Nông dân ở các địa phương trong tỉnh đang tích cực liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp với các doanh nghiệp, HTX nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm và nâng cao thu nhập.
Người dân xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa) thu hoạch khoai tây theo hợp đồng liên kết với Công ty CP Nông nghiệp quốc tế An Việt.
Những ngày cuối tháng 3/2024, trên các cánh đồng trồng khoai tây phục vụ chế biến theo hình thức liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm của các xã Hoằng Thắng, Hoằng Lưu, Hoằng Thành, Hoằng Tiến, Hoằng Ngọc, Hoằng Đông… của huyện Hoằng Hóa luôn nhộn nhịp. Người dân đang tấp nập thu hoạch khoai tây để nhập cho các HTX, doanh nghiệp thu mua theo hợp đồng. Thay vì thu hoạch thủ công như trước đây, nông dân đã đưa máy vào thu hoạch, không làm trầy xước khoai, không để sót, thay thế sức người và giảm nhân công lao động.
Đang khẩn trương thu hoạch, nông dân Lê Xuân Lâm, thôn 3, xã Hoằng Ngọc, cho biết: “Vụ này gia đình tôi đang liên kết với Công ty CP Nông nghiệp quốc tế An Việt trồng gần 1 ha khoai tây. Nhờ tuân thủ kỹ thuật nên cây khoai tây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất từ 1,2 đến 1,5 tấn/sào. Với giá thu mua theo cam kết của công ty là 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận từ 6 đến 8 triệu đồng/sào, tương đương 120 đến 160 triệu đồng/ha. Trồng khoai tây hiện nay cũng không vất vả như trước đây, từ lên luống cho đến thu hoạch đều sử dụng máy móc, sản phẩm cũng không phải đi bán xa, doanh nghiệp thu mua tại ruộng”.
Vụ đông 2023-2024, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hoằng Thành (Hoằng Hóa) đã thuê lại 16 ha đất của các hộ dân địa phương để liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây FL 2215 với Công ty CP Logistics Viettrans. Trong quá trình sản xuất, HTX được công ty chuyển giao kỹ thuật về trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ông Lương Quốc Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thành, cho biết: Sau 100 ngày trồng, đến nay, diện tích khoai tây đã cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 32 tấn/ha. Với giá công ty thu mua tại ruộng là 8.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi ha khoai tây cho lợi nhuận 120 triệu đồng.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 10 doanh nghiệp đang đầu tư liên kết sản xuất khoai tây với diện tích hơn 1.000 ha, tập trung tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thọ Xuân, Yên Định… Tổng sản lượng khoai tây đạt khoảng 25.000 tấn/năm. Ông Đào Ngọc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Logistics Viettrans, cho biết: “Trong quá trình liên kết sản xuất, các công ty đầu tư ứng trước cho bà con về giống, vật tư phân bón, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho nông dân thông qua các HTX nhằm phục vụ chế biến. Cây khoai tây phù hợp với đồng đất Thanh Hóa. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng liên kết, có thể lên hàng trăm ha mỗi năm”.
Nông dân xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) sử dụng cơ giới thu hoạch khoai tây.
Nhiều năm nay, nông dân các xã Yên Phong, Yên Lâm, Yên Thái, Yên Ninh, Định Hưng, Định Hòa, thị trấn Quý Lộc… của huyện Yên Định đang liên kết với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tình Cầm để sản xuất chuyên canh hơn 100 ha ớt xuất khẩu. Theo các hộ dân, trồng ớt tuy vất vả, mất nhiều công hơn so với các cây trồng truyền thống khác, nhưng cây ớt cho thu hoạch dài hơn, một vụ có thể thu hái nhiều lứa. Những sào ớt sai quả cho thu hoạch đến cả tạ ớt mỗi lứa. Ớt được công ty thu mua tại ruộng với giá ổn định, cho thu nhập cao gấp 4 – 5 lần so với cây trồng khác trên cùng diện tích. Vụ ớt này, ban đầu giá bán 23.000 đồng/kg, sau đó tăng dần, có thời điểm công ty thu mua với giá 30.000 đồng/kg. Hiện nay, cây ớt đang ở giai đoạn cuối vụ, bà con nông dân các xã đang tập trung thu hoạch để chuẩn bị cho cây trồng khác gối vụ.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định, người dân trên địa bàn thường xuyên hợp tác, liên kết với hơn 10 doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, với gần 3.460 ha cây trồng. Trong đó, vụ xuân đạt 1.426,6 ha; vụ mùa đạt 1.888,5 ha; vụ đông đạt 1.044,8 ha với nhiều loại cây trồng có giá trị cao, như: lúa giống thuần, lúa lai F1, lúa thương phẩm, lúa theo hướng hữu cơ, ớt, khoai tây, bí giống, bí xanh, ngô ngọt, ngô dày, ngô F1…
Hiện nay, toàn tỉnh hình thành 1.808 chuỗi liên kết, với 65.000 hộ nông dân, 56 tổ hợp tác, 749 HTX, 800 doanh nghiệp và 26 tổ chức khác tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Viết Chọn: Nông dân ở các địa phương trong tỉnh có nhiều kinh nghiệm sản xuất cùng với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn. Đây cũng là điều kiện để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ. Ngành nông nghiệp khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tích tụ đất đai để tạo các vùng trồng tập trung liên kết theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, ngành nông nghiệp triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất của Trung ương, của tỉnh đang còn hiệu lực. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hệ thống giao thông, hạ tầng kết nối đến các vùng sản xuất tập trung để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiêu thụ hàng hóa.
Bài và ảnh: Lê Hợi