chi trả hằng tháng cho 66.823 người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với tổng kinh phí bình quân hằng tháng hơn 150 tỷ. Đồng thời, đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia trong chi trả chế độ không dùng tiền mặt cho đối tượng người có công theo đúng chế độ quy định.
Ngoài thực hiện các chế độ trợ cấp thường xuyên và chế độ trợ cấp một lần, Sở LĐTB&XH và các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả chế độ điều dưỡng đối với người có công và thân nhân liệt sĩ, giai đoạn từ năm 2022 tới nay đã có 81.711 lượt người được thực hiện chế độ điều dưỡng, với tổng kinh phí thực hiện trên 129 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH đã thực hiện kịp thời các chế độ khác, như: hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho 6.862 lượt người, với tổng kinh phí thực hiện trên 12,2 tỷ đồng; thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục đào tạo cho 1.974 con đẻ người có công, với tổng kinh phí thực hiện trên 14,4 tỷ đồng; thực hiện chế độ thờ cúng liệt sĩ đối với 130.644 lượt người, với tổng kinh phí thực hiện trên 144,3 tỷ đồng.
Công tác chăm sóc nuôi dưỡng người có công với cách mạng và thân nhân người có công tại các trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người có công trên địa bàn tỉnh được các cấp chính quyền và ngành quan tâm chỉ đạo sát sao, cơ sở vật chất ngày càng được hoàn thiện và khang trang, công tác chăm sóc phục vụ, nuôi dưỡng người có công với cách mạng và thân nhân đảm bảo khoa học, tận tình, chu đáo. Hiện tỉnh Thanh Hóa có 2 đơn vị trực tiếp thực hiện chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng và thân nhân người có công. Cùng với các hoạt động về thể chất, việc tổ chức cho người có công tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trong và ngoài tỉnh được các địa phương thường xuyên tổ chức.
Công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 741 công trình ghi công liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các địa phương thực hiện các chương trình chăm sóc thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng đẩy mạnh phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Qua đó, công tác huy động nguồn lực chăm sóc, ưu đãi người có công đã được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức, việc làm cụ thể, thiết thực góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người có công với cách mạng. Từ nguồn quỹ vận động được, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ để xây dựng mới và sửa chữa nhà đối với người có công có khó khăn về nhà ở; cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ, nhà bia ghi công liệt sĩ và hỗ trợ người có công với cách mạng gặp khó khăn trong đời sống, học tập…
Công tác thăm hỏi, động viên, tặng quà đối tượng chính sách người có công với cách mạng vào các dịp lễ, tết được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền và kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 hằng năm, toàn tỉnh đã có trên 380.000 lượt người có công với cách mạng và thân nhân được nhận quà của Chủ tịch nước và quà tặng của tỉnh với tổng kinh phí thực hiện trên 100 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh bố trí khoảng 50 tỷ đồng). Các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đã được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, thường xuyên đến thăm hỏi, kịp thời động viên an ủi khi mẹ ốm đau; nhiều đơn vị ngoài việc phụng dưỡng tiền trợ cấp hằng tháng, còn hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, mua sắm đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt trong gia đình… Những việc làm trách nhiệm và tình nghĩa thực sự trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp giá trị nhân văn sâu sắc.
Trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng; tham mưu giải quyết dứt điểm các trường hợp hồ sơ còn tồn đọng trên tinh thần thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công khai chế độ, chính sách từ cơ sở, giải quyết trả lời kịp thời những đơn thư, kiến nghị của công dân về chính sách người có công, xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm, quan liêu, tham nhũng trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Phát triển các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, cả hệ thống chính trị cùng chăm lo cho người có công, góp phần hỗ trợ các đối tượng là thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công thực sự được yên tâm về vật chất, vui vẻ về tinh thần cũng như cùng đồng hành trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.
Tri ân người có công với cách mạng, không chỉ là nhiệm vụ của một ngày trong năm, mà là trách nhiệm suốt đời của mỗi con người, là hành động cao đẹp và là cách bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất của chúng ta.
Vũ Thị Hương
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tri-an-nhung-nguoi-con-anh-hung-dan-toc-219947.htm