Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và duy trì trong thời gian dài, trong khi giá bán nhiều gia cầm thương phẩm như gà, vịt và các loại trứng giảm ở mức thấp hơn giá thành sản xuất nên buộc người nuôi phải giảm quy mô đàn, thậm chí phải tạm… “treo chuồng”.
Trang trại nuôi gà ở xã Thọ Vực (Triệu Sơn).
Với thâm niên nuôi gà hàng chục năm nhưng theo anh Trần Văn Thanh ở xã Thọ Dân (Triệu Sơn), chưa năm nào việc chăn nuôi lại gặp khó như năm nay khi giá bán thấp, việc tiêu thụ cũng chậm. Hiện, gia đình anh vẫn đang duy trì đàn gà thịt lông màu Lạc Thủy hơn 1.000 con. Mặc dù 1 tuần gần đây, giá gà được các thương lái thu mua ở mức 52 nghìn đồng/kg, cao hơn hàng chục giá so với 2 tháng trước đây (32 – 40 nghìn đồng/kg), song vẫn thấp hơn nhiều giá thành sản xuất (khoảng 56 nghìn đồng/kg) khiến những hộ nuôi gà lâu năm như gia đình anh cũng cạn kiệt nguồn vốn.
Cùng cảnh như anh Thanh, hiện giá trứng gà của gia đình chị Lê Thị Thanh Hải, khu 1, thị trấn Thường Xuân (huyện Thường Xuân) cũng mới được thương lái thu mua nhích lên giá 2.800 đồng/quả khoảng 1 tuần nay. Trước đó, suốt thời gian dài, gia đình chị chỉ bán được với mức 2.200 đồng/quả nên phải bù lỗ. “Giá trứng lên xuống thất thường, lúc xuống thì xuống liền mấy giá và duy trì trong thời gian dài còn lên thì nhích từng chút một. Nuôi gà đẻ không dễ như nuôi gà thịt hay lợn thịt, bởi muốn giảm đàn phải mất thời gian dài, do đó, khi giá trứng xuống thấp, gia đình vẫn buộc phải duy trì đàn, cộng thêm các chi phí cám, thuốc men phòng bệnh, vốn vay ngân hàng… khiến các hộ chăn nuôi như tôi rơi vào cảnh thấp thỏm, làm cũng dở, bỏ làm cũng khó” – chị Hải chia sẻ.
Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gần 25 triệu con gia cầm các loại. Tuy nhiên, giá bán các sản phẩm gia cầm trong 3 năm gần đây thường xuyên xuống dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ, gặp nhiều khó khăn. Thời điểm giữa tháng 8-2023, giá các sản phẩm gia cầm dù đã bắt đầu tăng nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ bù được chi phí đầu vào, người nuôi hầu như chưa có lợi nhuận. Giá các loại gia cầm và trứng xuống thấp không chỉ do khó khăn về việc làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nên sức tiêu dùng hạn chế, nhu cầu thị trường giảm, mà còn do giá nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp, đầu vào sản xuất luôn duy trì ở mức cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi, gây khó khăn cho cả hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ cũng như các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn.
Chăn nuôi gia cầm giữ vai trò quan trọng đối với ngành chăn nuôi, góp phần bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ thị trường trong tỉnh cũng như xuất khẩu. Do đó, để ổn định thị trường, chăn nuôi có lãi và bền vững, các hộ chăn nuôi cần phải liên kết sản xuất theo chuỗi, giúp sản phẩm được chế biến, đóng gói, có nhãn hiệu và truy xuất nguồn gốc rõ ràng…
Để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định, hiện nay, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng chống nắng nóng và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, khuyến cáo, vận động hộ nuôi sản xuất sản phẩm chất lượng, an toàn; nhân rộng mô hình chăn nuôi đúng quy trình VietGAP, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; vận động người dân, cơ sở chăn nuôi chọn giống gà chất lượng cao; tuyên truyền để người dân không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, trường học… có bếp ăn tập thể tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm của bà con; tổ chức các đoàn đi kiểm tra thực tế nhằm nắm bắt tình hình chăn nuôi, tâm tư nguyện vọng của người dân. Đồng thời, khuyến khích người dân nuôi theo phương pháp rải lứa, không bán tập trung dễ bị ảnh hưởng khi gặp giá thấp. Cùng với đó, khi tái nhập đàn mới cần lựa chọn con giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh; đồng thời, áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhất là tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin nhằm tránh rủi ro từ dịch bệnh… Với các trang trại chăn nuôi lớn, cần tìm mối liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định về giá cả và số lượng. Có như thế, chăn nuôi gia cầm mới thực sự đem lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bài và ảnh: Minh Hà