Hiếm có nơi nào ở xứ Thanh mà một làng có tới hai Bí thư Tỉnh ủy thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám như làng Mao Xá (nay là thôn Toán Tỵ) xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa.
Ngôi nhà của đồng chí Lê Huy Toán, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa (1940-1942) vừa được tu bổ khang trang. Ảnh: KIỀU HUYỀN
Từ truyền thống cách mạng
Từ đời Đồng Khánh (1885-1888), Mao Xá là một xã thuộc tổng Lôi Dương, huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân. Năm 1897 tổng Lôi Dương được chia thành 2 tổng Lôi Dương và Xuân Lai, làng Mao Xá thuộc tổng Xuân Lai. Đến năm 1900, hai tổng này được cắt về phủ Thiệu Hóa.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước có chủ trương bỏ đơn vị cấp tổng, thành lập đơn vị hành chính cấp xã, trên địa bàn 2 tổng Xuân Lai và Xuân Phong thành lập 4 xã, trong đó có xã Huy Toán (nay là xã Thiệu Toán), các làng cũng được đổi tên và làng Mao Xá được đổi tên thành Toán Tỵ (lấy theo tên người chiến sĩ cách mạng Lê Văn Tỵ của làng) và giữ đến ngày nay.
Cũng xin nhắc lại, xã Huy Toán (huyện Thiệu Hóa) “khai sinh” tháng 12-1945, được đặt theo tên của liệt sĩ, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa giai đoạn 1940-1942 Lê Huy Toán. Ngoài ra, các thôn đều lấy chữ Toán làm đầu như: Toán Tỵ, Toán Thành, Toán Phúc, Toán Thọ và Toán Thắng.
Nhắc đến làng Mao Xá là nhắc đến truyền thống văn hóa và lòng yêu nước. Ở đây người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, vì thế những sinh hoạt văn hóa dân gian luôn được bà con quan tâm như tục kết chạ nhằm giúp đỡ, chia sẻ với nhau trong cuộc sống; hát bội, hát chèo, hát đúm, hát ghẹo, hò đối để vui vẻ quên đi những giờ lao động mệt nhọc. Đây còn là vùng quê có truyền thống yêu nước. Năm 1925, sau khi tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập để truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, thì năm 1926 tại làng Mao Xá, Hội đọc sách báo cách mạng được thành lập và năm 1927 Hội thanh niên Cách mạng ra đời. Kể từ đó trở đi, nơi đây đã là “địa chỉ đỏ” của phong trào cách mạng ở huyện Thiệu Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Phát huy truyền thống cách mạng, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ và nhân dân trong thôn Toán Tỵ đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, thu nhập bình quân trong thôn đạt 54 triệu đồng/người, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 98,8%, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 92%. Đây là những điều kiện quan trọng để thôn Toán Tỵ hoàn thành việc xây dựng thôn NTM kiểu mẫu trong thời gian sắp tới.
Và những người con trung kiên
Hơn tám thập kỷ trôi qua kể từ ngày đồng chí Lê Huy Toán hy sinh, nhưng mỗi lần ôn lại lịch sử Đảng bộ xã Thiệu Toán, từ cán bộ đến mỗi người dân đều nhắc nhớ về người con quê hương suốt đời trung với Đảng, hết lòng vì Nhân dân.
Sinh năm 1890 tại làng Mao Xá trong một gia đình nhà nho yêu nước, trọng văn sách, lễ nghĩa, nên ngay từ nhỏ đồng chí đã giác ngộ cách mạng, tham gia các phong trào thanh thiếu niên yêu nước ở địa phương. Chứng kiến dân tình chịu cảnh khổ cực, đồng chí quyết tâm nghiên cứu sách thuốc, học nghề chữa bệnh cứu người, đồng thời dạy chữ Hán cho con cháu trong làng.
Bí thư chi bộ, trưởng thôn Toán Tỵ Lê Văn Thái cho biết: “Cụ Toán là một trong những người hoạt động cách mạng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, luôn luôn bám trụ cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Đây chính là điểm dân mến, dân tin ở cụ”.
Xông xáo tham gia các phong trào Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, làm Bí thư Chi bộ Mao Xá, đồng chí đã vận động quần chúng học chữ quốc ngữ; kiến nghị lên Viện dân biểu Trung Kỳ bãi bỏ dự án tăng thuế thân, thuế điền thổ… Tháng 4-1940, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa (1940-1942) kiêm Bí thư Chi bộ Mao Xá.
Sau khi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí và gia đình nằm trong tầm ngắm của địch. Đến tháng 9-1941 đồng chí bị địch bắt giam tại nhà tù Thanh Hóa và kết án 20 năm tù khổ sai cho đi đày biệt xứ tại Trường Xanh (nơi giam giữ những người đã thành án). Ngày 5-4-1942 đồng chí hy sinh tại nhà tù Thanh Hóa, đúng vào thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn ác liệt.
Ngoài đồng chí Lê Huy Toán, làng Mao Xá cũng là quê hương của đồng chí Lê Công Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam từ năm 1930-1932. Trước đó, từ năm 1925-1926 người thanh niên yêu nước Lê Công Thanh đã được tiếp cận với đồng chí Lê Hữu Lập – người học trò tin cậy của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Lê Công Thanh và đồng chí Lê Hữu Lập cùng một số đồng chí khác đã tích cực vận động thành lập tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở các địa phương trong tỉnh.
Từ năm 1927-1929, địch bắt bớ, khủng bố, đồng chí Lê Công Thanh tránh ra Hà Nam tham gia “vô sản hóa” và được kết nạp Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 2-1930, Đông Dương Cộng sản Đảng gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại Hà Nam đều đổi thành các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến tháng 9-1930 Ban Tỉnh ủy lâm thời Hà Nam được thành lập, đồng chí Lê Công Thanh được bầu là Bí thư. Đầu tháng 1-1931, Hội nghị đại biểu Đảng bộ Hà Nam được tổ chức và bầu Ban Tỉnh ủy Hà Nam chính thức, đồng chí Lê Công Thanh được bầu làm Bí thư.
Đặc biệt, tại làng Mao Xá, trong căn nhà của đồng chí Tô Đình Bảng, dưới sự chủ trì của đồng chí Tố Hữu, Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ đã diễn ra cuộc họp với nội dung nhận định tình hình và bàn cách phát huy thắng lợi của cuộc khởi nghĩa sớm ở Hoằng Hóa (24-7-1945) để đề ra phương hướng lãnh đạo nhằm đẩy mạnh phong trào cách mạng trong tỉnh tiến lên một bước mới. Thời điểm đó, Nhật chính thức đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Vận dụng tinh thần Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, hội nghị chuyển sang bàn kế hoạch phát động quần chúng trong tỉnh vùng lên giành chính quyền về tay cách mạng. Hội nghị này có ý nghĩa rất to lớn và trọng đại đối với phong trào cách mạng Thanh Hóa, bởi chính nơi này Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết định phát lệnh tổng khởi nghĩa, lãnh đạo quần chúng nhất tề nổi dậy giành chính quyền về tay cách mạng.
Căn nhà của đồng chí Lê Huy Toán suốt những năm 1930-1945 là nơi hội họp, đi lại, hoạt động của nhiều cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ, Trung kỳ và hầu hết các đồng chí cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Thanh Hóa và các huyện hoạt động. Sau khi khảo sát thực tế về sự xuống cấp của ngôi nhà, ngày 8-7-2020 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 9056/UBND-THKH về việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử nhà đồng chí Lê Huy Toán. Đến nay, căn nhà gỗ 6 gian (5 vì) làm theo kiểu giá chiêng – kẻ truyền đã được tu bổ, tôn tạo xong. Trong thời gian tới, huyện Thiệu Hóa và xã Thiệu Toán sẽ thực hiện việc di chuyển những người đang sống ở căn nhà đồng chí Lê Công Thanh và Tô Đình Bảng ra khỏi khu di tích đã được khoanh vùng để bảo vệ.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Toán Lê Doãn Mạnh chia sẻ: “Kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, xã Thiệu Toán vừa cho sơn lại phía ngoài nhà truyền thống và dọn dẹp lại khuôn viên, quy hoạch hồ sen. Đây là nơi lưu giữ, trưng bày nhiều tư liệu quý về các vị lão thành cách mạng của làng Mao Xá nói riêng và xã Thiệu Toán nói chung cũng như những hình ảnh về 3 ngôi nhà trước thời điểm được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia… với mong muốn nhắc nhớ mỗi người dân trong làng, trong xã, đặc biệt là thế hệ trẻ không quên truyền thống quê hương mình”.
KIỀU HUYỀN
(*) Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Thiệu Toán (1925-2010), NXB Thanh Hóa, 2015.